Home Tin tuyển sinh Gần 4.000 điểm 10, trường top trên khó xác định điểm chuẩn

Gần 4.000 điểm 10, trường top trên khó xác định điểm chuẩn

0
1534

So với kỳ thi THPT quốc gia 2016, năm nay “bội thu” điểm 10. Thống kê sơ bộ cho thấy, có khoảng gần 4.000 điểm 10 ở tất cả các môn. Trong khi đó năm 2016, cả nước chỉ có 69 điểm 10.

Gần 4.000 điểm 10, trường top trên khó xác định điểm chuẩn

Trong đó, quán quân là Hà Nội với 670 điểm 10, tiếp đến là TPHCM hơn 400 điểm 10. Tiếp theo là các địa phương: Nghệ An 207 điểm 10, Nam Định 124 điểm 10, Hà Tĩnh 121, Hưng Yên  88, Hà Nam  40, Hòa Bình 25, Lâm Đồng 36, Kiên Giang 18, Lai Châu 1…

Nếu tính điểm 10 theo từng môn thì môn Toán có  278 điểm 10; Ngữ văn có 1; Ngoại ngữ có 1.018 ; Địa lý có  589; Giáo dục Công dân có 245; Lịch sử có  106; Hóa học có 1.504; Vật lý có 73; Sinh học có 396. Như vậy, môn thi nhiều điểm 10 nhất là Hóa học, kế đến là  Ngoại ngữ.

Trong số các thí sinh dự thi năm nay, có nhiều em đạt tuyệt đối 3 điểm 10 như Thanh Hóa 4 thí sinh, Hà Nội có 2 thí sinh, Hà tĩnh 1,  Nghệ An 1, TPHCM 2 …

Đối với riêng Hà Nội, dữ liệu thống kê từ kết quả thi của Sở GD&ĐT cho thấy, tổ hợp Văn – Sử – Địa từ 23.55 điểm đến 24.65 điểm có sự chênh lệch nhau giữ các mức điểm khá xa. Ví dụ như từ 21,65 đến 23.55 không có thí sinh nào. Trong khi đó, ở tổ hợp Toán, Lý, Anh ở các mức điểm đều có thí sinh phủ. Nhìn vào thống kê của Hà Nội có thể thấy, phổ điểm của tổ hợp Toán- Lý- Anh và Văn –Toán- Anh khá đồng đều, ít độ dốc. Còn dốc nhất là tổ hợp Văn- Sử- Địa, kế đến là Toán- Lý- Hóa hoặc Toán- Hóa -Sinh.

Trong khi đó, đã có 6.805 bài thi bị điểm liệt. Số bài thi có điểm liệt của từng môn như sau: Môn Toán có 1.577; Môn Ngữ văn có 509; Môn Địa lý có 525; Môn Giáo dục công dân có 151; Môn Lịch sử có 868; Môn Hóa học có 886; Môn Vật lý có 699; Môn Sinh học có 531; Môn Ngoại ngữ có 1.059.

Tiêu chí phụ sẽ giữ vai trò quan trọng trong xét tuyển

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Hinh, hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho biết nhìn sơ bộ có thể thấy điểm thi năm nay khá cao. Chính vì vậy, đề thi năm nay khó có thể nói đạt được mục tiêu phân hóa thí sinh. Với các trường top trên, điểm chuẩn sẽ rất khó xác định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng Đào tạo ĐH Y Hà Nội cho biết nếu có quá nhiều điểm cao, thì các tiêu chí phụ năm nay sẽ chiếm một vị trí rất quan trọng trong xét tuyển. “Nên sẽ dẫn đến tình trạng thí sinh bằng điểm nhau sẽ có người trượt, người đỗ. Đó cũng là một thiệt thòi cho thí sinh” – ông Điền chia sẻ.

Ông Điền cũng cho biết thêm, nhóm xét tuyển miền Bắc đang chạy dữ liệu giả định để phục vụ công tác tuyển sinh vào cuối tháng 7 tới. Chỉ khi có phổ điểm chung của cả nước, các trường ĐH mới hình dung được xét tuyển như thế nào và điểm chuẩn dự kiến sẽ ra sao.

Còn theo một thầy giáo dạy THPT ở Ninh Bình thì số lượng thí sinh của trường đạt 29 điểm năm nay bằng số học sinh đạt 27 điểm năm 2016. Vì vậy, việc cộng điểm ưu tiên, cộng điểm khuyến khích sẽ là một trong lợi thế đối với nhiều thí sinh. Nhất là đối với các thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH top trên hoặc các trường khối công an, quân đội.