Thi THPT quốc gia 2020: Đề xuất bỏ nội dung kiến thức học kỳ 2 trong đề thi

0
834

Trước việc dịch bệnh Covid-19 khiến học sinh phải nghỉ dài ngày, nhiều ý kiến cho rằng đề thi THPT quốc gia chỉ cần kiểm tra hết nội dung học kỳ 1 lớp 12 cũng không ảnh hưởng đến chất lượng.

 Thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 	 /// Ảnh: Ngọc Dương

Thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2019

Ảnh: Ngọc Dương

Cần có kịch bản học sinh không thể đi học học kỳ 2

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội), chia sẻ: “Bao giờ dịch bệnh kết thúc là câu hỏi chưa có lời giải khi học sinh (HS) chưa học chương trình học kỳ 2 là vấn đề khó cho ngành GD-ĐT”.
Theo ông Bình, thời điểm thi vào tháng 8 có thể là phù hợp nhưng học hết nội dung chương trình là khó khả thi. Ông Bình đề xuất Bộ cần có các kịch bản khác nhau ứng với mỗi thời gian HS trở lại trường. “Chúng ta phải tính đến cả những tình huống xấu nhất có thể xảy ra để lúc đó không bị động”, ông Bình nói.

Đề thi xây dựng căn cứ vào chương trình đã tinh giản

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để chủ động thực hiện chương trình giáo dục trong thời gian còn lại của năm học 2019 – 2020, Bộ GD-ĐT đang thực hiện đồng bộ các giải pháp như: rà soát, tinh giản nội dung dạy học thuộc chương trình học kỳ 2 để hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học bảo đảm thực hiện chương trình trong thời gian còn lại của năm học 2019 – 2020.
“Căn cứ vào chương trình đã tinh giản, Bộ sẽ xây dựng và công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 để tạo thuận lợi cho HS lớp 12 trong quá trình học tập, ôn luyện, chuẩn bị tốt cho kỳ thi sẽ được tổ chức từ ngày 8 – 11.8”, ông Độ cho hay.
Với lớp 12, ông Bình cho rằng đề tham khảo kỳ thi THPT quốc gia cũng cần được xây dựng ứng với từng mốc thời gian HS trở lại trường. Trả lời câu hỏi về việc liệu chất lượng đầu ra của HS tốt nghiệp THPT năm nay có giảm nếu HS không được học nội dung kiến thức học kỳ 2 của chương trình lớp 12, ông Bình nêu quan điểm: trên thực tế, lượng kiến thức của học kỳ 2 không nhiều, chương trình được xây dựng theo phương pháp đồng tâm nên nhiều nội dung kiến thức nhắc lại, đào sâu hơn…
Tuy nhiên, điều quan trọng để đánh giá HS không phải là khối lượng kiến thức mà là tư duy, năng lực, khả năng vận dụng, sáng tạo… “Do vậy, vài tháng cuối cùng của lớp 12 không quyết định điều đó mà HS đã được hình thành và trang bị trong suốt hơn 11 năm học vừa qua rồi. Các trường ĐH tuyển sinh cũng không bị ảnh hưởng gì vì xu hướng là chú trọng tới năng lực, tư duy chứ không phải tuyển những HS học nhồi nhét, học thuộc bài”, ông Bình nêu quan điểm.
Ông Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cũng cho rằng việc Bộ GD-ĐT lắng nghe và điều chỉnh chủ trương dạy, học và thi ứng với tình hình dịch bệnh như thời gian qua là rất cần thiết. “Bộ cần công bố sớm đề thi tham khảo, khi HS còn đang phải nghỉ học vì dịch bệnh để các em có phương hướng ôn tập, chuẩn bị”, ông Nam đề nghị.
Xung quanh vấn đề tinh giản chương trình, ông Nam cho rằng cần áp dụng linh hoạt các phương án khác nhau, kể cả cắt giảm cơ học. Ví dụ, có thể giảm nhẹ về yêu cầu, mức độ của mỗi bài học nhưng cũng có những phần có thể cắt giảm hoàn toàn như phần kiến thức, thông tin đã lạc hậu hoặc quá hàn lâm; những kiến thức trùng lặp ở các môn học…
Theo Báo Thanh niên