Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói về áp lực của ngành giáo dục

0
530
“Bất kỳ một sự tác động nào, nhất là đổi mới, cũng đặt ra những quan điểm trái chiều”, Bộ trưởng Nhạ nói và cho rằng các nhà giáo cũng phải đối mặt với điều này.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, đặc điểm của ngành giáo dục có liên quan đến từng người, từng nhà và được nhân dân rất quan tâm bởi ảnh hưởng trực tiếp đến con em và sự học tập suốt đời của chính từng người dân.

“Bất kỳ một sự tác động nào, nhất là đổi mới, cũng đặt ra những quan điểm trái chiều”, Bộ trưởng Nhạ nói và cho rằng các nhà giáo cũng phải đối mặt với điều này.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói về áp lực của ngành giáo dục
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Thanh Hùng

Theo Bộ trưởng Nhạ, lĩnh vực nào cũng có những khó khăn, nhưng riêng giáo dục, kỳ vọng của người dân là rất cao.

“Với kỳ vọng rằng hội nhập được ngay như một đất nước phát triển, trong khi điều kiện của nước ta ở mức trung bình, thậm chí thấp hơn. Trước thách thức giữa mong đợi, kỳ vọng của người dân, xã hội và những gì đang có, thì chúng ta phải vượt qua”, Bộ trưởng Nhạ nói.

“Tôi trước hết cũng là một người thầy như các thầy cô. Nhưng tôi là đại diện của các thầy cô, được Đảng và Nhà nước giao phụ trách lĩnh vực này. Áp lực vô cùng. Nhưng nếu chúng ta cứ bị cuốn vào những điều chưa làm được hoặc những vấn đề mà dư luận chưa hài lòng thì chúng ta sẽ không thể thực hiện được các nhiệm vụ lớn của sự nghiệp đổi mới”.

Bộ trưởng Nhạ cũng chia sẻ kinh nghiệm với các thầy, cô giáo: “Chúng ta cần cố gắng làm sao phải có suy nghĩ, hành động tích cực. Cái gì chưa chuẩn thì cần phải chỉnh. Song không vì cái chưa chuẩn mà cảm thấy buồn chán. Thực tế tôi cũng gặp nhiều thầy cô và câu đầu tiên họ than thở là ngành giáo dục làm rất nhiều việc nhưng không được chia sẻ, thậm chí đâu đó còn vùi dập, ném đá. Nhưng nhìn rộng ra thì chúng ta cũng đạt được nhiều việc tốt. Vậy nên khi chúng ta có suy nghĩ tích cực, tạo ra lan tỏa cho các thầy cô khác. Trong ngành giáo dục có 1,4 triệu người mà tinh thần tích cực, tâm huyết thì chúng ta có thể lan tỏa.

Bộ trưởng hy vọng các nhà giáo tiêu biểu được tôn vinh sẽ là những người tạo cảm hứng cho các thầy cô, đồng nghiệp khác.

“Chúng ta phải kiên định, kiên trì, thậm chí là kiên nhẫn để thực hiện từng bước thì sự nghiệp đổi mới giáo dục chắc chắn thành công”, ông Nhạ nói.

Bài học thứ hai mà Bộ trưởng Nhạ cho hay bản thân rất thấm thía là sau mỗi bước tiến cần phải dành thời gian rà soát, để hỗ trợ nhau.

“Không phải cứ chỉ có một mình vượt lên trước, hay trường mình, tổ bộ môn mình vượt lên trước mà phải toàn ngành”.

Bộ trưởng Nhạ dẫn câu nói “Nếu như muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa phải đi cùng nhau” và cho rằng điều này rất đúng với ngành giáo dục.

“Giờ ngành giáo dục có hơn 50.000 cơ sở với khoảng 1,4 triệu người. Nếu chúng ta không cùng nhau, mà để một nhóm hoặc một số người bị tụt lại phía sau thì công sức của chúng ta bị ảnh hưởng”.

Bộ trưởng cho hay, ở các ngành, các lĩnh vực nào, cũng có người này người kia và khi xảy ra sự việc thì chỉ coi là cá biệt, khoanh vùng.

“Nhưng riêng ngành giáo dục, chỉ cần một giáo viên sai phạm thì toàn ngành rung động”, ông Nhạ nói.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói về áp lực của ngành giáo dục
Bộ trưởng Giáo dục mong toàn ngành cùng chung tay, hỗ trợ nhau, để không giáo viên, nhà trường nào bị tụt lại phía sau. Ảnh: Thanh Hùng

“Tôi có quan sát rằng đổi mới lần này rất căn bản, phần nhiều thầy cô cố gắng, song trong nội bộ, nhận thức về đổi mới chưa phải tốt lắm đâu. Mà phần nhiều những vấn đề xuất phát từ chính cán bộ mà ra. Trong nội bộ mà chưa hiểu, chưa thông thì làm sao thuyết phục được xã hội”.

Do đó, Bộ trưởng Nhạ cũng bày tỏ mong muốn những nhà giáo tiêu biểu ngày hôm nay sẽ trở thành những đại sứ, là người dẫn dắt cho các đồng nghiệp của mình.

“Chứ nếu mạnh ai nấy làm, mạnh trường nào trường ấy làm, rồi để có những trường bị tụt hậu hay bị vấn đề gì thì trong ngành còn nhiều lo ngại”.

Ông Nhạ cũng nhìn nhận phía trước ngành giáo dục còn nhiều gian truân.

“Bản thân giáo dục luôn luôn thay đổi, kể cả đối với những quốc gia lớn. Do đó, chúng ta xác định áp lực là vấn đề thường diễn ra trong quá trình đổi mới”.

Riêng về giáo dục phổ thông, tới đây, rất nhiều các hoạt động phải thay đổi. Do đó, theo Bộ trưởng, nếu các nhà giáo không xác định rõ tâm thế thì rất dễ lúng túng.

“Vừa rồi mới thực hiện chương trình, SGK lớp 1, nhưng tới đây còn tiến hành lớp 2 và lớp 6; rồi lớp 3, lớp 7 và lớp 10,… thì sẽ tràn ngập những vấn đề”, Bộ trưởng nhìn nhận.

Bậc đại học cũng còn nhiều khó khăn khi thực hiện tự chủ.

Do đó, Bộ trưởng mong muốn toàn ngành cần có sự chủ động, chung tay để vượt qua những khó khăn, đạt được thêm nhiều thành tựu trong thời gian tới.

Theo Vietnamnet