Mạnh dạn mở ngành A.I

0
862

Sau sự xuất hiện khá ngoạn mục vào năm 2019 ở Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với điểm tuyển sinh cao ngất, vào mùa tuyển sinh 2020, ngành Trí tuệ nhân tạo (A.I) trở nên cực kỳ “hot”, với việc các trường đua nhau dự kiến mở ngành.

Đúng tên ngành Trí tuệ nhân tạo, có Trường ĐH Quy Nhơn, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng… Ghép chung với ngành khác, có Trường ĐH Kinh tế Luật (Kinh doanh số và trí tuệ nhân tạo); Trường Đại học Công nghiệp TPHCM (IoT và trí tuệ nhân tạo ứng dụng)…

Mang lại hiệu quả năng suất cao hơn, đẩy mạnh lợi nhuận ở các ngành nghề, A.I đang là lĩnh vực giúp doanh nghiệp “hái ra tiền”, thúc đẩy kinh tế phát triển. Tại Việt Nam, dù mới ở giai đoạn hình thành nhưng các tập đoàn lớn cùng nhiều startup khác hiện cũng đang có những nguồn lực và đầu tư với các giải pháp về A.I. Riêng TPHCM đã mạnh dạn đặt mục tiêu xây dựng chương trình phát triển ứng dụng A.I giai đoạn 2019 – 2025.

Phát triển A.I tại Việt Nam đối diện nhiều thách thức liên quan đến vấn đề vốn, vật liệu…, nhưng then chốt vẫn là câu chuyện nhân lực. TS Lê Viết Quốc, chuyên gia nghiên cứu tại Google Brain, cho biết theo một kết quả nghiên cứu, tại Mỹ, top 6 công việc mà mọi người mong muốn tìm kiếm đều thuộc lĩnh vực A.I. Hiện nay, nhu cầu nhân lực cho A.I cần 1 triệu người, nhưng chỉ có khoảng 10 nghìn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu.

Trước nhu cầu nóng về nhân lực A.I, việc các trường ĐH mạnh dạn mở ngành đào tạo là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên, để việc đào tạo chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội thì cần hội đủ nhiều yếu tố. Về phía nhà trường, dù A.I được quan tâm và giảng dạy từ vài chục năm nay, nhiều trường đã xây dựng các chương trình giảng dạy A.I đối với các cấp đại học, sau đại học, thế nhưng việc tuyển sinh chính thức liên quan đến chuyên ngành cũng chỉ mới rộ lên hai năm nay. Sở dĩ khó đào tạo chuyên ngành A.I bởi muốn có A.I phải có nền tảng là dữ liệu được xử lý. Nếu không có sự hợp tác tốt về mặt dữ liệu với doanh nghiệp, nhà trường sẽ rất nan giải, vì bản thân việc xây dựng dữ liệu riêng cần rất nhiều tài chính, nhân sự.

Mặc dù khó khăn nhưng để có thể mở và đào tạo ngành A.I, các trường ĐH đã nỗ lực trong việc hình thành nhóm để xây dựng lõi của A.I, mời gọi hợp tác mở phòng thí nghiệm liên quan đến máy tính hiệu năng cao, tăng cường liên kết doanh nghiệp… Tuy vậy, chỉ một mình sự nỗ lực của trường ĐH là chưa đủ. PGS.TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng, nếu tầm nhìn đặt ra 10 năm thì cần có lộ trình thực hiện, bắt đầu từ bậc phổ thông trước với việc đẩy mạnh các môn như lập trình. Đối với học sinh chuyên, thậm chí có thể đưa A.I vào dạy từ sớm. Ở bậc đại học (ĐH), yêu cầu đặt ra là phải đổi mới chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức mới về A.I giảng dạy cho sinh viên. Những nghiên cứu cơ bản phải nắm bắt công nghệ mới để truyền tải cho người học.

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ áp dụng từ năm học 2020 – 2021, trong đó, chương trình cốt lõi đã được đưa vào định hướng khoa học máy tính, CNTT cũng được chú trọng. Và như vậy, việc cho học sinh chuyên học về A.I như mô hình Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) đang dự kiến triển khai là rất cần được quan tâm, đánh giá, nhân rộng. Bản thân giáo viên phổ thông cũng cần được định hướng, bồi dưỡng về lập trình, A.I.

Mặt khác, để có những sản phẩm đào tạo (nhân lực) tốt, các trường ĐH cũng cần thêm sự đầu tư nguồn lực tài chính và bài toán cụ thể để giải quyết, vì một mình ĐH làm từ A-Z là không thể kham nổi. Xây dựng Quỹ đầu tư phát triển A.I, gồm 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà đầu tư để tạo cầu nối chặt chẽ, cùng giải bài toán đào tạo chuyên ngành nói riêng cho ĐH và những bài toán của đất nước nói chung là một giải pháp cần được quan tâm.