“Cày” IELTS, học sinh lớp 12 sẵn sàng đánh đổi các môn học khác

0
408

IELTS là chứng chỉ được dùng để xét tuyển đại học, tuyển dụng nhân viên. Do vậy, không có ít người đang chạy theo tấm bằng này vì thành tích thay vì thực lực.

Với những thay đổi trong xét tuyển, nhiều trường đại học đang triển khai các hình thức tuyển sinh mới, trong đó có tuyển thẳng bằng chứng chỉ IELTS kèm điều kiện học bạ. Điều này đã dẫn tới hiện tượng hàng loạt học sinh cuối cấp đổ xô đi học và thi chứng chỉ IELTS để đảm bảo có vị trí trong một trường đại học.

Cày IELTS, học sinh lớp 12 sẵn sàng đánh đổi các môn học khác - 1
Nhiều học sinh chuyển hướng học IELTS để xét tuyển đại học thay vì thi tốt nghiệp (Ảnh: V.Tùng).

Sẵn sàng đánh đổi các môn học khác để “cày” IELTS

Nguyễn Hồng Hạnh (Hà Giang) và Lưu Linh (Hà Nội) đến từ hai thành phố khác nhau, nhưng cả hai đều đang là những học sinh lớp 12, ôn luyện thi IELTS. Hai nữ sinh muốn dùng chứng chỉ IELTS để đạt chỉ tiêu tuyển sinh của đại học trong nước và nước ngoài.

Đã tự học IELTS trong một năm vừa qua, Hạnh chia sẻ nhiều lúc áp lực vì chuyện thi chứng chỉ cũng ảnh hưởng nhất định tới các môn học khác trên trường. Đồng quan điểm, Linh cũng cảm thấy nếu không biết cách quản lý thời gian, kết quả học tập trung bình các môn cũng có khả năng bị giảm sút.

“Ở thời điểm hiện tại, IELTS dường như là tấm vé hoàn chỉnh để đưa các bạn học sinh tới với một tương lai được đảm bảo, rất nhiều bạn bè của em đã không thương tiếc bỏ qua các môn học trên trường để lao vào các lò luyện thi IELTS nên kết quả trên trường rất có khả năng bị giảm sút”, Linh nhận xét.

Xoay quanh vấn đề người người đổ xô thi IELTS, Lưu Linh thấy đây là một xu hướng độc hại. “Cách lấy bằng IELTS để vào đại học có thể dẫn đến thực trạng trượt tốt nghiệp do không đủ điểm các môn khác hoặc do sự tự cao với tấm bằng trong tay, khiến tương lai của thí sinh bị cản trở”.

Cày IELTS, học sinh lớp 12 sẵn sàng đánh đổi các môn học khác - 2
Lưu Linh nhận thấy việc chỉ tập trung vào một chứng chỉ mà bỏ bê các môn học khác sẽ dẫn tới hậu quả đáng tiếc (Ảnh: NVCC).

Bên cạnh đó, Hạnh cũng cho rằng trào lưu học IELTS dễ khiến cho việc học tiếng Anh bị biến tướng; thay vì học để thu thập kiến thức thì lại trở thành học chỉ vì xét tuyển. Tuy nhiên, nữ sinh cũng nhận thấy dù theo phong trào nhưng quá trình ôn luyện vẫn giúp người học cải thiện khả năng tiếng Anh của mình.

Chính Hồng Hạnh cũng thấy được sự tiến bộ của bản thân trong quá trình học tiếng Anh trên trường nhờ học IELTS: “Khả năng sử dụng ngôn ngữ Anh của em được cải thiện nhiều thông qua quá trình rèn luyện 4 kỹ năng, nên học tiếng Anh ở trường không còn là một nỗi sợ của em như 2-3 năm trước”.

Lợi ích từ chứng chỉ IELTS với học sinh, sinh viên

Lí giải cơn sốt IELTS, Lưu Linh cho biết đây là một tấm bằng quốc tế, giúp bạn trẻ trở thành công dân toàn cầu. Thứ hai, vì nhiều trường bổ sung phương thức tuyển thẳng bằng IELTS nên học sinh sẽ chọn học một môn thay vì nhiều môn. Thứ ba, IELTS cũng là tấm bằng để đánh giá năng lực của sinh viên khi ứng tuyển ở các công ty quốc tế.

Linh bày tỏ: “Nếu đặt trên một cán cân, người có bằng sẽ dễ kiếm việc làm hơn người không có bằng rất nhiều, và cơ hội được thăng chức của họ cũng sẽ lớn hơn nữa”.

Cày IELTS, học sinh lớp 12 sẵn sàng đánh đổi các môn học khác - 3
Trần Nga Linh (21 tuổi) chuẩn bị thi lại IELTS để chuẩn bị cho dự định tương lai (Ảnh: NVCC).

Hiện tại, Trần Nga Linh (21 tuổi) là sinh viên năm 3 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Từng có bằng IELTS, Linh nhận thấy được nhiều lợi ích lớn lao từ chứng chỉ này. Ngay khi mới vào trường, nhờ có chứng chỉ từ trước, bạn đã được miễn học chương trình tiếng Anh cơ bản, vừa tiết kiệm chi phí cho gia đình lại vừa có thêm thời gian dành cho bản thân.

Gần đây, Nga Linh cũng đang ôn tập để thi lại chứng chỉ. Bên cạnh mục đích tốt nghiệp, IELTS sẽ giúp bạn chuẩn bị cho các dự định trong tương lai như học thạc sĩ nước ngoài, cũng như tìm kiếm việc làm sau khi ra trường.

Nếu không do môi trường yêu cầu, cả ba bạn trẻ cho biết đều vẫn sẵn sàng lấy bằng IELTS để tăng khả năng sử dụng ngoại ngữ và kiểm tra trình độ của bản thân.

Hiện tượng học IELTS cấp tốc không còn xa lạ 

Bùi Thành Việt là một giáo viên giảng dạy IELTS tại Hà Nội, có hơn 5 năm kinh nghiệm dạy và học chứng chỉ trên. Bạn chia sẻ trong thời gian đó, bản thân đã bắt gặp nhiều trường hợp học cấp tốc, chủ yếu là sinh viên lớp 12 hoặc sinh viên năm cuối. Việt cảm thấy đây là một thực trạng đáng buồn.

Cày IELTS, học sinh lớp 12 sẵn sàng đánh đổi các môn học khác - 4
Bùi Thành Việt (trái) đã có kinh nghiệm hơn 5 năm trong việc dạy và học IELTS (Ảnh: NVCC).

“Thường các bạn này muốn học nhanh để lấy bằng nhưng không chú ý vào tính áp dụng vào cuộc sống thực tế. Tính chất của IELTS là học thuật nên nhiều bạn học muốn học từ chuyên ngành, những từ mà người bản xứ cũng chưa chắc đã hiểu. Do đó, điểm số sẽ được khá cao nhưng kỹ năng tiếng Anh thực tế không cải thiện là bao”.

Với sự phổ biến của IELTS, Minh Tâm, một giáo viên dạy IELTS khác, cũng từng gặp các học sinh cần học cấp tốc. Cô cảm thấy đây là một việc vừa xấu, vừa tốt: “Nếu các bạn đã từng học/thi IELTS, biết mình đang ở đâu và đặt mục tiêu sát với khả năng của mình thì học cấp tốc là một việc hợp lý. Còn nếu trình độ đang thấp mà lại muốn lên điểm nhanh thì hoàn toàn không nên”.

Cày IELTS, học sinh lớp 12 sẵn sàng đánh đổi các môn học khác - 5
Theo Minh Tâm, việc học cấp tốc lợi hay hại là tùy vào từng trường hợp cụ thể của học sinh (Ảnh: NVCC).

Đối với những trường hợp cấp tốc, khi dạy, Thành Việt sẽ tập trung vào hai kỹ năng nghe và đọc: “Các bạn học sinh Việt Nam thường được điểm phần này cao, sẽ kéo được tổng điểm của bài thi. Đây cũng là hai kỹ năng thụ động. Do đó, nếu đã có nền tảng, điểm bạn sẽ lên rất nhanh”.

Với phần thi viết, chiến thuật được Việt đưa ra chính là đưa ra những mẫu viết có sẵn mà bạn nào cũng áp dụng được. Học sinh thường chia sẻ thích học mẫu vì cảm thấy an tâm hơn, thời gian làm bài giảm mà điểm lại cao hơn so với không có mẫu.

Minh Tâm cảm thấy bài thi IELTS có khung điểm chặt chẽ nên dù học cấp tốc hay không vẫn phản ánh được đúng trình độ của bạn. Điều quan trọng là sau khi thi, nếu học sinh không thường xuyên sử dụng thì đương nhiên khả năng tiếng Anh  sẽ bị bào mòn.

Bên cạnh đó, Thành Việt nhận thấy với những bạn đạt dưới 6.0 IELTS thì điểm số không hoàn toàn phản ánh đúng trình độ. Ở mức điểm này, nhiều bạn có thể ôn lò luyện, được chỉ các mẹo vặt, học nhồi từ vựng theo chủ đề để nhanh chóng đi thi đạt điểm cao. Kỹ năng nghe hiểu của thí sinh đó cũng sẽ không thật sự tốt, khó duy trì được cuộc hội thoại dài.

Cày IELTS, học sinh lớp 12 sẵn sàng đánh đổi các môn học khác - 6
Đối với Thành Việt, mức điểm IELTS từ 6.5 trở lên là mức điểm phản ánh đúng khả năng của thí sinh (Ảnh: NVCC).

Minh Tâm thấy việc nhiều trường đại học trong và ngoài nước đều chọn IELTS là chuẩn đầu ra và đầu vào là có lý do chính đáng. Ở mỗi phần thi, thí sinh đều được kiểm tra và đánh giá từ những tình huống đời thường cho tới các vấn đề học thuật.

Thậm chí, theo như Thành Việt, để thi được IELTS điểm cao thí sinh còn cần có kiến thức xã hội, sâu rộng cho nhiều chủ đề khác nhau. Người học khi học IELTS cũng là đang cải thiện kiến thức nền cho bản thân, trở thành một người hiểu biết hơn, và uyên bác hơn.

“Ví dụ, như trong bài thi nói, để được điểm cao, đôi lúc thí sinh sẽ phải tranh biện với giám khảo. Thí sinh sẽ bắt buộc phải có kiến thức, có kỹ năng tranh biện, có sự thuyết phục trong lời nói. Tương tự, với bài thi viết, thí sinh sẽ phải chứng minh luận điểm của mình, phải nhìn vấn đề từ nhiều góc cạnh khác nhau, phải thuyết phục được người giám khảo”.

Cày IELTS, học sinh lớp 12 sẵn sàng đánh đổi các môn học khác - 7
Minh Tâm nhận xét bài thi IELTS có nhiều đặc điểm đánh giá phù hợp với các trường đại học trong và ngoài nước (Ảnh: NVCC).

Hiện tượng nhiều bạn trẻ đổ xô thi IELTS đã thể hiện rằng người Việt Nam đã chú trọng hơn vào ngoại ngữ. Cơ hội tiếp thu kiến thức nhân loại, cải thiện bản thân, có được một công việc mức lương tốt sẽ mở rộng hơn nếu chúng ta có kĩ năng mềm là ngoại ngữ.

Như các bài thi khác, IELTS chỉ là thước đo khả năng ngoại ngữ của thí sinh tại một thời điểm nhất định. Hơn nữa, giá trị của chứng chỉ này chỉ kéo dài trong vòng hai năm. Tuy nhiên, số điểm đó sẽ còn giá trị lâu hơn nhiều nếu chúng ta thực sự học IELTS với mong muốn cải thiện khả năng ngôn ngữ, thay vì chỉ chạy theo mục đích tuyển sinh hay tốt nghiệp.

Theo Báo Dân Trí