Ngành “hot” truyền thông: Phải có những tố chất nào để làm tốt ngành này?

0
574

Ngành truyền thông hiện nay đang “hot” được các thí sinh lựa chọn nhiều. Tuy nhiên, để hiểu rõ ngành truyền thông là gì, cần những tố chất nào, làm việc ở đâu?… nhiều em đang rất mơ hồ.

Ngành hot truyền thông: Phải có những tố chất nào để làm tốt ngành này? - 1

Nhấn để phóng to ảnh

 Ngành truyền thông ngày càng quan trọng hơn khi được sử dụng trong kinh doanh, thương mại. (ảnh minh họa)

Chia sẻ về ngành truyền thông, TS Phan Quang Anh – Tiến sĩ Truyền thông và phương tiện truyền thông tại Đại học Quốc gia Singapore, Nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ tại Đại Học Zurich (Thụy Sĩ) cho biết, ngành truyền thông đang là một trong những ngành có tầm ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội và kinh tế. Truyền thông gần như tác động đến mọi đối tượng, mọi mặt của đời sống. Nhờ truyền thông con người được kết nối với nhau nhiều hơn.

Truyền thông càng quan trọng hơn khi chúng được sử dụng trong kinh doanh, thương mại. Chính vì sự phát triển của ngành truyền thông mà nhu cầu nhân sự cho ngành này vẫn tăng dần theo từng năm.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế thì truyền thông nằm trong top  những ngành hấp dẫn nhất đối với sinh viên về cả cơ hội việc làm và mức lương, đây được đánh giá là ngành nghề tiềm năng trong tương lai. Vì thế, theo học ngành này, các bạn sinh viên không cần phải lo lắng về việc làm sau khi ra trường nếu như bạn luôn biết cố gắng, học hỏi và hoàn thiện mình mỗi ngày.

Hơn thế nữa cơ hội việc làm của ngành truyền thông rất rộng mở. Hiện nay đang có 4 nhóm ngành truyền thông khi ra trường nguồn nhân lực đang cần rất nhiều đó là: truyền thông báo chí, truyền thông thực hành, truyền thông media, nghiên cứu truyền thông.

Bên cạnh cơ hội việc làm thì mức thu nhập của người đi làm trong ngành truyền thông khá đa dạng và phụ thuộc vào vị trí của từng nhân viên. Ví dụ ở vị trí quản lý dự án bạn sẽ nhận mức lương nhiều hơn nhân viên làm vị trí bình thường cả chục triệu. Thông thường mức lương dao động từ 10 – 20 triệu đồng.

Ngành hot truyền thông: Phải có những tố chất nào để làm tốt ngành này? - 2

Nhấn để phóng to ảnh

TS  Phan Quang Anh

Theo ông, người làm truyền thông cần phải có những tố chất nào?

TS Phan Quang Anh: Để trở thành một nhà truyền thông thì sự đam mê nhiệt huyết năng động  và học hỏi không ngừng là yếu tố quan trọng hàng đầu. Bởi chỉ có đam mê mới giúp con người ta đi đến cái đích của sự thành công.

Bên cạnh đó xã hội ngày càng phát triển và thay đổi, do đó mỗi cá nhân phải biết học hỏi tiếp thu những cái hay cái mới để trau dồi vốn kiến thức của bản thân.

Tố chất hay phẩm chất cần cho nghề này rất đa dạng vì do lĩnh vực và phạm vi hoạt động lớn, tiếp xúc với nhiều tầng lớp xã hội.

Nhưng theo tôi chỉ cần bạn  có những tố chất sau thì có thể  rất hợp với nghề truyền thông này như: Tự tin, mạnh dạn; Hoạt ngôn, có khả năng ngoại giao tốt; Chân thành nhưng cần khéo léo, mềm mỏng; Nhẫn nhịn, nhẫn nhục; Sáng tạo, thích đổi mới; Am hiểu và truyền thông, tiếp thị, báo chí; Quan sát và ứng biến tốt; Nắm bắt thông tin nhanh.

Do ngành truyền thông “hot” như vậy, thí sinh đổ xô vào học, liệu thời gian tới cử nhân truyền thông có bị dư thừa không thưa ông?

TS Phan Quang Anh:  Thực ra thời nào cũng có xu thế chọn nghề của thời ấy. Quay trở lại vài năm trước, ngân hàng hay công nghệ thông tin đều là những ngành thu hút được nhiều sinh viên nhưng sức hút cũng giảm dần. Chọn trường, chọn ngành đôi khi chỉ câu chuyện của tuổi 17, 18  vì không phải ai cũng biết rõ mình muốn học và trở thành gì.

Nếu không làm được ngành này thì các bạn có thể chọn một ngành khác có liên quan, không phải cứ phải học truyền thông vì đây là ngành “hot”. Các bạn có năng lực kỹ năng truyền thông thì có thể làm quản trị nhân lực, yêu thích mỹ thuật có thể trở thành kiến trúc sư,… miễn sao phù hợp với năng lực của bản thân. Hoặc bạn có thể thử làm truyền thông một vài năm,  cảm thấy không phù hợp thì có thể đổi sang lĩnh vực khác.

Cơ hội việc làm là dành cho tất cả các bạn, chỉ cần nắm rõ xem thị trường lao động ngành truyền thông cần tuyển dụng ứng viên có những yếu tố  nào thì chuyện việc làm chỉ là vấn đề nhỏ.

Không chỉ các công ty PR- quảng cáo, các tòa soạn, đài truyền hình mà rất nhiều doanh nghiệp đều cần nhân viên truyền thông cho công ty để xây dựng và phát triển thương hiệu cho mình.

 Ông có lời khuyên gì các thí sinh xét tuyển đại học, có nguyện vọng vào học ngành truyền thông năm nay?

TS Phan Quang Anh: Các em sắp bước vào bước ngoặt của cuộc đời mình, sắp làm chủ trên con đường tương lai phía trước. Ở cái ngưỡng cửa của tuổi 18, các em sẽ có những quyết định thay đổi bước đường tương lai.

Cho dù phía trước có nhiều chông gai và vất vả, hãy luôn tin tưởng vào bản thân mình và có những quyết định đúng đắn nhất. Nỗ lực và vượt qua những giới hạn, những định kiến sẽ đạt được thành công như chính các em mong muốn.

Trân trọng cám ơn TS Phan Quang Anh!