Những con số suy ngẫm từ điểm thi THPT quốc gia – Phần 1

0
792

Hà Nam dẫn đầu cả nước về điểm trung bình 9 môn; Toán nhiều điểm liệt nhất; hơn 80% bài Lịch sử dưới 5.

Năm 2018, cả nước có gần 926.000 thí sinh “rồng vàng” dự thi THPT quốc gia, tăng khoảng 60.000 so với năm trước. Trong đó hơn 642.000 em đăng ký để vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Theo thống kê của VnExpress từ dữ liệu điểm thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp, cả nước có 921.900 thí sinh có điểm. Dự thi đông nhất là Hà Nội với hơn 79.000 thí sinh, kế đó là TP HCM hơn 78.000, Thanh Hóa 35.000. Bắc Kạn, Lai Châu, Kon Tum và Cao Bằng có chưa tới 5.000 thí sinh.

Là môn thi bắt buộc để xét tốt nghiệp THPT, Toán và Ngữ văn có nhiều thí sinh nhất với hơn 900.000. Xếp ngay sau là Ngoại ngữ gần 817.000.

Ngoài 56.000 thí sinh tự do, tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) được nhiều học sinh lựa chọn với hơn 444.000, trong khi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) chỉ khoảng 341.000.

Xu hướng này giống năm 2017 và được cho là phù hợp khi tổ hợp Khoa học xã hội rất phù hợp với những em chỉ dùng kết quả để xét tốt nghiệp THPT, do không khó vượt qua điểm liệt ở các môn.

6/9 môn thi có điểm trung bình dưới 5

Kết quả 9 môn thi THPT năm nay giảm mạnh so với năm 2017. Theo phổ điểm do Bộ Giáo dục công bố, 6/9 môn thi có điểm trung bình dưới 5. Điều này trái ngược với năm ngoái, khi 6/9 môn có điểm trung bình trên 5.

Giáo dục công dân có kết quả cao nhất. Phổ điểm môn này rất đẹp với đồ thị hình chuông lệch sang phải. Điểm trung bình của thí sinh cả nước là 7,13, tuy vậy vẫn thấp hơn năm ngoái 0,67.

Tiếng Anh và Lịch sử tiếp tục xếp cuối danh sách với điểm trung bình không quá 4. Nếu năm ngoái cả hai môn này đều đạt 4,6 điểm, năm nay chỉ là 3,91 và 3,79.

Trong tất cả môn, điểm trung bình môn Lịch sử giảm mạnh nhất so với năm ngoái – 0,81, trong khi Ngữ văn – môn duy nhất thi tự luận giảm 0,06.

Kết quả các môn thi thấp không nằm ngoài dự đoán của giáo viên, phụ huynh và học sinh vì đề thi khó hơn mọi năm, đặc biệt ở các môn Toán, Ngữ văn và Sinh học.

“Đề thi các môn nằm trong chương trình lớp 12 và số ít ở lớp 11, đều được ôn luyện kỹ càng. Nhưng cách ra đề một số môn như Toán, Sinh còn hạn chế vì quá dài”, thí sinh Nguyễn Thị Bảo Ngọc (quận 1, TP HCM) chia sẻ.

Hơn 80% thí sinh đạt điểm dưới trung bình môn Lịch sử

Trong hơn 565.000 thí sinh dự thi Lịch sử, có đến 83,24% được điểm dưới trung bình. Điểm số nhiều em đạt nhất là 3,25. Đứng đầu về điểm trung bình môn này là Bạc Liêu cũng chỉ đạt 4,22. Hà Giang thấp nhất với 3,47 điểm.

Đà Nẵng gây ngạc nhiên khi có tới gần 90% thí sinh dự thi không đạt 5 điểm Lịch sử. Mức điểm trung bình của thí sinh thành phố biển thấp thứ hai cả nước, chỉ 3,48. TP HCM có 80,9% thí sinh không được 5 điểm và điểm trung bình môn chỉ 3,88, xếp thứ 23 cả nước.

Không chỉ năm nay Lịch sử mới được nhiều người bình luận do điểm số quá thấp. Kỳ thi đại học năm 2011, cả nước rúng động khi có đến hàng nghìn bài Lịch sử bị điểm 0. Năm 2015, hàng loạt điểm thi đóng cửa trong ngày cuối cùng do không có thí sinh dự thi môn này.

Là giáo viên dạy Lịch sử có tiếng của trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), thầy Trần Trung Hiếu cho rằng kết quả thấp là đáng buồn nhưng không bất ngờ và có nhiều nguyên nhân.

Số ít thí sinh chọn thi môn Lịch sử để xét tuyển đại học, cao đẳng. Điều đó phù hợp với thực tế có bài thi đạt điểm cao, thậm chí điểm tuyệt đối. Phần lớn còn lại chỉ chọn môn này cùng tổ hợp Khoa học xã hội để xét tốt nghiệp vì dễ tránh điểm liệt.

“Đây là sự lựa chọn an toàn và phù hợp. Các em chỉ cần 1 điểm là đỗ tốt nghiệp chứ không bận tâm điểm cao hay thấp”, thầy Hiếu nói và cho rằng không thể trách học trò và cũng không thể lấy kỳ thi THPT quốc gia làm dịp để trút gánh nặng, trách nhiệm lên các giáo viên dạy Lịch sử.

Thầy Hiếu nhấn mạnh tỷ lệ học sinh bị điểm dưới trung bình cao không phản ánh toàn diện việc học sinh có yêu Lịch sử hay không.

Theo Vnexpress