Năm 2018: “Rồng vàng” dễ lao đao vì thi cử và tuyển sinh đại học

0
856

Dù còn gần 1 năm nữa mới đến kì thi THPT Quốc gia 2018, nhưng nhiều phụ huynh, học sinh khối 12 (sinh năm 2000) – lứa “rồng vàng” đang đứng trước nhiều mối lo bởi áp lực thi cử, khi mà số lượng thí sinh “đột biến” tăng, điểm vào các trường đại học “top” rất cao nếu đề thi dễ, điểm cộng nhiều như năm 2017.

“Rồng vàng” tăng đột biến và áp lực thi cử

Chắc hẳn, với nhiều phụ huynh ở các thành phố lớn sẽ không thể quên được những khó khăn, vất vả trong việc học tập của con em mình sinh năm 2000, lứa tuổi đặc biệt so với trước hoặc sau đó. Ví dụ như ở Hà Nội, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2015 – 2016, Hà Nội đột biến tăng số lượng học sinh, khiến gần 30.000 em sẽ phải học trường dân lập, hệ GDTX, thậm chí là học hệ bổ túc… Không ít phụ huynh rầu lòng, nếm “trái đắng” khi chọn năm “rồng vàng” (năm 2000) để sinh con.

Cũng tại kỳ tuyển sinh vào lớp 10 nói trên, Hà Nội dự kiến sẽ có 85.000 thí sinh tham gia. Trong đó, số lượng tuyển vào hệ THPT là 72.110 học sinh, nhưng chỉ có 56.840 học sinh được vào trường THPT công lập. Thời điểm đó, so với mọi năm, chỉ tiêu vào lớp 10 không tăng nhiều, nhưng số lượng học sinh lại tăng tới hơn 10.000 học sinh. Còn tại TPHCM, năm 2015 có 77.720 thí sinh dự thi vào lớp 10, tăng 9.000 em so với năm trước. Trong khi đó chỉ tiêu vào trường công lập là 64.710 nên sẽ có hơn 13.000 thí sinh rớt khỏi trường công lập.

Có thể thấy rằng, kỳ thi vào lớp 10 công lập ở Hà Nội hay TPHCM đối với lứa học sinh năm 2000, để có suất học trường công sẽ phải cạnh tranh gắt gao giữa các thí sinh. Đây là lứa học sinh sinh năm Canh Thìn – năm được đánh giá là đẹp nên được nhiều gia đình lựa chọn để sinh con, với mong muốn con gặp nhiều may mắn, học hành thành đạt như “rồng vàng”. Còn hiện tại, theo ghi nhận, nhiều phụ huynh và học sinh khối 12 hiện tại tỏ ra rất lo lắng cho thi cử của năm 2018.

Một số phụ huynh cho biết, sang năm 2018 lứa thí sinh này sẽ chịu áp lực bởi số lượng tăng đột biến, nếu tiếp tục áp dụng như năm 2017 dù đề thi dễ hay khó thì điểm vào các trường đại học “top trên” vẫn sẽ căng thẳng hơn so với các năm, đặc biệt là duy trì điểm cộng nhiều như năm nay. “Tính chất của kỳ thi năm sau cũng rất căng thẳng do số thí sinh tăng mạnh, tuy nhiên đến nay Bộ GD&ĐT chưa có phương thức chính thức thi thế nào, xét tuyển ra sao, có áp dụng thay đổi gì không… Phụ huynh có con sinh năm 2000 chúng tôi rất lo lắng”, anh Đinh Xuân Nam (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.

Giữ kỳ thi Quốc gia từ năm 2018

Không chỉ phụ huynh lo lắng, công tác tổ chức thi THPT Quốc gia, tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018 cũng trở thành chủ đề “nóng” tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2016 – 2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017 – 2018 do Bộ GD&ĐT tổ chức hôm đầu tuần này. Tại Hội nghị, ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, thi THPT là đánh giá đa số, để công nhận tốt nghiệp cho học sinh, còn thi đại học là tuyển các em có năng lực vào từng ngành nghề. Việc tuyển sinh đại học phải là của các trường. Tùy theo yêu cầu, đặc thù của mình mà các đại học sẽ có cách tuyển riêng.

Nêu kiến nghị để các trường đại học tự tuyển sinh, ông Phan Thanh Bình cũng chỉ ra một thực tế, nếu lấy thi phổ thông để áp dụng cho đại học thì khó. Việc nhiều em được 27 – 28 điểm thi THPT Quốc gia, cộng ưu tiên vào thì 30 điểm là bình thường. Quyền tự chủ tuyển sinh của các đại học phải đặt ra mạnh mẽ. Điều này cũng phù hợp với định hướng của ngành Giáo dục là đề cao tự chủ cho các trường…

Những kiến nghị của ông Phan Thanh Bình – nguyên Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cũng rất có cơ sở, bởi kỳ thi THPT Quốc gia 2017 đã phần nào giảm áp lực về ăn ở, đi lại cho các thí sinh vì thi tại địa phương. Tuy nhiên, kỳ thi lại bộc lộ khá nhiều điểm hạn chế khi xuất hiện “mưa” điểm 10, cả nước có tới hơn 4.000 điểm 10, gấp hơn 60 lần so với năm ngoái. Tỷ lệ điểm 8 trở lên cũng tăng mạnh, nhiều trường “top trên” thuộc các ngành như công an, quân đội, Y – Dược lấy điểm chuẩn rất cao, thậm chí có thí sinh 30 điểm còn trượt… Nhiều chuyên gia cũng đề xuất giao các trường đại học tự chủ trong thi cử, xét tuyển riêng để đảm bảo chất lượng đầu vào.

Thậm chí, căng thẳng trong thi cử, xét tuyển cũng là nguyên nhân dẫn đến xuất hiện một số tin đồn rằng năm 2018 sẽ tăng điểm “liệt” lên thành 3 điểm, bị trừ điểm nếu tô sai đáp án… Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, đây là những thông tin không chính xác. Bộ GD&ĐT cũng đã nhận ra một số điểm hạn chế của kỳ thi, xét tuyển năm 2017 như đề thi chưa có sự phân hóa thí sinh… Tuy nhiên, theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT Quốc gia sẽ giữ ổn định trong những năm tới. Năm 2018, sẽ có một số điều chỉnh như: dự kiến bỏ điểm sàn vào các trường ĐH, CĐ; áp dụng điểm sàn riêng cho các trường khối sư phạm…

24h