Giáo viên có bị lép vế trước “thầy google” trong thời đại công nghệ?

0
416

Nhiều ý kiến cho rằng vai trò người thầy đang bị giảm sút vì chỉ cần cầm chiếc điện thoại hoặc máy tính kết nối mạng internet thì mọi người đã tiếp cận được nhiều kiến thức mới.

Nhiều giảng viên đại học nhìn nhận đó cũng là những áp lực mà người làm giáo dục đang đối mặt trong thời đại công nghệ số ngày càng phát triển như hiện nay.

PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Duy, trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM chia sẻ trong tọa đàm “Nghề giáo- Nghề của tình yêu và đam mê” rằng thực tế có nhiều người cứ cho rằng giờ lên mạng thì sẽ có đủ “bác sĩ Google”, “thầy giáo Google” rồi, muốn tìm hiểu gì cũng được thì có cần phải đi học không, đi học còn thu được kiến thức gì trong khi thậm chí kiến thức của thầy chắc gì so được với Google.

Giáo viên có bị lép vế trước thầy google trong thời đại công nghệ? - 1

Nhấn để phóng to ảnh

PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Duy, trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm cho rằng người thầy không dễ bị thay thế bởi “thầy Google” (ảnh: L.Phương)

Tuy nhiên thầy Duy nhìn nhận việc học là vô tận và đến trường đại học chỉ mới là khởi đầu, đến trường không phải học những điều chi tiết mà để học những phương pháp cơ bản về phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu, cách xử lý tình huống và những vấn đề cơ bản để từ đó có nền tảng bước vào cuộc đời.

Theo thầy Duy, giáo dục đại học hiện nay chủ yếu là giáo dục khai phóng, thầy cô sẽ đồng hành cùng sinh viên như những người bạn lớn vừa nắm tâm tư tình cảm, vừa có những định hướng tốt nhất dẫn dắt các em vào cuộc sống sau này.  Đó không phải là những kiến thức lý thuyết mà còn là kỹ năng thực hành và kinh nghiệm mà thầy cô có được trong quá trình giảng dạy, hợp tác và nghiên cứu khoa học.

Từ những chia sẻ của giảng viên, sinh viên sẽ tìm thấy những phương cách giải quyết những bài toán thực tế nhanh nhất và tốt nhất để phục vụ hiệu quả công việc của các em sau này như làm cho doanh nghiệp hay học lên cao hơn.

“Điều quan trọng mà sinh viên cần nắm vững là những phương pháp luận và cách xử lý tình huống, phát triển vấn đề thì trên Google sẽ không có được nên thầy cô sẽ là người đồng hành chia sẻ với các bạn vì vậy theo tôi vai trò của người thầy ngày càng quan trọng hơn để dẫn dắt các bạn. Bởi vì kiến thức là đại dương mênh mông, nếu không biết cách thì sẽ “chết chìm” trong đó và người thầy chính là người dẫn đường hướng các em thấy được những thông tin quan trọng nhất”, ông Duy chia sẻ.

Giáo viên có bị lép vế trước thầy google trong thời đại công nghệ? - 2

Nhấn để phóng to ảnh

TS Phạm Thị Phương Thùy cho rằng nghề giáo không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn là người dẫn dắt hướng đi đúng cho người học (ảnh: L. Phương)

TS Phạm Thị Phương Thùy, giảng viên khoa Công nghệ sinh học cũng đồng tình: “nghề giáo không chỉ truyền đạt kiến thức người học mà còn là người dẫn dắt, bồi dưỡng về mặt đạo đức để cung cấp cho sinh viên những kiến thức, thái độ đúng để sau này ra ngoài làm việc sẽ có cách cư xử đúng mực hơn.

Ngoài chuyên môn ra những yếu tố về thái độ cũng rất quan trọng, vì những lý do đó mà nhiều người đề cao nghề giáo. Tuy nhiên nghề nào cũng cao quý cả chứ không riêng gì nghề dạy học nên khi làm nghề gì cũng phải có trách nhiệm với nghề mình đã làm”.

Áp lực đè nặng lên người thầy khi dạy trực tuyến

Nhiều thầy cô cho biết đôi khi thu nhập không phải là vấn đề khiến họ áp lực nhất mà chính là những điều trong quá trình đứng lớp, đặc biệt khi dạy trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh.

PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Duy cho biết, việc đứng trên bục giảng chắc chắn có áp lực nhưng khi giảng bài trực tiếp trên lớp, nhìn xuống dưới nhận thấy ánh mắt háo hức, đam mê của sinh viên người thầy sẽ có động lực, phấn khích dạy hay hơn nữa.

“Tuy nhiên trong lớp học trực tuyến, mình giảng bài nhưng không biết sinh viên có học hay không nên mình thường đặt ra các câu hỏi. Thậm chí đặt câu hỏi nếu sinh viên lâu quá không ai trả lời thì mình hỏi luôn theo mã số sinh viên để nghe trả lời và mình thấy hiệu quả bài giảng của mình hiệu quả đến như thế nào”, thầy Duy trăn trở.

Ths Phạm Minh Luân, Phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh trường ĐH Công nghiệp Thực Phẩm nhìn nhận việc dạy học trực tuyến trong đại dịch Covid-19 có nhiều thuận lợi và cũng được xem là cơ hội với những thầy cô có phương pháp và cách truyền đạt tốt, rất thu hút người học và đạt hiệu quả cao.

Nhưng mặt khác, hình thức dạy học này cũng có những rủi ro nhất định, đặc biệt với các thầy cô lớn tuổi thao tác chậm trong những tiết đầu. Thầy cô nên tìm hiểu thêm công nghệ, có những cách ngăn chặn sự xâm nhập quấy rối trong quá trình dạy học trực tuyến.

Giáo viên có bị lép vế trước thầy google trong thời đại công nghệ? - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Ths Phạm Minh Luân, Phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh cho rằng dạy trực tuyến có nhiều áp lực buộc người thầy phải thay đổi (ảnh: L. Phương)

Tuy nhiên, theo thạc sĩ Luân: “Dạy trực tuyến cũng có nhiều áp lực, người thầy phải thay đổi phương pháp, bài vở phải chuẩn bị chỉn chu và phải tạo ra bầu không khí năng động để bài giảng hiệu quả hơn”.

Trong khi đó, TS Phạm Thị Phương Thùy cũng bộc bạch rằng sẽ rất áp lực khi bản thân nhiệt tình giảng bài trên lớp mà không nhận được sự hưởng ứng của sinh viên.

“Bản thân mình cảm thấy đó là điều áp lực, điều đó đang chứng tỏ “phương pháp truyền đạt của cô có vấn đề”, hoặc “ngoại hình cô chưa hấp dẫn”, hay “bài giảng xấu quá”, hay “cô là tiến sĩ gây mê”… Từ những câu hỏi đó mình luôn tìm cách thay đổi để không khí của lớp được hoạt bát và sôi nổi hơn, đặc biệt trong tình huống học trực tuyến hiện nay”, nữ tiến sĩ nói.