7 năm thực hiện kỳ thi ‘hai trong một’

0
441
Lần đầu tiên được tổ chức năm 2015, kỳ thi THPT quốc gia đem lại nhiều điểm tích cực nhưng rồi dần bộc lộ nhiều hạn chế, phải liên tục điều chỉnh.

Sau 13 năm tổ chức kỳ thi đại học 3 chung (chung đề, chung đợt thi và sử dụng chung kết quả), năm 2015 lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích: Xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Một kỳ thi với hai mục đích (hai trong một) được xem là bước đột phá trong đổi mới thi cử, khâu quan trọng của lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, theo Nghị quyết 29 năm 2013 của Trung ương khóa XI.

Trong hai năm đầu tổ chức kỳ thi “hai trong một”, thí sinh phải làm ít nhất 4 bài thi để xét công nhận tốt nghiệp gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do tự chọn trong các môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học. Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi tự luận; các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thi trắc nghiệm; riêng Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm.

Kỳ thi đạt một số mục tiêu đề ra. Thay vì trải qua rất nhiều kỳ thi được tổ chức gần nhau gồm tốt nghiệp, đại học, cao đẳng, việc chỉ dự một kỳ thi và sử dụng kết quả cho nhiều mục đích giúp thí sinh giảm áp lực, bớt tốn kém cho gia đình và xã hội.

Cũng từ năm 2015, thí sinh không cần chọn trường trước khi thi. Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, căn cứ vào điểm số đạt được, các em mới cân nhắc để đăng ký xét tuyển vào ngành, trường phù hợp. Điều này mở ra nhiều cơ hội học đại học hơn nhưng cũng gây ra những cuộc “nộp – rút hồ sơ” nhiều tranh cãi.

TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, khi ấy nhận xét việc rút – nộp hồ sơ như chơi chứng khoán. Thấy “thị trường” điểm thi phổ điểm cao, khó có khả năng đậu, nhiều thí sinh rút hồ sơ để chuyển sang trường khác. Có phụ huynh ở Hà Tĩnh đã thuê xe cấp cứu cho con vượt hơn 350 km ra rút hồ sơ từ Học viện An ninh để kịp chuyển sang Đại học Bách khoa Hà Nội.

Thí sinh Hà Nội thi THPT quốc gia năm 2017. Ảnh: Giang Huy

Thí sinh Hà Nội thi THPT quốc gia năm 2017. Ảnh: Giang Huy

Từ năm 2017, môn thi thay đổi, thí sinh phải làm ba bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cùng một bài tự chọn là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân với học sinh THPT; Lịch sử, Địa lý với học sinh Giáo dục thường xuyên). Trừ môn Ngữ văn, tất cả môn thi còn lại chuyển sang thi trắc nghiệm.

Môn Toán thi trắc nghiệm đã gây ra cuộc tranh cãi lớn. Hội Toán học cho rằng việc giảng dạy môn Toán ở bậc phổ thông hướng cho học sinh những kỹ năng quan trọng như tư duy, đặt vấn đề và giải quyết vấn đề, không đơn giản là thủ thuật tính toán, mẹo giải bài tập. Thi trắc nghiệm không đáp ứng được yêu cầu này, khiến các em dễ sa vào học mẹo, học vẹt.

Chuyển sang hình thức thi mới đã góp phần tạo ra “mưa” điểm 10″. Từ chỗ chỉ có 57 điểm 10 ở 8 môn vào năm 2016 thì đến năm 2017 có tới 4.235 điểm 10 ở 9 môn. Điểm thi cao kéo theo điểm chuẩn vào đại học xét theo kết quả thi THPT quốc gia được đẩy lên cao “đột biến”. Ở Học viện An ninh nhân dân và Đại học Phòng cháy chữa cháy, điểm chuẩn lên tới 30,5 và 30,25, vượt cả tổng điểm tối đa ba môn thi. Ngành Y khoa của Đại học Y Hà nội tăng từ 27 lên 29,25. Nhiều trường phải đau đầu tính tiêu chí phụ để tuyển sinh cho đúng chỉ tiêu.

Ở chiều ngược lại, do vắng người học, nhiều đại học sư phạm lấy đầu vào chỉ 15,5, cao đẳng lấy 9 điểm, tức 3-5 điểm mỗi môn là trúng tuyển. Dư luận đặt câu hỏi trường đào tạo giáo viên tương lai có đầu vào quá thấp thì làm sao dạy dỗ được học sinh, chất lượng giáo dục của cả thế hệ có thể đi xuống.

Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương sáng 29/12/2017, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo đổi mới hoàn toàn đào tạo sư phạm. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quy định điểm sàn riêng cho ngành sư phạm từ năm 2018 nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào; đồng thời giảm mạnh chỉ tiêu đào tạo sư phạm năm tới, lựa chọn 8-10 trường chất lượng cao đào tạo giáo viên…

Cũng trong kỳ tuyển sinh 2017, việc điểm thi tăng cao, độ phân hóa không nhiều mà tổng điểm ưu tiên khu vực, đối tượng tối đa vẫn là 3,5 đã gây nhiều tranh cãi. Bộ Giáo dục và Đào tạo sau đó phải điều chỉnh mức chênh lệch điểm ưu tiên giữa hai khu vực kế tiếp còn 0,25 thay vì 0,5. Tổng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực tối đa giảm còn 2,75.

Một năm sau “mưa” điểm 10, năm 2018, đề thi THPT quốc gia một số môn lại “quá khó”. 6/9 môn có điểm trung bình dưới 5, thậm chí môn Lịch sử chỉ 3,79, Tiếng Anh 3,91. Số lượng điểm 10 chỉ còn 477.

Điểm trung bình từng môn năm 2017 và 20187.87.86.26.25.515.515.345.345.325.325.195.194.754.754.64.64.64.67.137.135.465.465.455.454.974.974.874.874.864.864.544.543.913.913.793.79Năm 2017Năm 2018GDCDĐịa lýNgữ vănVật lýHóa họcToánSinh họcTiếng AnhLịch sử0246810

Điểm thi và điểm ưu tiên giảm khiến điểm chuẩn đại học giảm mạnh. Các trường thuộc khối công an, quân đội thậm chí giảm gần 9 điểm. Hàng loạt đại học vùng, địa phương lấy 13-14.

Cũng vì đề thi khó, hàng loạt bất thường về điểm thi ở một số tỉnh miền núi phía Bắc lộ ra. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Công an vào cuộc, phát hiện 221 thí sinh, trong đó 114 em ở Hà Giang, 44 em ở Sơn La và 63 em ở Hòa Bình được nâng điểm. Có thí sinh được nâng tới 29,95 tổng điểm các môn.

16 người trong ngành giáo dục và công an bị khởi tố. Nhiều thí sinh, vốn trúng tuyển với danh hiệu thủ khoa, á khoa các trường danh tiếng bị xóa tên khỏi danh sách trúng tuyển hoặc buộc thôi học. Kể từ khi tổ chức thi THPT quốc gia năm 2015, đây là vụ gian lận đầu tiên được phát hiện. Đây cũng là vụ bê bối có quy mô lớn nhất, có sự tham gia của cán bộ, lãnh đạo ngành giáo dục địa phương.

Nhiều kẽ hở của kỳ thi được chỉ ra, từ khâu trông thi, chấm thi đến giám sát. Câu hỏi có nên duy trì kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT lại được đặt ra. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khi đó đã nhận trách nhiệm, hứa điều chỉnh cả về kỹ thuật và nhân sự để đảm bảo kết quả thi chính xác.

Vì còn nhiều tranh cãi về kỳ thi THPT quốc gia, Quốc hội đã lùi thông qua Luật Giáo dục đến giữa năm 2019.

Đến năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những thay đổi để hạn chế tối đa việc gian lận thi cử, chẳng hạn giao cho đại học chủ trì chấm trắc nghiệm. Đề thi, sau một năm bị đánh giá là quá khó, cũng đã được điều chỉnh.

Bộ cũng xác định mục tiêu chính của kỳ thi THPT quốc gia là xét tốt nghiệp. Cách nói kỳ thi “hai trong một” được cho là không đúng vì việc tuyển sinh đại học do các trường tự chủ. Tuy nhiên, hầu hết trường vẫn sử dụng kết quả thi THPT quốc gia như phương thức xét tuyển chính. Với đề thi được đánh giá dễ hơn, điểm thi cao hơn, điểm chuẩn hầu hết đại học lại tăng.

Năm 2020, kỳ thi THPT quốc gia được đổi tên thành “thi tốt nghiệp THPT”, bị lùi một tháng rưỡi, phải chia làm hai đợt, đợt đầu tháng 8 thay vì cuối tháng 6 do ảnh hưởng của Covid-19. Trước kỳ thi hơn 3 tháng, thí sinh, lãnh đạo trường phổ thông và đại học phải căng thẳng vì những phương án lộ rõ sự lúng túng.

Cụ thể, ngày 14/4/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra hai phương án, trong đó có không tổ chức thi mà giao địa phương xét tốt nghiệp THPT nếu dịch diễn biến cực kỳ phức tạp. Một tuần sau, Bộ lại dự kiến kỳ thi THPT quốc gia sẽ thay thế bằng thi tốt nghiệp THPT với mục đích là xét tốt nghiệp. Điều này nhằm phù hợp với quy định của Luật Giáo dục có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.

Bộ còn định thay đổi việc chấm một đầu điểm cho bài thi tự chọn thay vì ba đầu điểm cho ba môn thành phần. Điều này khiến nhiều học sinh rối bời, các trường THPT bị gia tăng áp lực do phải ôn nhiều hơn. Các trường đại học liên tiếp thông báo thay đổi phương án tuyển sinh.

Gần một tuần sau đó, mọi thay đổi quay về ban đầu, như năm 2019. Thí sinh sau ba tuần hoang mang được “thở phào”. Các trường đại học lại thay đổi phương án xét tuyển. Điều này cho thấy các trường vẫn lệ thuộc khá lớn vào điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.

Sang năm 2021, kỳ thi tốt nghiệp THPT được giữ ổn định như năm ngoái. Đề thi tiếp tục được giảm tải do chương trình được tinh giản, học sinh trải qua thêm hai đợt học online bởi Covid-19.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại TP HCM hôm 7/7. Ảnh: Hữu Khoa

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa

Không còn sự lúng túng trong phương án thi như năm 2020 nhưng việc tổ chức kỳ thi giữa lúc Covid-19 bùng phát mạnh ở Bắc Giang, Bắc Ninh và các tỉnh phía Nam khiến các địa phương căng thẳng. Dù đã chia kỳ thi thành hai đợt, lần đầu tiên trong lịch sử các địa phương phải xin đặc cách tốt nghiệp cho thí sinh do ảnh hưởng của dịch. Kỳ thi đợt 2 ở một số nơi không thể diễn ra do Covid-19 quá phức tạp dẫn đến số lượng thí sinh được đặc cách lên tới 15.100.

Điểm thi 2021 tăng mạnh, đặc biệt là môn tiếng Anh với phổ điểm kỳ dị có hai đỉnh. Số điểm 10 lên tới hơn 24.000, gấp hơn 4 lần năm ngoái. Điểm chuẩn có trường tăng xấp xỉ 11. Các trường Đại học Hồng Đức, Học viện Chính trị Công an nhân dân, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội xuất hiện mức chuẩn từ 30 trở lên.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có 165 em đạt 27 điểm trở lên (chưa cộng điểm ưu tiên) bị trượt đại học, trong đó 114 em đăng ký vào trường công an, quân đội. Những em này chủ yếu đăng ký một nguyện vọng, nhiều nhất cũng chỉ 3. Đây chỉ là một trong những lý do khiến các em trượt đại học. Nhiều người vẫn cho rằng đề thi dễ, không phân loại, là một phần nguyên nhân. Vấn đề thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh của các đại học lại được đặt ra.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa đưa ra phương án cho kỳ thi năm sau. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng một kỳ thi tập trung như thi tốt nghiệp THPT là rất tốt trong bối cảnh dịch bệnh, các trường có phương án liên kết tổ chức thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy để tuyển sinh nhưng chưa thực hiện được.