Phổ điểm thi THPT nói lên điều gì?

0
651

PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học – Bộ GD&ĐT, lý giải nguyên nhân điểm Sinh, Sử, tiếng Anh thấp và cho biết kết quả đối sánh giữa kết quả học bạ và kết quả thi của thí sinh.

Nguyên nhân điểm thấp

Điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay như thế nào so với năm ngoái, theo ông?

Nhìn vào phổ điểm có thể thấy điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT năm nay cao hơn so với những năm trước. Lý do là ma trận đề thi giống như đề tham khảo đã được Bộ GD&ĐT công bố trước đó để thí sinh ôn tập; chương trình học được tinh giản do ảnh hưởng của dịch COVID-19; đề thi đã giảm độ khó. Chính vì vậy, kết quả thi phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp.

Tuy nhiên, mức độ phân hóa cũng vẫn đảm bảo trong phổ điểm mỗi môn thi và thậm chí còn đạt yêu cầu tốt hơn trước. Bằng chứng là số lượng điểm 9, điểm 10 không nhiều. Không có tình trạng “mưa” điểm 10 như năm 2017 và cũng không xảy ra tình trạng khan điểm 10 như năm 2018.

Tỷ lệ điểm dưới trung bình các môn cũng giảm hơn năm 2019. Như vậy, có thể nói, mục tiêu đánh giá học tập của học sinh để xét tốt nghiệp, tuyển sinh ĐH năm nay đề thi đã đáp ứng tốt.

Tuy nhiên, vẫn còn những môn điểm rất thấp. Ông nghĩ sao?

Trong 9 môn thi tốt nghiệp năm nay, các môn Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân có điểm trung bình tăng hơn năm trước và đạt trên 6.0. Có 3 môn điểm trung bình có tăng nhưng không cao bằng những môn trên là Sinh, Sử, tiếng Anh. Với môn Lịch sử, điều đáng mừng là năm 2019, điểm trung bình môn dưới trung bình, năm nay lên trên trung bình. Môn tiếng Anh có cải thiện nhưng điểm trung bình vẫn dưới 5. Môn Sinh trên trung bình nhưng không cao bằng môn khác.

Phổ điểm thi THPT nói lên điều gì? - Ảnh 1.

PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành

Tuy nhiên, nhìn vào phổ điểm, ở phân khúc điểm cao (tức là điểm bắt đầu có sự phân hóa) thì những môn này tương đối đồng đều với những môn còn lại. Điều này chứng tỏ có sự đầu tư của thí sinh vào những môn học này để xét tuyển sinh ĐH.

Từ kết quả thi THPT quốc gia năm 2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo tập huấn đổi mới phương pháp dạy Sử. Nên việc dạy học môn học này có hiệu quả là cải thiện về điểm số, có sự chuyển biến trong dạy học. Tuy nhiên, môn Sử cũng tương tự như môn Sinh, phần lớn thí sinh thi để xét tốt nghiệp.

Với môn Ngoại ngữ cũng có chuyển biến nhưng chưa có nhiều.

Kết quả thi cho thấy, với môn tiếng Anh, 5 tỉnh, thành phố có điểm trung bình cao nhất cả nước là TP.HCM (đây cũng là địa phương giữ quán quân cả nước điểm trung bình môn tiếng Anh với 5,9 điểm), Hà Nội, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Dương, Nam Định. Có 15 tỉnh điểm trung bình môn tiếng Anh dưới 5, trong đó 5 tỉnh thấp điểm trung bình thấp nhất cả nước (từ 3,2-3,6 điểm) là Bắc Kạn, Cao Bằng, Sơn La, Hà Giang, Điện Biên. Tuy nhiên, các tỉnh điểm thấp cũng có cải thiện hơn so với năm 2019.

Không thấy bất thường khi đối sánh kết quả thi

Trước kỳ thi, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định năm nay Bộ sẽ thực hiện việc đối sánh giữa kết quả học bạ và kết quả thi của thí sinh. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về việc này?

Khi đánh giá học sinh, cần đánh giá tổng thể điểm trung bình cả năm học. Chính vì vậy, việc đối sánh cũng tính tổng thể, không tính riêng cho từng môn. Cụ thể, Bộ sẽ thực hiện việc đối sánh giữa điểm trung bình các môn thi và kết quả học bạ trung bình lớp 12 của học sinh để xem độ tương thích thế nào. Ví dụ, học sinh chọn bài thi Khoa học tự nhiên, sẽ được tính điểm trung bình điểm thi các môn Toán, Hóa, Sinh, Lý, sau đó, so sánh điểm trung bình các môn này ở học bạ lớp 12. Sở dĩ chỉ thực hiện đối sánh với kết quả lớp 12 vì nội dung thi nằm trong chương trình lớp 12.

Kết quả đối sánh sơ bộ cho thấy độ tương thích chung của các địa phương trên cả nước tương đối tốt. Tuy nhiên, vẫn có sự vênh nhau. Có tỉnh khoảng cách vênh nhiều, có tỉnh khoảng cách vênh không đáng kể. Tuy nhiên, bình diện chung là chấp nhận được, không có điểm nào bất thường.

Mục đích của sự đối sánh này là với các địa phương có sự chênh lệch giữa điểm thi và điểm học bạ không lớn có thể thấy cần tiếp tục phát huy cách đánh giá theo đúng ma trận đã được hướng dẫn. Đối với các địa phương có độ vênh nhiều hơn tỉnh khác, cần xem lại quá trình đánh giá trong các nhà trường. Tuy nhiên, có thể nhìn thấy, ở các tỉnh khó khăn miền núi, khoảng cách đối sánh rộng hơn các địa phương thuận lợi. Nguyên nhân một phần vì vùng khó khăn nên tâm lý chung của giáo viên muốn “nới tay” để động viên, khuyến khích học sinh.

Cảm ơn ông.