Thiếu nguồn tuyển, có nên hạ chuẩn đào tạo giáo viên?

0
663

Thiếu giáo viên nhưng không có nguồn tuyển, vừa qua, có địa phương đã đề xuất Bộ GD&ĐT hạ chuẩn đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, các trường sư phạm đều cho rằng tình trạng thiếu nguồn tuyển hiện nay không phải do chuẩn đào tạo cao hay thấp mà là do chính sách đãi ngộ chưa thu hút được nhân lực đến về nghề giáo.

Báo cáo của Bộ GD&ĐT cho biết hiện nay toàn quốc thiếu 71.941 giáo viên (GV) mầm non, phổ thông, trong đó giáo dục mầm non thiếu 45.242 GV, tiểu học thiếu 12.450 GV, THCS thiếu 4.486, THPT thiếu 9.763 GV. Đội ngũ GV cấp THCS và cấp THPT tuy về số lượng không thiếu nhiều như các cấp học dưới, nhưng còn chưa đảm bảo cơ cấu môn học, nhất là khi triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với một số môn học mới.

Thiếu nguồn tuyển

Ông Trần Văn Tân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, chia sẻ nỗi lo về tình trạng thiếu GV mà không có nguồn tuyển vì chuẩn trình độ đào tạo GV theo Luật Giáo dục 2019 quá cao (chuẩn giáo viên mầm non phải từ Cao đẳng trở lên, chuẩn giáo viên tiểu học là trình độ ĐH). Do vậy, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ xem xét hạ thấp tiêu chuẩn, tiêu chí tuyển dụng để giải quyết khó khăn về nguồn tuyển.

Theo đó, với vùng đồng bào dân tộc miền núi thì GV của bậc học mầm non có trình độ đào tạo là trung cấp, tiểu học nên trình độ cao đẳng. Quảng Nam có 9 huyện miền núi, hiện nay số lượng đăng ký dự tuyển GV mầm non, tiểu học thấp hơn so với chỉ tiêu tuyển dụng. “Rất mong Bộ có quy định mở riêng đối với khu vực miền núi, khắc phục tình trạng thiếu nguồn tuyển như hiện nay”, ông Tân nói.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng, dù Chính phủ đã có Nghị quyết về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, tuy nhiên vấn đề rất khó khăn hiện nay là không có nguồn để tuyển dụng hoặc ký hợp đồng làm việc do áp dụng quy định điều kiện về trình độ chuẩn của GV các cấp học theo Luật Giáo dục năm 2019 trong tuyển dụng.

Do đó, bà Thanh đề nghị Bộ nghiên cứu đề xuất về việc tuyển dụng sinh viên có bằng trung cấp sư phạm mầm non, và cao đẳng sư phạm tiểu học trong giai đoạn chuyển tiếp này. Sinh viên được tuyển dụng phải có cam kết tự học để nâng trình độ chuẩn đào tạo đến năm 2025, quá thời gian cam kết nếu không đạt chuẩn thì đơn vị có thể xem xét chấm dứt hợp đồng.

Không nên hạ chuẩn

Trước đề xuất hạ chuẩn đào tạo đối với giáo viên, GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng xu thế chung của thế giới là không hạ thấp chuẩn giáo viên. Tuy nhiên, nếu quả thật là cần một giải pháp tình thế để có nguồn tuyển thì cũng không nên sửa Luật Giáo dục. Vì sẽ là sai lầm nếu quan niệm lớp thấp thì trình độ giáo viên thấp, lớp cao thì trình độ giáo viên cao, logic này theo GS. Đinh Quang Báo là không đúng.

Ông ví von bằng hình ảnh thực tế không thế nói bác sĩ nhi thì cần trình độ thấp hơn bác sĩ lão khoa. “Theo tôi thấy thực tế, nguồn tuyển giờ rất nhiều. Chúng tôi giảng dạy ở trường sư phạm hằng năm vẫn trông chờ các địa phương thiếu giáo viên để sinh viên ra trường có việc làm. Nhưng thực tế nhiều sinh viên vẫn “ế”, GS. Báo nói.

Là đơn vị đào tạo, PGS.TS. Nguyễn Thành Nhân, Phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Huế cũng không đồng ý hạ chuẩn giáo viên. Vì hiện tại, chuẩn đầu vào mà Bộ GD&ĐT cho phép sẽ tạo ra đội ngũ giáo viên tốt cho sau này. Ngành y và sư phạm vẫn phải đảm bảo chất lượng đầu vào. Nếu đầu vào thấp, quá trình đào tạo rất mệt mỏi.

PGS. Nguyễn Thành Nhân cũng thừa nhận mấy năm nay khi Bộ GD&ĐT đặt điểm sàn cho ngành sư phạm, đúng là các trường có gặp khó khăn khi tuyển sinh. Bởi vì với mức điểm 18 – 18,5/tổ hợp xét tuyển, thí sinh có thể đỗ vào nhiều trường ĐH. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm nay, Chính phủ có chính sách hỗ trợ chi phí sinh hoạt và học phí đối với sinh viên sư phạm nên trường đã tuyển được số lượng gấp đôi năm trước.

PGS. TS Phùng Gia Thế, chủ tịch Hội đồng trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 khẳng định việc thiếu nguồn tuyển giáo viên ở một số địa phương hiện nay không cần hạ chuẩn đào tạo mà vấn đề là kích hoạt chính sách, vấn đề đãi ngộ đầu ra. Bằng chứng là dù mới chỉ kích hoạt chính sách hỗ trợ trong quá trình đào tạo mà trường cũng đã thấy có sự quan tâm đáng kể của người học, thí sinh trúng tuyển đã tăng lên. Đối với chuẩn đầu vào, ngành sư phạm theo PGS. Phùng Gia Thế, chỉ nhỉnh hơn so với những trường ở mức trung bình còn với những trường top trên, sư phạm vẫn còn ở rất xa. Chế độ chính sách thay đổi sẽ giải quyết được vấn đề này.

Còn GS. TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội thì cho rằng những năm qua, ngưỡng đảm bảo chất lượng với 2 ngành Y và Sư phạm, trong đó riêng với sư phạm đã bắt đầu có cơ sở để chọn lựa thí sinh có năng lực để đào tạo nguồn nhân lực tốt hơn cho đội ngũ giáo viên để thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục.

Bên cạnh đó, Nghị định 116 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm áp dụng từ năm học 2021-2022 trở đi là một là tín hiệu cực kỳ tích cực đối với hệ thống sư phạm. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm nay, có ngành điểm trúng tuyển lên tới 28 điểm, để thấy tác động của chính sách này là rất lớn.
Theo Báo Tiền Phong