29,5 điểm vẫn trượt đại học: Xót xa cho thí sinh!

0
313

61 thí sinh đạt 29,5 trở lên nhưng không đỗ đại học, nhiều ý kiến cho rằng, các trường cần tạo ra cơ chế đặc biệt cho những em học sinh này để tránh tình trạng bỏ lọt nhân tài.

Sau khi các trường đại học trên cả nước công bố điểm chuẩn và danh sách trúng tuyển đợt 1 dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, có 61 thí sinh có điểm xét tuyển từ 29,5 trở lên nhưng không đỗ nguyện vọng nào.

Trong số 61 thí sinh không đỗ nguyện vọng nào, có tới 60 em chỉ đặt duy nhất 1 nguyện vọng, chỉ có 1 em đặt 2 nguyện vọng; 59 em có nguyện vọng 1 vào các trường công an, quân đội và đều chỉ có 1 nguyện vọng.

29,5 điểm vẫn trượt đại học: Xót xa cho thí sinh! - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Nguồn thống kê của Bộ GD-ĐT.

Cần tạo cơ hội để tránh “chảy máu chất xám”

Có con gái vừa tốt nghiệp THPT, phụ huynh Đỗ Đức Chinh (Hải Phòng) bày tỏ: “Sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp, tôi nghĩ rằng điểm chuẩn vào đại học năm nay sẽ tăng, nhưng không ngờ lại tăng “phi mã” đến như vậy.

May mắn khi với số điểm 25, con gái tôi vẫn trúng tuyển vào một trường trên Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều em đạt điểm cao gần “chạm trần” nhưng vẫn trượt đại học, quá là xót xa và đáng tiếc. Phải chăng, nên có cách nào đó để giúp những thí sinh này tiếp tục con đường học vấn của mình”.

Còn phụ huynh Ngọc Hà (Hà Nội) nhớ lại “thời mình 20 năm trước”, 27 điểm cũng có thể trở thành thủ khoa, á khoa của một trường đại học. Vậy mà, thực tế bây giờ lại hoàn toàn trái ngược khi thí sinh đạt 29,5, thậm chí 30 điểm vẫn có thể trượt nhiều trường.

Chị Hà cho rằng, với mức điểm chuẩn “cao ngất ngưởng” như hiện nay sẽ rất thiệt thòi cho những học sinh chưa có điểm cộng. Điều này cũng sẽ khiến nhiều học sinh không còn niềm tin và nghị lực để phấn đấu.

Biết thông tin năm nay có tới 61 thí sinh đạt điểm xét tuyển từ 29,5 trở lên nhưng không đỗ nguyện vọng nào, nhà giáo Trần Minh Thùy (Hà Nội) vô cùng ngỡ ngàng. “Năm nay, thí sinh trượt nhiều quá. Điểm cao, các em không lường trước được. Một phần nguyên nhân nằm ở các trường tuyển sinh bằng nhiều phương thức, chỉ tiêu dành cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT không nhiều. Tuy nhiên, tôi thấy, dù bất cứ lý do gì, đạt được 29,5 điểm nhưng vẫn không thể đỗ đại học, thì thực sự là tàn nhẫn”.

“Đỗ đại học” đã từng là niềm tự hào lớn lao với mỗi cá nhân cũng như với gia đình sĩ tử. Đặc biệt, việc đặt chân vào một ngôi trường danh tiếng xứng đáng để cả làng đến chúc mừng, chung vui. Nhưng, đó là chuyện của ngày xưa.

Ngày nay, cơ hội học đại học đã trở nên rộng mở hơn với các bạn trẻ. Tuy nhiên, với việc gần đây xuất hiện không ít trường hợp đạt mỗi môn hơn 9 điểm hay tổng 3 môn 30 điểm cũng không đỗ đại học, quả thực khiến người lớn chúng ta sửng sốt và xót xa.

“Tôi tự hỏi, nhiều thí sinh đạt điểm xét tuyển từ 29,5 trở lên, tức là xấp xỉ 10 điểm một môn nhưng vẫn trượt đại học, liệu rằng ngành giáo dục có đang bỏ lọt nhân tài. Là một giáo viên, tôi tiếc cho các em và công sức của thầy cô đã đưa học sinh đi đến hết quãng đường THPT mà bây giờ lại lạc lối, trong khi các em là tài năng thực sự.

Thiết nghĩ, để không xảy ra tình trạng chảy máu chất xám, Bộ GD-ĐT nên kết hợp cùng các trường đại học, tạo ra cơ chế đặc biệt cho các em học sinh này. Mở ra cơ hội để các em có thể cống hiến tài năng cho đất nước” – nhà giáo Minh Thùy bày tỏ.

Con đường nào cho các “chiến binh”?

Đứng trước vấn đề này, giảng viên Nguyễn Thu Trà (Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng) cho hay, năm 2021 là một năm học đầy vất vả khi phải gián đoạn nhiều lần do Covid-19; kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, các sĩ tử 2k3 là những “chiến binh” thực thụ. Do đó, kết quả ra sao cũng đều đáng để trân trọng.

Trượt đại học, buồn bã hay suy sụp là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, thay vì mãi ủ rũ và trượt dài, các bạn trẻ hãy mạnh mẽ đứng dậy và tự tìm cho mình hướng đi riêng.

“Trong trường hợp trượt tất cả nguyện vọng hoặc đã trúng tuyển vào các trường nhưng không như ý, thí sinh có thể tham gia đợt xét tuyển bổ sung. Thực tế, tỷ lệ ảo trên hệ thống của Bộ GD-ĐT lớn, các trường gọi thí sinh nhưng nhiều em không nhập học. Nếu còn chỉ tiêu xét tuyển bổ sung, các trường đại học sẽ công bố chỉ tiêu, mức điểm như thời gian nhận hồ sơ, thời gian xét tuyển… trên trang thông tin điện tử của trường để thí sinh được biết”.

Tuy nhiên, theo giảng viên này, việc xét tuyển bổ sung thường rơi vào các trường tốp dưới vì những năm gần đây, gần như các trường đại học tốp đầu và tốp giữa sẽ tuyển đủ từ đợt tuyển sinh đầu tiên. Cơ hội còn lại cho thí sinh khá nhỏ; do đó, các em cần cân nhắc, lựa chọn, sắp xếp nguyện vọng một cách cẩn trọng.

Đồng quan điểm, thầy giáo Trần Quang Vinh (THPT Nguyễn Khuyến) chia sẻ, trước khi đăng ký nguyện vọng bổ sung, thí sinh nên dành thời gian nghiên cứu cơ cấu ngành nghề để xem trường nào điểm cao, điểm thấp rồi đăng ký xét tuyển vào trường có điểm chuẩn gần kề, thấp hơn điểm của mình.

“Với lựa chọn xét tuyển bổ sung, nếu có điều kiện tài chính, các em có thể cân nhắc việc đăng ký học chương trình liên kết quốc tế của các trường, đặc biệt với các trường ngoài công lập. Những ngành này thường lấy điểm không quá cao.

Tuy nhiên, do liên kết với các trường đối tác ở nước ngoài nên học phí thường cao và yêu cầu về chứng chỉ tiếng Anh để đảm bảo việc học bằng ngoại ngữ. Nhưng nếu trúng tuyển và học tập tốt, cơ hội việc làm sau này là rất lớn” – thầy Vinh đề xuất.

Trong khi đó, theo cô giáo Nguyễn Hương Giang (giáo viên cấp 3, Hải Phòng), gợi ý thêm các em có thể chọn học cao đẳng 3 năm rồi liên thông lên đại học nếu trong đợt xét tuyển vừa qua trượt tất cả nguyện vọng.

Cân nhắc kỹ nếu có ý định thi lại

Cũng theo nhà giáo Hương Giang, ngoài những lựa chọn trên, do quá yêu thích và đam mê với trường và ngành học mà năm nay chưa trúng tuyển, nhiều em đã quyết định thi lại vào năm sau.

Một năm không phải quá dài, nhưng cũng đủ cho các em vừa ôn tập, vừa có cơ hội để trải nghiệm và đúc rút được nhiều bài học trong cuộc sống.

Tuy nhiên, cô Giang cho biết từ quan sát cá nhân, phần lớn học sinh ôn thi lại không đạt kết quả như năm đầu. Vì thế, ông nhắn gửi thí sinh khi xác định thi lại, cần chuẩn bị tâm thế để đón nhận, cho dù kết quả không như mong muốn.

Ngoài ra, các em cần xác định rõ lý do mình thi lại. Nếu chỉ là thiếu chút may mắn, các em mới nên thi lại. Còn trong trường hợp kỳ thi năm nay đã đánh giá đúng năng lực bản thân, các em hãy chọn cho mình lối đi khác.

“Khi thi lại, không chỉ tốn về tiền bạc, mà các em còn mất nhiều công sức. Việc thi lại cũng đòi hỏi ở người học tinh thần tự giác. Bước vào ngưỡng trưởng thành, không thầy cô hay cha mẹ nào có thể áp sát hay kề cận thúc giục. Quan trọng là cần tự thân.

Vì vậy các em hãy cân nhắc, tính toán nghiêm túc, bàn bạc kỹ lưỡng với gia đình, không nên quyết định cảm tính nhất thời, bởi đây là chuyện của cả đời người chứ không phải là ngày một ngày hai” – cô Giang nhắn nhủ.