Học ngành gì dễ xin việc làm?

0
23139

Vấn đề việc làm luôn được mọi người quan tâm hàng đầu, nhiều sinh viên sau khi ra trường thất nghiệp, không việc làm. Vì thế, việc chọn ngành học nào cho phù hợp và có khả năng dễ xin việc làm là vấn đề đau đầu của các bạn học sinh. Hãy cùng tham khảo bài viết sau để giải quyết những băn khoăn của mình nhé!

1. Ngành nghề đào tạo với phạm vi rộng

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương – Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, thì kinh nghiệm của các nước cho thấy những ngành có phạm vi đào tạo rộng sẽ giúp người lao động dễ có việc làm, còn những ngành phạm vi đào tạo hẹp hoặc chuyên biệt đặc thù sẽ khó xin việc. Bà Hương cho rằng, khi TS dự thi ĐH thì 5 năm sau, nhu cầu xã hội còn nhiều biến động, vì vậy TS nên chọn những ngành đào tạo liên thông, phạm vi đào tạo rộng mang tính chất đa ngành, liên ngành chứ không nên tập trung vào những ngành chỉ đào tạo kỹ năng thì khi ra trường sẽ dễ tìm được việc làm.

Nếu như học ngành luật, teen đừng vội nghĩ rằng học luật ra chỉ làm luật sư, mà có thể làm rất nhiều ngành nghề khác trong xã hội như: Kiểm sát viên, điều tra viên, giám định viên, chuyên viên pháp lý, cố vấn pháp lý, giáo viên dạy luật, cán bộ nghiên cứu pháp luật… trong các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, trường học, viện nghiên cứu. Đặc biệt, không chỉ tham gia hoạt động trong ngành luật, bạn còn có thể làm các ngành nghề khác liên quan như nhân sự, hành chính…

Tương tự, nếu như học ngành Báo chí – truyền thông, bạn không chỉ có cơ hội trở thành phóng viên, mà còn có thể trở thành nhân viên quan hệ công chúng với những vị trí công việc thú vị như xây dựng thương hiệu; quan hệ với báo giới, tổ chức sự kiện… Bạn cũng có thể trở thành biên tập viên các nhà xuất bản, nhân viên quảng cáo, nhân viên maketting, nhân viên phát hành…

Theo dự báo trong thời gian tới, những ngành dịch vụ sẽ tiếp tục phát triển và phát triển nhanh đó là dịch vụ bán lẻ, dịch vụ về tài chính, ngân hàng, dịch vụ du lịch, bảo hiểm, địa ốc… Những ngành này có sự sàng lọc rất kỹ về lao động, yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao nên có khả năng sẽ thiếu hụt nhân lực. Bên cạnh đó, những ngành có lợi thế của Việt Nam như: điện tử, cơ khí lắp ráp, cơ khí sửa chữa, vận hành… cũng sẽ tiếp tục phát triển.

2. Ngành học có giá trị trong tương lai

Đây cũng là một tiêu chí tương đối quan trọng khi chọn ngành học, nhưng không phải thí sinh nào cũng biết. Thông thường, thí sinh thường chỉ căn cứ vào việc ngành học mình lựa chọn hiện có đang “hot” hay không, có đang phát triển hay không mà quên mất không cân nhắc rằng, sau 4-5 nữa, ngành ấy liệu có còn được ưa chuộng?

Thực tế thì có những ngành học đang cực kì hot ở thời điểm bạn đăng kí dự thi nhưng sau khi bạn ra trường thì chưa chắc, đó đã là một ngành học có nhiều cơ hội việc làm. Điều này đòi hỏi các thí sinh và gia đình trước khi quyết định lựa chọn một ngành học nhất định, cần phải “nhìn xa hơn” về tương lai nghề nghiệp của ngành học đó.

Ông Huỳnh Ngô Tịnh – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên – công nhân (Thành Đoàn TP.HCM), cho rằng xu hướng một số ngành trong vòng 10 năm nữa sẽ vẫn có giá trị. Bởi nền thị trường toàn cầu, nền kinh tế hội nhập phát triển kéo theo một loạt các ngành đi theo vì chuyện mua bán không còn trong khu vực mà trở thành quốc tế, giao thương toàn cầu. Chúng ta cần phải học về quản trị kinh doanh, thương mại, ngoại ngữ, luật pháp quốc tế… Những ngành nghề như thế sẽ có xu hướng phát triển trong tương lai.

Ông Tịnh cho biết thêm: “Xu hướng về dịch vụ là một xu hướng sẽ phát triển nhanh vì ai cũng sử dụng dịch vụ, cái gì cũng có dịch vụ, mọi việc đều có dịch vụ. Chẳng hạn chúng ta làm về tâm lý thì sẽ có tư vấn về tâm lý, về kinh tế thì tư vấn về kinh tế, bảo trì, bảo hành và một số dịch vụ thẩm mỹ liên quan đến con người… “. Xu hướng công nghệ thông tin và viễn thông giai đoạn hiện nay còn rất thiếu nhân lực tay nghề cao, thiếu lập trình viên, đặc biệt là những người giỏi thật sự. Xu hướng về giáo dục và đạo tạo. Ngày nay, việc học không dừng lại ở đại học mà còn phải học một số chuyên ngành khác để phục vụ cho giáo dục và đào tạo. Vì mỗi lĩnh vực chuyên ngành đều có thể tham gia vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Xu hướng về giải trí, giai đoạn tới sẽ còn phát triển vì thu nhập và đời sống của con người ngày càng cao. Nhu cầu giải trí sẽ kéo theo nhiều hoạt động cho giải trí. Xu hướng về công nghệ sinh học phục vụ cho đời sống con người, bởi đội ngũ kỹ sư sinh học phục vụ nhu cầu ấy còn rất thiếu.

Xu hướng an toàn môi trường. Vì vấn đề môi trường hiện nay đã là một vấn đề lớn báo động toàn cầu. ĐH đã có những ngành nghề môi trường. Kỹ sư không những phục vụ cho công việc nghiên cứu bảo vệ môi trường mà sắp tới, mỗi doanh nghiệp sản xuất cần một cán bộ về môi trường. Xu hướng về an toàn cá nhân. Khi con người đã ăn no mặc ấm thì an toàn cá nhân trở thành nhu cầu cần thiết. Thời gian gần đây, các ca sĩ nổi tiếng đã có vệ sĩ, nhưng an toàn cá nhân không chỉ dừng lại ở đây, chẳng hạn an toàn về sức khỏe thì có một số nhóm ngành an toàn về y tế; an toàn về tài chính có một số nhóm ngành về tài chính như nghề bảo hiểm, bảo hộ lao động…

Ngoài ra còn có xu hướng công nghiệp và xây dựng kiến trúc đô thị. Nhu cầu xây dựng các công trình dân dụng ngày càng cao thì xã hội càng cần đội ngũ kiến trúc sư, trang trí nội thất.

3. Ngành được phân việc sau khi ra trường

Rất nhiều bạn đã lựa chọn các ngành học như an ninh, cảnh sát, quân đội… bởi theo quy định từ lâu, đây là những ngành được bố trí, sắp xếp việc làm ngay sau khi tốt nghiệp mà người học không phải tự xin việc. Đó là chưa kể tới “lợi thế” đặc biệt khác khi trở thành học viên của những trường này là không mất tiền học phí và các khoản sinh hoạt phí khác như đa phần sinh viên các trường khác.

Tuy nhiên, khi lựa chọn thi an ninh, cảnh sát hay quân đội, bạn cũng cần phải cân nhắc kĩ càng, bởi đây là những ngành có điều kiện tuyển sinh khá chặt chẽ, bên cạnh đó, khi vào học tại trường, bạn cũng cần phải chấp hành nội quy học tập và sinh hoạt nghiêm ngặt…. Điểm trúng tuyển ở những ngành học này cũng tương đối cao, vì thế các thí sinh không thật sự tự tin vào sức học của mình cũng cần thận trọng khi đăng kí dự thi.

4. Lập nghiệp từ việc học nghề

Nếu không may mắn có được một suất vào giảng đường đại học, bạn vẫn còn nhiều cơ hội khác cho tương lai của mình bằng một nghề thời thượng. Học nghề cũng là cách để tiến thân, lập nghiệp bền vững. Có nhiều nghề để lựa chọn, tuy nhiên bạn phải cân đối khả năng tài chính, năng lực học tập, sở thích của mình để chọn nghề cho phù hợp. Trong số đó, nghề Bếp đang là một gợi ý thú vị dành cho bạn.
Ông Vũ Văn Huy, Trung tâm dạy nghề quận Bình Thạnh cho rằng: “Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, nếu theo học nghề, chưa đến 20 tuổi các bạn trẻ đã có trong tay một nghề để tạo lập cuộc sống. Đây là một con đường ngắn trong khi cơ hội việc làm lại rất nhiều. Trước tình trạng thừa thầy thiếu thợ như hiện nay thì học nghề ngắn hạn là một biện pháp hữu hiệu để giảm thất nghiệp, tự tạo thêm việc làm, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển đất nước. Hơn nữa đây là một con đường với cơ hội có việc làm ổn định, thu nhập cao cho những bạn trẻ yêu nghề”.

Theo Gia sư 99