Môn ngữ văn ôn thi thế nào để điểm cao?

0
13037

Đề thi năm 2018 sẽ bao gồm kiến thức lớp 11 và lớp 12. Do vậy, thí sinh cần nắm chắc những hướng có thể kết hợp kiến thức của hai chương trình vào đề thi.

Ngữ liệu của chương trình lớp 11 sẽ đưa vào phần đọc hiểu văn bản và nghị luận văn học.

Những sáng tác/bài viết khác của các tác giả có trong chương trình lớp 11 sẽ đưa vào nội dung kiểm tra đọc hiểu văn bản.

Các câu hỏi nhận biết trong phần đọc hiểu văn bản sẽ kiểm tra kiến thức tiếng Việt của chương trình lớp 11.

Nghị luận xã hội hướng đến chủ đề tương thích với những chủ đề đã học trong chương trình lớp 11.

Nghị luận văn học kết hợp ngữ liệu chương trình lớp 11.

Từ đó, các em cần chú ý những điều sau khi ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng này:

  1. Nội dung đọc hiểu văn bản: 

Bốn câu hỏi thành phần trong đề thi được cấu trúc theo 3 mức độ nhận thức với yêu cầu và thang điểm tương ứng theo bảng sau:

Câu Mức độ nhận thức Yêu cầu Điểm
1 Nhận biết Nhận diện thể loại/ phương thức biểu đạt/ phong cách ngôn ngữ của văn bản;

Chỉ ra chi tiết/ hình ảnh/ biện pháp tu từ… nổi bật trong văn bản.

0.5
2 -nt- -nt- 0.5
3 Thông hiểu Xác định được nội dung chính của văn bản;

Hiểu được quan điểm, tình cảm, thái độ của tác giả;

Hiểu được hiệu quả biểu đạt/ tác dụng của việc sử dụng từ ngữ/ chi tiết/ hình ảnh/ biện pháp tu từ… trong văn bản, một số nét đặc sắc về nghệ thuật và nội dung của văn bản.

1.0
4 Vận dụng thấp Rút ra thông điệp/ bài học nhận thức từ văn bản;

Đánh giá được quan điểm, tình cảm, thái độ của tác giả;

Nhận xét về đặc sắc nghệ thuật và nội dung của văn bản.

1.0

Theo đó, các em cần hệ thống hóa cụ thể những kiến thức liên quan đến kỹ năng đọc hiểu văn bản (phong cách chức năng ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, thao tác lập luận, biện pháp tu từ…) để nắm chắc vấn đề hơn.

Chúng ta cũng cần dành sự quan tâm cho một số kiến thức về tiếng Việt (các phong cách ngôn ngữ như báo chí, chính luận; giá trị biểu đạt của thành ngữ, điển cố…) và làm văn (các thao tác lập luận như phân tích, so sánh, bác bỏ, bình luận) của chương trình lớp 11 có thể xuất hiện trong câu hỏi nhận biết của phần này.

Ngoài ra các em cần xem lại các ngữ liệu minh họa cũng như thực hiện lại các bài tập trong các bài tiếng Việt và làm văn của chương trình lớp 11 với những yêu cầu bổ sung nhằm đáp ứng được mức độ thông hiểu và vận dụng thấp như đã nêu ở bảng trên.

Việc này không chỉ giúp các em có điều kiện củng cố lại kiến thức mà còn cải thiện khá tốt kỹ năng đọc hiểu văn bản của bản thân.

  1. Nội dung nghị luận xã hội: 

Với yêu cầu viết đoạn văn khoảng 200 từ nêu ý kiến của cá nhân về một quan điểm/ ý kiến/ vấn đề được trích dẫn (hoặc được gợi ra) từ văn bản đọc hiểu ở phần trên; các em cần lưu ý là hiện nay đề thi tập trung vào những khía cạnh rất cụ thể của vấn đề như ý nghĩa, tác dụng/ tác hại của vấn đề hoặc đưa ra các biện pháp ngăn chặn/ thực hiện hiệu quả vấn đề.

Do đó, các em cần tránh cách nghĩ viết đoạn văn là viết một bài văn nghị luận xã hội thu nhỏ với đầy đủ các bước. Chúng ta hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn trình tự diễn đạt (diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp) cho đoạn văn, nhưng phải luôn có ý thức hướng vào yêu cầu đề.

Đặc biệt, chúng ta cần chú ý đến những chủ đề quan trọng, tương thích với những chủ đề đã học trong chương trình lớp 11 (lối sống, quan điểm sống, tình cảm gia đình, lòng yêu nước…).

Với mỗi chủ đề, các em cũng nên tìm kiếm, cân nhắc kỹ những dẫn chứng đưa vào đoạn nghị luận xã hội sao cho ngắn gọn, hợp lý, hiệu quả nhất. Đồng thời, việc chọn lọc được những dẫn chứng có thể sử dụng trong nhiều chủ đề cũng là một cách chuẩn bị hiệu quả, khôn ngoan cho nội dung này.

  1. Nội dung nghị luận văn học: 

Dù với tác phẩm trong chương trình lớp 12 hay lớp 11, chúng ta đều phải nắm vững kiến thức trọng tâm (đề tài, chủ đề, những nội dung chủ yếu, một số nét nghệ thuật đặc sắc, một số dẫn chứng tiêu biểu) cũng như những điểm nổi bật riêng của mỗi đơn vị bài.

Đây là cơ sở quan trọng để các em có thể ôn tập đúng với định hướng đề thi (do thời gian rút ngắn nên thường chỉ tập trung vào một khía cạnh/ một trích đoạn hơn là vấn đề bao quát tác phẩm) cũng như đáp ứng được mọi yêu cầu đặt ra (bình luận ý kiến văn học hoặc phân tích để làm rõ/ chứng minh những vấn đề liên quan đến tác phẩm) với bài nghị luận văn học, đặc biệt là yêu cầu gắn kết nhóm tác phẩm với nhau để so sánh.

Trong những năm gần đây, đề nghị luận văn học thường gắn với nội dung phân hóa thể hiện qua yêu cầu bình luận về một vấn đề cụ thể nào đó của tác phẩm.

Khi bổ sung thêm ngữ liệu văn bản của chương trình lớp 11, các em nên lưu ý đến khả năng nội dung phân hóa này có thể gắn với yêu cầu so sánh các tác phẩm/ một vấn đề trong các tác phẩm của hai chương trình. Để thực hiện tốt phần này, các em cần nắm vững một số lưu ý sau:

– Nguyên tắc so sánh: phải chỉ ra được điểm tương đồng và nêu rõ những nét khác biệt của các tác phẩm.

 – Cơ sở so sánh: cần trả lời được 3 câu hỏi

Vấn đề mà 2 đoạn thơ/ đoạn văn hướng đến được đề cập trong hoàn cảnh/ bối cảnh/ thời điểm nào? Điều này có giá trị gì không?

Vấn đề mà 2 đoạn thơ/ đoạn văn thể hiện có gì tương đồng và khác biệt trong nội dung đề cập?

Vấn đề mà 2 đoạn thơ/ đoạn văn hướng đến được thể hiện bằng những hình thức nghệ thuật nào?

– Những khía cạnh cần so sánh: với tác phẩm trữ tình có thể là thể thơ, hình ảnh thơ, các biện pháp tu từ, giọng thơ…; với nhân vật trong tác phẩm tự sự có thể là ngoại hình, tính cách, chiều hướng số phận, chi tiết ấn tượng liên quan…

Chúng ta cũng phải nhớ dù định hướng phân hóa là gì thì trước tiên vẫn phải thực hiện tốt nhất phần yêu cầu chủ yếu của đề bài. Với nội dung phân hóa, các em cần viết ngắn gọn, rõ ràng, tập trung, tránh việc dàn trải lan man vừa thiếu hiệu quả vừa mất thời gian.

Theo Tuoitre