Các đại học top đầu có tỉ lệ “chọi” rất cao

0
1082

Theo thống kê ban đầu, số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển năm 2019 của một số trường đại học lớn tăng mạnh so với những năm trước, khiến tỉ lệ chọi rất cao.

Điểm chuẩn ĐH Bách khoa có thể tăng nhẹ

Ông Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Năm 2019, nhà trường có 32.753 thí sinh đăng kí xét tuyển. Trong khi đó, con số này năm 2018 là hơn 24.000. Chỉ tiêu xét tuyển của trường năm nay là 6.680 ở tất cả các ngành/nhóm ngành, như vậy, tỷ lệ “chọi” tương đương khoảng 1/5.

Bên cạnh đó, tổng số nguyện vọng 1 và 2 vào trường chiếm gần 50% trong số 66.397 nguyện vọng đăng ký. Một số ngành có số lượng thí sinh đăng ký đông là ngành Công nghệ thông tin, Kỹ thuật cơ điện tử…

Theo đại điện ĐH Bách Khoa Hà Nội, điểm ngưỡng đầu vào của ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2018 không có ngành nào dưới 20 điểm. Với xu hướng tăng mạnh lượng thí sinh đăng ký như năm nay, điểm chuẩn có thể tăng nhẹ.

Thí sinh đăng kí vào Đại học KTQD tăng kỉ lục

Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Đào tạo Đại học Kinh tế Quốc dân, năm 2019, trường có hơn 41.000 thí sinh đăng ký xét tuyển, tăng 30% so với năm 2018. Trong khi, tổng chỉ tiêu vào trường với là 5.650 chỉ tiêu.

Năm nay Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhận được gần 87.000 nguyện vọng, tăng 15% so với năm trước. Một số ngành có số lượng nguyện vọng đăng ký cao như Quản trị Kinh doanh, Kế toán, Tài chính – Ngân hàng, Quản trị khách sạn và Kinh tế quốc tế.

Trong khi đó, một số ngành có số đăng ký nguyện vọng 1 khá thấp so với mặt bằng chung như Quản lý công và Chính sách, Khoa học dữ liệu trong Kinh tế và Kinh doanh và Kinh tế tài nguyên thiên nhiên.

Năm 2018, ngành có điểm chuẩn cao nhất tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân là Kinh tế quốc tế với 24,35 điểm; Kinh doanh quốc tế có điểm chuẩn cao thứ 2 với 24,25. Hai ngành cùng có mức điểm chuẩn thấp nhất trường với 20,5 điểm là Quản lý đất đai và Quản lý tài nguyên và môi trường.

Không phải “chọi” cao sẽ khó đỗ

Năm 2019, trường Đại học Y Hà Nội nhận được 17.600 hồ sơ xét tuyển (tăng hơn 2.000 hồ sơ so với năm 2018). Trong khi, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 1.120. Như vậy, tỉ lệ chọi vào ĐH Y Hà Nội năm 2019 trung bình cho các khoa là 1/16. Tỉ lệ chọi riêng với từng ngành giao động trung bình từ khoảng 1/10-1/20.

Trong đó, ngành Bác sĩ đa khoa tiếp tục nhận được số hồ sơ đăng ký xét tuyển cao nhất. Ngoài ra, ngành Răng – Hàm – Mặt cũng có lượng thí sinh đăng kí xét tuyển vào lớn và có tỉ lệ chọi khá cao. Trái lại, ngành cử nhân Y tế công cộng lại có vẻ không có nhiều sức hút nhiều với thí sinh.

Lý giải về điều này, GS.TS Nguyễn Hữu Tú- Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm nay chỉ tiêu vào ngành Y đa khoa giảm còn 400 nên tính cạnh tranh sẽ cao hơn.

Cụ thể, số lượng đăng ký vào ngành Y đa khoa là hơn 4.000 nguyện vọng đăng ký, trong khi chỉ tiêu là hơn 400. Như vậy tỉ lệ chọi vào ngành này là 1/10.

Ông Tú cũng lưu ý với các thí sinh, tỉ lệ “chọi” chỉ là một yếu tố tham khảo, đôi khi không phản ánh được thực tế của trường, ngành đó.

Do vậy thí sinh không nên hốt hoảng hay lo lắng mình sẽ không có cơ hội khi đăng ký vào các trường có tỉ lệ chọi cao. Không phải “chọi” cao sẽ khó đỗ, cũng như không phải lúc nào “chọi” thấp cũng dễ trúng tuyển.