Học sinh THPT học Luật an ninh mạng: Để không “a dua” theo đám đông

0
351

Tin từ Bộ GD&ĐT, từ 11/1/2021 học sinh lớp 10 sẽ được học kiến thức về an ninh mạng. Nội dung này nằm trong chủ đề một số hiểu biết chung về quốc phòng và an ninh.

Theo đó, từ 11/1/2021, học sinh lớp 10 được học về Luật An ninh mạng. Nội dung này nằm trong chương trình môn giáo dục quốc phòng và an ninh cấp THPT, ban hành áp dụng đối với các trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học trong đó có cấp THPT và tổ chức, cá nhân có liên quan.

Môn Giáo dục quốc phòng và an ninh góp phần hình thành, phát triển ở học sinh các năng lực chung được quy định trong Chương trình tổng thể thông qua năng lực đặc thù của môn học: năng lực nhận thức các vấn đề quốc phòng, an ninh và năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng quân sự đã học vào cuộc sống.

Trong đó, Luật An ninh mạng là một trong những nội dung học của môn giáo dục quốc phòng và an ninh.

Học sinh THPT học Luật an ninh mạng: Để không a dua theo đám đông - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Từ 11/1/2021 học sinh lớp 10 sẽ được học kiến thức về an ninh mạng.

Yêu cầu cần đạt với học sinh là nắm được một số khái niệm cơ bản về mạng, an ninh mạng, bảo mật thông tin cá nhân trên môi trường không gian mạng; nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng.

Bên cạnh đó, học sinh biết cách bảo mật thông tin cá nhân, cảnh giác trước những thủ đoạn xâm nhập, phát tán mã độc, thông tin giả trên mạng, không tự tiện đăng ảnh của người khác lên mạng kèm những thông tin không đúng sự thật và ảnh hưởng tới nhân phẩm, danh dự của người khác…

Thống kê của Bộ GD&ĐT năm 2018 cho thấy, Việt Nam có khoảng 50 triệu người sử dụng Internet, chủ yếu tham gia các trang mạng xã hội như: Youtube (chia sẻ Video), Facebook, Twitter (tiểu Blog),…

Trong đó, thành phần tham gia chủ yếu là giới trẻ, học sinh, sinh viên, đây cũng là lực lượng tham gia nhiều nhất vào sự mất an toàn, an ninh trên mạng Internet, gây ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ trong đời sống xã hội.

Theo Bộ GD&ĐT, các hành vi vi phạm trên Internet chủ yếu do sự nhận thức vô tình hay cố ý không nhận biết được đúng sai hoặc “a dua” theo đám đông.

Khi học sinh tham gia Internet, nếu không đủ thông tin, kiến thức sẽ không bảo vệ được chính mình, dễ bị dụ dỗ, sa ngã vào con đường tội phạm.

Bản thân bị đầu độc thông tin, bị lợi dụng tham gia vào hệ thống mạng Internet có khả năng gây ra các hành vi vi phạm pháp luật.

Học sinh THPT học Luật an ninh mạng: Để không a dua theo đám đông - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Khi học sinh tham gia Internet, nếu không đủ thông tin, kiến thức sẽ không bảo vệ được chính mình, dễ bị dụ dỗ, sa ngã vào con đường tội phạm.

Trước tình hình đó, cần tăng cường thông tin chính thống đối với người tham gia Internet, đặc biệt là người trẻ tuổi, học sinh, sinh viên để điều chỉnh hành vi của mình khi tham gia hoạt động trên mạng Internet nhất là đối với những trang mạng xã hội, cụ thể như sau:

Để đảm bảo an ninh mạng quốc gia, Bộ sớm đưa vào chương trình dạy học trong nhà trường, các cơ sở giáo dục khác và phải đảm bảo phù hợp với ngành học và cấp học.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Sơn Hải – Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ GD&ĐT cho biết, dưới góc nhìn cá nhân, đây là một trong những kĩ năng cần thiết khi chuyển đổi số.

“Hiện môi trường số đang len lỏi trong quá trình học tập, việc online trên mạng sẽ không còn biên giới. Người tốt người xấu, tin tốt, tin xấu… rất nhiều nên học sinh phải có kiến thức để tự bảo vệ mình trong môi trường mạng”, ông Hải cho hay.

Cũng theo chuyên gia công nghệ này, an ninh trên mạng cũng giống như an ninh ngoài đời thực, phải biết cách bảo vệ mình, biết phân loại.

Học sinh nào có kĩ năng phân loại tốt, sẽ hạn chế được rủi ro và phòng tránh.

“Nên hiểu an ninh mạng là một phạm trù. Ở từng lứa tuổi, từng đối tượng, từng môi trường trên mạng, đối tượng tham gia sẽ có các mức hiểu khác nhau để bảo vệ mình tốt hơn.

Cao hơn ở lĩnh vực này là các chuyên gia an ninh mạng, các nhà quản lý…

Còn học sinh chỉ học kiến thức, kĩ năng vừa đủ và phù hợp để bảo vệ mình trong môi trường học tập, giải trí trên mạng Internet”, ông Hải phân tích.