‘Phượt thủ chính hiệu’ chỉ cách sống sót khi tiếng Anh vô dụng

0
2258

Bạn đã từng đến những quốc gia không nói tiếng Anh mà nói nhiều ngôn ngữ, đâm ra dở khóc dở cười vì chẳng ai hiểu ai chưa? Lúc đó, điều bạn cần là những kỹ năng giao tiếp khác ngoài ngôn ngữ.

Khi chuẩn bị đặt chân đến một quốc gia xa lạ, trước một chuyến đi có tính chất mạo hiểm vào những vùng đất hoang vắng, không có dịch vụ du lịch, hãy chuẩn bị tinh thần là việc giao tiếp sẽ rất khó khăn.

Nhưng bạn phải giao tiếp, với người bản địa, từ chủ nhà nghỉ, người bán hàng, cảnh sát, bạn bè ở đó, đến người dân gặp trên đường, các du khách khác…, vì đó là yếu tố sống còn, nhất là khi có sự cố nghiêm trọng xảy ra.

Trần Đặng Đăng Khoa (trái) được người dân thị trấn Kazbegi (Georgia) sửa xe máy giúp – Ảnh do NV cung cấp

1. Có tiếng Anh dắt lưng là đủ

Trần Đặng Đăng Khoa (sinh năm 1987) đang thực hiện kế hoạch đi xe máy qua 5 châu lục trong vòng 2 năm, với tổng quãng đường khoảng 50.000 km.

Lên đường từ 1-6-2017, Khoa đã đi qua Campuchia, Thái Lan, Nepal, Ấn Độ, Pakiskan, Iran, Azerbaijan, Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ và hiện đang ở Hy Lạp.

Tiếng Anh được ngầm công nhận là ngôn ngữ của du lịch. Ở những nước du lịch phát triển, tiếng Anh thậm chí được dạy trong trường như ngôn ngữ thứ hai hay ngoại ngữ chính.

Bản thân mình cũng chỉ biết một ngoại ngữ là tiếng Anh, và hiện như thế là đủ. Không cần chứng chỉ mấy chấm, chỉ cần sử dụng đúng và hiểu được.

Nepal là đất nước phụ thuộc nhiều vào du lịch, nên hầu như ai cũng nói tiếng Anh dù không xuất sắc. Ấn Độ và Pakistan từng là thuộc địa của Anh nên họ nói cũng dễ hiểu.

Bulgaria và Hy Lạp thuộc châu Âu nên tiếng Anh là giao tiếp cơ bản. Tại Azerbaijan và Georgia, tiếng Anh là ngoại ngữ đứng sau tiếng Nga. Ở Thái Lan, Campuchia và Iran, nói tiếng Anh hơi khó khăn một chút.

Một cảnh sát ở thủ đô Baku của Azerbaijan đi bộ 2km để chỉ đường cho Khoa – Ảnh do NV cung cấp

2. Biết viết email chỉn chu

Đối với những chuyến đi mạo hiểm và đi qua nhiều nước như mình đang theo đuổi, tiếng Anh càng quan trọng, không chỉ trong giao tiếp bình thường mà còn trong viết thư, điện thoại, đọc hiểu, tra cứu tài liệu…

Ví dụ, muốn xin visa vào một nước ít du khách, hoặc ít khách Việt, mình phải viết được một bức thư chỉn chu, lịch sự, thể hiện rõ mình muốn gì, gặp trở ngại gì để thuyết phục đại sứ quán, lãnh sự quán.

Khi làm giấy tờ, xin ngủ nhờ, đặt vé tàu xe, muốn được ưu tiên đi sớm hoặc giảm giá, đều phải viết những bức thư tiếng Anh đàng hoàng.

Một email rõ ràng, đầy đủ, thể hiện sự nhiệt tình, chân thành sẽ luôn được để ý và được giúp đỡ hơn một email lộn xộn, không rõ đầu đuôi. Hầu hết vấn đề trên đường đi của mình đều được giải quyết suôn sẻ chính là nhờ sự rõ ràng đó.

Kính gởi ngài giám đốc ABC,

Tôi tên là…, công dân Việt Nam, hiện đang đi du lịch xa từ ngày…

Tôi muốn… vào ngày này, tháng này, cần giấy tờ…

Tuy nhiên tôi lại bị trục trặc… nên sợ sẽ không đáp ứng yêu cầu… của ngài.

Tôi rất mong được ngài giúp đỡ và phản hồi, hoặc nếu cần tôi làm hay chứng minh hay… thì xin cho tôi biết.

Tôi đính kèm bên dưới các văn bản… để ngài tham khảo thêm về tôi và dự định của tôi.

Tôi xin cám ơn ngài và mong nhận được hồi âm của ngài qua email này hoặc số điện thoại…

Trân trọng,

Kí tên (luôn ghi tên mình, thể hiện sự chuyên nghiệp)

“Chiến mã” của chàng trai Gò Công tại một vùng nông thôn Hy Lạp – Ảnh do NV cung cấp

3. Nhưng có lúc tiếng Anh thực sự vô dụng

Nên hãy học trước một số từ địa phương trước khi đến một quốc gia mới: xin chào, cảm ơn, xin lỗi, có, không, bao nhiêu, đếm từ 1 đến 10…

Chào dân địa phương bằng tiếng của họ ngay lần đầu gặp là bạn đã gây được thiện cảm rất lớn, có khi được bán giá rẻ, được giúp đỡ nhiệt tình. Nói tiếng của họ còn có hàm ý “tui hông dễ bị chơi đâu nha, đừng có nói thách”.

Ở một số nước lân cận, nhiều từ thông dụng có thể phát âm giống nhau. Chẳng hạn, ở Azerbaijan, Iran và Pakistan, chữ “xăng” đều phát âm là “ben-zin”, cứ nói vậy là được chỉ cây xăng. Những từ như “toilet” thì hầu như ai cũng hiểu.

Ngôn ngữ cơ thể cũng đơn giản: Tìm chỗ ngủ thì khép tay kề vô đầu, nghiêng nhẹ chớp chớp mắt. Tìm quán ăn thì chỉ tay vô miệng, há mồm…

Nhưng cũng phải lưu ý một số khác biệt về cử chỉ. Ví dụ ở Bulgaria, gật đầu là “không” mà lắc đầu lại là “có”.

Để chuẩn bị chu đáo, bạn có thể tra Google “common phrases and sentences in…” (các cụm từ và câu nói thông dụng trong tiếng…), lưu về điện thoại hoặc in ra giấy. Chiêu này rất hiệu quả, diễn giải mãi không hiểu thì đưa cho dân địa phương đọc luôn. Google Translate hay các app dịch song ngữ offline cũng rất hữu ích.

 4. Quan trọng nhất là chủ động và tự tin

Đừng tiếc tiền mua một cái sim 3G lắp vào điện thoại khi đến một đất nước mới. Vừa để dùng các app dịch online, vừa dùng để liên lạc khi cần gọi cứu hộ hoặc báo tin cho người nhà.

Tên và địa chỉ của khách sạn hoặc nhà nghỉ, tên và đường đến các địa danh, đều nên ghi ra giấy hoặc lưu vào điện thoại. Nếu có thể, hãy lưu cả những thông tin đó bằng ngôn ngữ bản địa, để người dân nhìn là hiểu được, phòng khi mình phát âm không đúng.

Và đừng ngại nói, ngại hỏi. Sau vài lần dở khóc dở cười và tìm cách giao tiếp, tức khắc phản xạ tự nhiên sẽ tăng lên. Cố gắng phá bỏ rào cản ngôn ngữ với người dân địa phương trên đường du lịch không chỉ là để hiểu nhau, mà còn là bài học thực tế khiến mỗi người trở nên tự tin hơn trong cuộc sống.

Sự tự tin đó sẽ hữu ích sau này khi đi công tác, làm việc ở nước ngoài, không chỉ khi đi du lịch.

theo tuôi trẻ online