Cách làm bài môn Ngữ văn đạt điểm cao kỳ thi THPT Quốc gia 2017

0
2165

TS Trịnh Thu Tuyết nhấn mạnh để làm tốt bài môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới, học sinh cần lưu ý yêu cầu và phương pháp làm bài với mỗi kiểu câu hỏi.

TS Trịnh Thu Tuyết nhấn mạnh để làm tốt bài môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, học sinh cần lưu ý yêu cầu và phương pháp làm bài với mỗi kiểu câu hỏi.

Tại sự kiện “Hạt giống 2017” với chủ đề “Học để trưởng thành” diễn ra ngày 27/5 tại Hà Nội, tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết chia sẻ những bí quyết ôn thi nước rút hiệu quả, cũng như lưu ý học sinh trong quá trình làm bài Ngữ văn trong kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới.

Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết khuyên rằng tháng ôn thi cuối cùng, học sinh cần tập trung những vấn đề quan trọng. Các em cần ôn tập hệ thống hóa toàn bộ tác phẩm văn học lớp 12 trong giới hạn ôn thi THPT Quốc gia.

Mỗi tác phẩm cần nắm chắc các mảng kiến thức khái quát về tác giả, tác phẩm; các giá trị nội dung và nghệ thuật trên từng đơn vị kiến thức cụ thể của mỗi bài.

Về kỹ năng, học sinh nên luyện tập viết đoạn văn, bài nghị luận văn học, phân biệt kỹ năng phân tích thơ với văn xuôi; kỹ năng thực hiện các kiểu bài nghị luận văn học cụ thể (phân tích, cảm nhận, so sánh).

TS Trịnh Thu Tuyết nhấn mạnh để làm tốt đề thi môn Ngữ văn, học sinh lưu ý yêu cầu và phương pháp làm bài với mỗi kiểu câu hỏi.

Ví dụ, phần đọc hiểu, câu hỏi một thường là nhận biết, kiểm tra kiến thức tiếng Việt. Các em nhanh chóng xác định chính xác yêu cầu, trả lời thẳng vào nội dung câu hỏi, không cần dẫn giải dài dòng nếu đề không yêu cầu giải thích.

Câu hỏi số 2 và 3 thường kiểm tra khả năng đọc – hiểu thông điệp nội dung hoặc giá trị nghệ thuật của đơn vị ngôn từ nào đó trong ngữ liệu. Tùy thuộc yêu cầu của đề, các em cần kết hợp khả năng tư duy suy luận với những hiểu biết, kinh nghiệm vốn có để trả lời ngắn gọn, chính xác theo yêu cầu của đề hoặc giải thích ngắn gọn nếu đề bài yêu cầu.

Câu hỏi vận dụng cuối phần đọc hiểu thường hướng tới yêu cầu tổng hợp, đánh giá toàn bộ ngữ liệu, rút ra thông điệp hoặc bài học cho bản thân.

Ví dụ, “Điều anh/chị tâm đắc nhất trong đoạn trích là gì?”. Với kiểu câu hỏi này, học sinh nên thể hiện những suy nghĩ chân thành, sâu sắc được rút ra từ nội dung tổng quát của toàn bộ ngữ liệu.

Theo nữ tiến sĩ, thời gian hợp lý dành cho nghị luận văn học khoảng 60-70 phút. Học sinh cần nhanh chóng xác định vấn đề nghị luận cơ bản theo yêu cầu của đề, phân tích hoặc trình bày cảm nhận về một nhân vật, đoạn thơ, đoạn văn xuôi… trên cơ sở những kiến thức đã được trang bị về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

VTC