Hàng loạt đại học ở TP HCM công bố phương án tuyển sinh

0
1253

Trường Bách khoa, Kinh tế và Công nghệ TP HCM tuyển số lượng lớn, tới 5.000 chỉ tiêu và sử dụng nhiều phương thức xét tuyển.

Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM) năm 2018 tuyển khoảng 5.000 chỉ tiêu đại học chính quy và chương trình tiên tiến, dạy bằng tiếng Anh. Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng một hoặc kết hợp nhiều phương thức: theo kết quả thi THPT quốc gia 2018 (chiếm khoảng 72% tổng chỉ tiêu); ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TP HCM (khoảng 15%); tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh Bộ Giáo dục (khoảng 3%); tuyển theo kết quả kỳ đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM (khoảng 10%).

Với phương thức xét theo kết quả thi THPT quốc gia, điểm xét tuyển là tổng điểm 3 bài thi của tổ hợp môn xét tuyển, không nhân hệ số và cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực (nếu có).

Trường hợp ngành hoặc nhóm ngành có nhiều tổ hợp môn xét tuyển thì điểm trúng tuyển là giống nhau cho tất cả tổ hợp môn. Do đó, thí sinh cần chọn tổ hợp môn mà mình đạt tổng điểm cao nhất khi điều chỉnh nguyện vọng.

Đại học Mở TP HCM tuyển khoảng 3.700 chỉ tiêu ở 21 ngành đại trà và bảy ngành chất lượng cao. Phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, đồng thời có ưu tiên tuyển thẳng học sinh các trường THPT chuyên, năng khiếu.

Theo đại diện trường, học phí trung bình dự kiến năm nay là 15-19 triệu đồng tùy theo ngành học. Lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm được thực hiện theo Nghị định 86 năm 2015.

Đại học Kinh tế TP HCM tuyển 5.000 chỉ tiêu với 32 ngành, chia làm hai nhóm. Trường sử dụng hai phương thức xét tuyển: kết quả thi THPT quốc gia và ưu tiên tuyển thẳng học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt ba năm liền tại các trường THPT chuyên, năng khiếu theo đề án tuyển sinh riêng của Đại học Kinh tế TP HCM.

Đại học Công nghệ TP HCM (HUTECH) tuyển 5.080 chỉ tiêu đại học ở 38 ngành. Trường sử dụng hai phương thức xét tuyển độc lập: kết quả thi THPT quốc gia (85% chỉ tiêu), xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp ba môn (15%).

Với các ngành trong tổ hợp xét tuyển có môn năng khiếu vẽ (Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang, Thiết kế nội thất, Kiến trúc), thí sinh có thể tham gia kỳ thi năng khiếu vẽ do trường tổ chức hoặc nộp kết quả thi từ trường khác để xét tuyển.

Tương tự, Đại học Kinh tế – Tài chính TP HCM (UEF) tuyển 1.820 chỉ tiêu theo hai phương thức: kết quả thi THPT quốc gia (70% chỉ tiêu); còn lại xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp ba môn.

Năm ngoái, điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1 vào trường cao nhất là 21 thuộc ngành Quản trị khách sạn, Kinh doanh quốc tế. Hai ngành Luật kinh tế và Quản trị kinh doanh điểm trúng tuyển là 20.

Từ ngày 1 đến 20/4, khoảng 860.000 thí sinh cả nước bắt đầu làm thủ tục đăng ký dự thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng. So với mùa thi năm trước, số lượng thí sinh năm nay không biến động nhiều.

Theo Vnexpress