Đề xuất giảm quy mô kỳ thi THPT quốc gia

0
630

Kỳ thi THPT quốc gia 2020 chỉ nên dành cho học sinh muốn xét tuyển vào đại học. 

Là giáo viên THPT ở một tỉnh miền Tây, thầy giáo Nguyễn Đăng đề xuất giảm quy mô các kỳ thi quan trọng năm 2020 trong bối cảnh Covid-19 lan rộng, học sinh nghỉ học kéo dài. 

Hiện nay, học sinh từ mầm non đến THCS đa phần nghỉ học hết tháng 3 hoặc nghỉ đến khi có thông báo mới. Học sinh THPT ở nhiều địa phương được nghỉ hết tháng 3, nhưng rất nhiều tỉnh thành khác cho đi học trở lại từ ngày 2/3. Như vậy, riêng học sinh THPT đã chênh nhau 2-5 tuần học tập.

Thực tế học sinh từ lớp 11 trở xuống không quá lo vì không có kỳ thi chung nên các địa phương có thể chủ động trong kế hoạch dạy học. Nhưng học sinh lớp 12 có một kỳ thi THPT quốc gia. Cho dù Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục lùi thời điểm kết thúc năm học và thi THPT quốc gia thì việc học chênh lệch về thời gian, nhưng thi cùng thời điểm sẽ gây bất lợi và không công bằng cho học sinh.

Để bù đắp kiến thức cho học sinh cuối cấp, các địa phương đã tổ chức dạy học trên truyền hình, dạy trực tuyến. Nhưng do cách làm còn mới, phụ thuộc điều kiện công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa công nhận kết quả dạy học trực tuyến nên các trường còn khá lúng túng, học sinh thờ ơ. Ngay cả một số trường đại học, sinh viên tiếp cận công nghệ tốt hơn, cũng chưa triển khai được.

Một thực tế nữa là rất nhiều cuộc thi của cả thầy và trò vẫn đang chờ đến lúc học sinh trở lại học tập bình thường. Một số tỉnh mới thông báo là dời thời gian tổ chức chứ chưa hủy bỏ. Những thông báo của Sở, của Phòng Giáo dục và Đào tạo vẫn lưu ý là giáo viên (hoặc học sinh) chuẩn bị tốt trong thời gian nghỉ học, thời gian tổ chức hội thi, kỳ thi sẽ được thông báo sau.

Từ những khó khăn nêu trên, trong tình hình Covid-19 đang lan rộng như hiện nay, theo tôi Bộ Giáo dục và Đào tạo nên vận dụng một số giải pháp để giảm áp lực cho xã hội, cho ngành mà vẫn đảm bảo quyền lợi cơ bản nhất của học sinh. Cụ thể, Bộ nên công nhận tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 không có nguyện vọng học đại học, cao đẳng; chỉ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cho những em có nguyện vọng xét tuyển đại học. Làm được như vậy, Bộ không phải bố trí hàng chục nghìn phòng thi, bớt được hàng nghìn giám thị, giám khảo cho kỳ thi này.

Muốn thực hiện được điều trên, rất cần chủ trương từ cấp trên để sửa đổi một số quy định trong Luật Giáo dục. Vì theo Luật, học sinh lớp 12 phải tham gia kỳ thi THPT quốc gia để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển đại học.

Để tránh tình trạng các trường nâng điểm cho học sinh trong thời gian còn lại của học kỳ II, việc xét học bạ nên xét cả 4 năm học. Việc xét tuyển này vẫn đáp ứng yêu cầu những em có học lực tốt nhất vào được lớp 10 và vẫn có thể phân luồng được học sinh theo tỷ lệ của các địa phương đề ra.

Ngoài ra, các hội thi, kỳ thi nào không quan trọng, hình thức thì nên cắt giảm cho thầy và trò tập trung vào việc học chính khóa. Bởi cho dù Bộ đã điều chỉnh thời gian kết thúc năm học thêm một lần nữa, các địa phương, các nhà trường vẫn duy trì các hội thi, kỳ thi bình thường thì áp lực vẫn nặng mà việc điều chỉnh đó cũng không thực sự mang lại hiệu quả thiết thực trong thời điểm dịch bệnh.

Một năm học kéo dài 35-37 tuần, chia làm hai học kỳ. Năm học 2019-2020, hơn 22 triệu học sinh mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết, sau đó nghỉ phòng Covid-19. Một tháng rưỡi qua, các địa phương 5-6 lần điều chỉnh lịch nghỉ học và có thể phải thông báo nghỉ tiếp do Covid-19 đang lan rộng.

Đến ngày 16/3, 157 quốc gia, vùng lãnh thổ xuất hiện Covid-19, làm hơn 169.000 người nhiễm bệnh, gần 6.500 người chết. Việt Nam ghi nhận 57 người nhiễm, trong đó 16 người đã khỏi.

Theo Vnexpess