Thầy giáo kiến trúc tâm huyết với những dự án cộng đồng

0
1218

KTS Hoàng Thúc Hào, giảng viên Đại học Xây dựng Hà Nội, vừa giành giải SIA-Getz, giải thưởng kiến trúc danh giá trao 2 năm một lần cho kiến trúc sư có đóng góp nổi bật cho sự tiến bộ của nền kiến trúc châu Á; có nhãn quan độc đáo; đáp ứng những phát triển mới trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội. SIA-Getz được ví như giải Pritzker (Nobel kiến trúc) dành cho kiến trúc sư châu Á.

Giải thưởng SIA-Getz thầy Hào nhận được bao gồm kỷ niệm chương, một huy chương vàng có khắc tên người đạt giải, một cuốn sách ghi lại sự nghiệp và những công trình tiêu biểu, 20.000 USD và những buổi nói chuyện, chia sẻ quan điểm, khuynh hướng kiến trúc ở các quốc gia châu Á.

thay-giao-kien-truc-tam-huyet-voi-nhung-du-an-cong-dong

Thầy Hoàng Thúc Hào (đứng thứ 2 từ trái sang) nhận giải thưởng “Nobel Kiến trúc châu Á” SIA-Getz.

Vừa trở về Hà Nội sau chuyến công tác nước ngoài dài ngày, chủ nhân giải SIA-Getz hào hứng chia sẻ về công việc cũng như niềm đam mê kiến trúc. Sinh ra tại Hà Nội trong gia đình có bố là họa sĩ thiết kế nội thất, anh Hào được định hướng thi vào khoa Kiến trúc – Quy hoạch của Đại học Xây dựng Hà Nội. Tốt nghiệp, anh tiếp tục học cao học tại Đại học Bách khoa Turin (Italy).

Trở về nước, anh Hào quay lại Đại học Xây dựng tham gia giảng dạy. Từng là sinh viên, nay đảm nhận vị trí giảng viên Đại học Xây dựng, anh Hào coi đó là niềm tự hào. Thầy chủ yếu hướng dẫn sinh viên làm đồ án, nghiên cứu, tham gia các cuộc thi trong, ngoài nước và phụ trách Hội Kiến trúc sư của trường.

KTS Hào nhận định, Hội Kiến trúc sư trong trường đại học khác với bên ngoài vì gắn trực tiếp với đào tạo. Với cương vị Chủ tịch Hội, thầy thường mời các chuyên gia, kiến trúc sư nổi tiếng tới chia sẻ chuyên môn, chuyện nghề, đồng thời tổ chức các cuộc thi, hỗ trợ sinh viên tham gia thi quốc tế.

“Sinh viên của tôi khá hào hứng với các cuộc thi, trưởng thành nhanh và hội nhập tốt. Giờ đi công tác nước nào tôi cũng dễ dàng gặp sinh viên của mình đang học tập ở đó”, thầy tự hào chia sẻ.

Ngoài giảng dạy, thầy Hào là người sáng lập, kiến trúc sư trưởng của Văn phòng kiến trúc 1+1>2, nơi đón nhận nhiều sinh viên Đại học Xây dựng đến thực tập hay làm việc lâu dài. Hơn một nửa kiến trúc sư của văn phòng là cựu sinh viên của thầy. Đây cũng là nơi để thầy định hướng sâu hơn cho sinh viên trên con đường sự nghiệp.

thay-giao-kien-truc-tam-huyet-voi-nhung-du-an-cong-dong-1

Huy chương vàng khắc tên thầy Hoàng Thúc Hào là phần thưởng xứng đáng cho những đóng góp của thầy trong sự tiến bộ của nền kiến trúc châu Á.

Với quan điểm kiến trúc “vì hạnh phúc con người”, thầy giáo sinh năm 1971 dành nhiều thời gian cho những dự án, công trình mang tính xã hội cao và thường xuyên khuyến khích sinh viên cùng tham gia. Hơn 20 công trình của thầy như nhà cộng đồng, sân chơi cho trẻ em, trường học, nhà ở nông thôn mới, nhà ở cộng nhân, trung tâm thiền hay nhà chống lũ… đều thực hiện ở địa bàn khó khăn, phục vụ thiết thực nhu cầu cộng đồng người yếu thế.

“Họ là những người nắm giữ kho báu văn hóa khổng lồ nhưng hầu như bị xã hội lãng quên. Điều này đã thôi thúc tôi tìm đến họ”, thầy Hào giải thích và cho rằng văn hóa, con người, thiên nhiên bản địa là nguồn cảm hứng để thực hiện những công trình mang tính xã hội ở những nơi tưởng chừng “không có kiến trúc” này. Mỗi địa điểm đi qua, mỗi công trình được xây dựng đều để lại cho thầy và cộng sự những bài học kinh nghiệm và kỷ niệm khó quên.

Nhắc lại chuyện thực hiện dự án trường tiểu học Lũng Luông (Thái Nguyên), thầy Hào kể, địa điểm xây dựng trường không rộng, xung quanh là núi, đường xá hiểm trở. Thầy phải tính toán rất kỹ từ thiết kế đến vật liệu xây dựng sao cho thuận tiện, giảm giá thành tối đa mà không phá vỡ cảnh quan núi rừng. Nhóm dự án mất nhiều tháng sáng chế máy làm gạch tại chỗ, sử dụng đất tự nhiên.

“Làm công trình cộng đồng đòi hỏi sự kiên trì”, thầy Hào giải thích và cho biết thêm có những dự án xã hội cộng đồng, thầy và cộng sự phải mất đến 4 năm mới hoàn thành.

Làm các dự án mang tính xã hội đồng nghĩa với việc thầy Hào phải bỏ thời gian, công sức vào những công việc không đem lại thu nhập. Nhưng thầy cho rằng đã nhận lại rất nhiều. “Thấy người dân vui sướng khi sử dụng công trình, thấy họ yêu công trình thì đấy là động lực, niềm hạnh phúc của chúng tôi, khiến chúng tôi cảm thấy phải có trách nhiệm hơn nữa với những dự án xã hội”, thầy Hào nói.

thay-giao-kien-truc-tam-huyet-voi-nhung-du-an-cong-dong-2

Thầy Hoàng Thúc Hào và giáo sư Ngô Bảo Châu trong lớp học ở trường tiểu học Lũng Luông – công trình mang tính xã hội cao do thầy Hào thực hiện.

Nhắc đến thầy Hào, Nguyễn Bình Minh, sinh viên lớp 57KDE (Đại học Xây dựng) chia sẻ: “Lần đầu gặp, em thấy thầy rất khó gần. Nhưng càng tiếp xúc, em càng thấy sự tâm huyết của thầy và thực sự nể phục thầy vì sự đánh đổi rất lớn khi dồn tất cả công sức làm dự án xã hội và không đòi hỏi bất cứ gì”.

KTS Nguyễn Duy Thanh, cựu sinh viên Đại học Xây dựng, được thầy Hào hướng dẫn làm đồ án tốt nghiệp và đã giành giải nhất đồ án xuất sắc toàn quốc. Thanh cho rằng thầy Hào biết cách truyền lửa và định hướng công việc cho sinh viên. “Việc dành nhiều thời gian cho đào tạo và dấn thân vào những dự án cộng đồng, sáng tạo những hình mẫu kiến trúc đầy cảm hứng cho thấy cái tâm và cái tầm của thầy”, Thanh nói.

Nói về dự định tương lai, thầy Hào cho biết sẽ tiếp tục gắn bó với công việc giảng dạy và những dự án xã hội. Thầy mong muốn làm cách nào giúp đỡ nhiều hơn cho cộng đồng người yếu thế ở Việt Nam và thế giới. Và có thể góp phần vào sự đổi mới đào tạo kiến trúc sư, giúp sinh viên kiến trúc xây dựng tầm nhìn, hiểu được trách nhiệm nghề nghiệp và xác lập nền tảng của những thiết kế có giá trị văn hóa và nhân văn.

>> Xem các công trình mang tính xã hội cao của KTS Hoàng Thúc Hào

Thanh Tâm