Tổ chức thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM: Phụ huynh ngổn ngang khi sở lấy ý kiến

0
577

Cả nhà tôi tranh luận khi trả lời phiếu lấy ý kiến của Sở GD-ĐT TP.HCM trong việc cho con thi tốt nghiệp THPT. Tôi và bà xã đều không đồng ý nhưng con tôi quả quyết muốn thi đợt 1’…

Tổ chức thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM: Phụ huynh ngổn ngang khi sở lấy ý kiến - Ảnh 1.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6, TP.HCM) ôn thi tốt nghiệp THPT những ngày chưa giãn cách xã hội – Ảnh: NHƯ HÙNG

Đầu giờ chiều 28-6, Sở GD-ĐT TP.HCM có thông báo khẩn gửi các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên trực thuộc về việc lấy ý kiến phụ huynh học sinh lớp 12 về thi tốt nghiệp THPT ngày 7 và 8-7 theo lịch của Bộ GD-ĐT.

Theo đó, phụ huynh sẽ chọn 1 trong 3 phương án mà sở đưa ra là “Phụ huynh yên tâm và đồng ý cho con thi…”; “Phụ huynh không yên tâm nhưng vẫn đồng ý cho con thi…”; “Phụ huynh không yên tâm và không đồng ý cho con thi…”.

Ngoài ra, phụ huynh có thể góp ý thêm cho phương án tổ chức thi an toàn (nếu có). Việc khảo sát này kết thúc vào 19h cùng ngày.

Nỗi lòng phụ huynh

Ông Vũ Thanh Hùng – phụ huynh có con học Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 – kể: “Cả nhà tôi tranh luận khi trả lời phiếu lấy ý kiến của Sở GD-ĐT TP.HCM trong việc cho con đi thi tốt nghiệp THPT. Tôi và bà xã đều không đồng ý nhưng con gái tôi quả quyết muốn thi đợt 1.

Cháu nói nếu dịch bệnh kéo dài đến tháng 10 vẫn chưa thể thi tốt nghiệp đợt 2 thì sao? Lúc đó, các trường ĐH có chờ thí sinh thi đợt 2 không hay xét tuyển đủ chỉ tiêu để còn khai giảng năm học mới? Tôi đành chiều theo ý con gái, chọn phương án 2 mà sở đưa ra là phụ huynh không yên tâm nhưng vẫn đồng ý cho con thi”.

Ngoài ra, ông Vũ Thanh Hùng cũng đề xuất: “Phương án tốt nhất bây giờ là cho học sinh TP thi đợt 2 nhưng Bộ GD-ĐT phải có chỉ đạo dứt khoát, đồng bộ các trường ĐH không được phép tuyển sinh trước mà phải chờ đợt 2 thi xong mới được tuyển sinh”.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Sênh – phụ huynh ở tỉnh Quảng Nam có con học lớp 12 tại TP.HCM – phản ảnh: “Mấy hôm nay con tôi và cả gia đình tôi rất sốt ruột về việc thi tốt nghiệp THPT. Năm trước có khá nhiều học sinh phải thi tốt nghiệp đợt 2 do dịch bệnh, trong đó có con của bạn tôi.

Khi thi xong, lấy được phiếu điểm thì cháu cũng không còn nhiều cơ hội chọn lựa vào ĐH nữa do thời điểm ấy nhiều trường ĐH đã tuyển đủ chỉ tiêu rồi. Rút kinh nghiệm ấy, năm nay gia đình tôi có nguyện vọng cho con mình được thi đợt 1 dù tôi biết rằng thi trong giai đoạn này rất mạo hiểm”.

Phụ huynh ở các tỉnh có con học lớp 12 tại TP.HCM bộc bạch rằng họ đang sốt ruột và chờ tin tức hằng ngày về kỳ thi tốt nghiệp THPT từ TP.HCM.

“Tôi được giáo viên chủ nhiệm của con thông báo là trường đang chờ hướng dẫn của Sở GD-ĐT về phương án đón học sinh các tỉnh nếu có thi tốt nghiệp đợt 1. Nhưng cô chủ nhiệm lại lưu ý rất có thể các phụ huynh sẽ phải tự túc lo ăn ở trong những ngày con đi thi vì nhà trường không được phép đón học sinh vào ở nội trú” – bà Hoàng Thị Huệ, phụ huynh ở tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ.

Bà Huệ kể: “Tôi hoang mang lắm. Thật ra việc tự túc lo ăn ở thì cũng giống như ngày xưa tôi dẫn em gái mình lên TP.HCM để em thi ĐH. Tuy vậy, thời đó rất khác với bây giờ, nhất là TP.HCM đang trong giai đoạn giãn cách. Cô chủ nhiệm của con tôi nói rằng hiện nhiều khách sạn, nhà nghỉ ở TP.HCM đã đóng cửa, các quán ăn cũng đóng cửa gần hết. Ngay cả các chủ nhà trọ cũng sẽ rất ngần ngại khi tiếp nhận khách đến trọ trong vài ngày. Thế thì chúng tôi biết làm thế nào?”.

Sợ thiệt thòi cơ hội xét ĐH

Bà Lê Thúy Hòa – hiệu trưởng Trường THCS-THPT Thái Bình, quận Tân Bình – thông tin: “Trường chúng tôi đã gửi Sở GD-ĐT đề xuất phương án đón học sinh các tỉnh vào ở nội trú khi đi thi. Nếu có lo lắng thì sở nên đi kiểm tra từng trường tư thục. Trường nào có đầy đủ điều kiện đảm bảo giãn cách, đồng thời thực hiện tất cả các biện pháp phòng chống dịch thì nên cho phép trường đó thực hiện bán trú – trên tinh thần vì quyền lợi học sinh”.

Bà Lê Thúy Hòa nói thêm: “Tuần trước, trường chúng tôi đã tiến hành lấy ý kiến phụ huynh lớp 12 về thi tốt nghiệp đợt 1 bằng cách cho giáo viên chủ nhiệm liên lạc với từng phụ huynh. Kết quả là gần 100% phụ huynh đồng ý cho con em đi thi. Chỉ có vài phụ huynh có con đang ở trong vùng phong tỏa, cách ly là không được thi.

Các phụ huynh rất lo lắng về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP nhưng họ sợ nếu con mình không thi tốt nghiệp đợt 1 thì sẽ thiệt thòi trong việc xét tuyển vào ĐH. Nhiều người cho biết 12 năm bươn chải, lo cho con đầy đủ để con chú tâm vào đèn sách, chỉ mong con mình được vào ĐH. Nhưng nếu đợi đến đợt 2 mới thi tốt nghiệp thì học sinh sẽ mất nhiều cơ hội vào trường ĐH có chất lượng”.

Nhiều phụ huynh chấp nhận đưa con lên TP.HCM đi thi và khi trở về nhà bị cách ly 21 ngày. Chỉ một số phụ huynh đang làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước mới chấp nhận giao con cho trường tại các chốt kiểm dịch mà không phải đi vào địa phận TP.

Trong khi đó, ông Trần Văn Minh – phó hiệu trưởng Trường THCS-THPT Đào Duy Anh, quận 6 – phân tích: “Nếu các trường tư thục không được phép nhận học sinh vào nội trú trong những ngày thi tốt nghiệp thì phụ huynh sẽ phải tìm nhà trọ gần điểm thi.

Chẳng hạn học sinh các trường tư thục trên địa bàn quận 6 sẽ thi tại hai điểm thi thì phụ huynh sẽ phải tìm khách sạn ở gần hai điểm thi đó cho thuận tiện đi lại. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng các thí sinh, phụ huynh tập trung tại một số khách sạn nhất định gần hai điểm thi, trong khi công tác phòng dịch ở các khách sạn chưa biết có đạt yêu cầu hay không”.

Ngoài ra, ông Trần Văn Minh cũng cho hay: “Trong ngày 28-6, nhiều phụ huynh lớp 12 gọi điện cho tôi thắc mắc rằng nếu học sinh thi tốt nghiệp đợt 2 thì Bộ GD-ĐT có đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh khi xét tuyển vào ĐH không? Các trường ĐH sẽ dành bao nhiêu phần trăm chỉ tiêu tuyển sinh cho những thí sinh thi đợt 2?”.

Gợi mở giải pháp

Bà Hồ Thị Hồng Loan – phụ huynh Trường THPT Trần Văn Giàu, quận Bình Thạnh – ý kiến: “Trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, tôi cho rằng Bộ GD-ĐT nên cho phép TP.HCM thực hiện các biện pháp linh hoạt đối với học sinh lớp 12 năm nay.

Như con tôi đã tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM để xét vào ĐH. Việc thi tốt nghiệp chỉ để lấy bằng tốt nghiệp THPT. Do đó, Bộ GD-ĐT nên cho TP.HCM xét tốt nghiệp thay vì tổ chức thi, rất nguy hiểm trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, số ca nhiễm COVID-19 tăng liên tục”.

Bà Loan cũng phân tích xét tốt nghiệp THPT là giải quyết được 50% nhiệm vụ của kỳ thi 2 trong 1. 50% còn lại học sinh nào đã thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia thì dùng kết quả ấy để dự tuyển vào ĐH. Những trường nào dùng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh ĐH, CĐ thì nhẹ nhàng rồi. Còn những trường không muốn sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh thì có thể tổ chức kỳ thi riêng.

“Tôi chắc chắn rằng quy mô, số lượng thí sinh dự thi vào các trường ĐH này cũng nhỏ hơn rất nhiều so với kỳ thi tốt nghiệp THPT mà TP.HCM có đến gần 90.000 thí sinh dự thi. Vả lại, nếu có tổ chức thi thì các trường ĐH cũng phải tổ chức vào dịp khác chứ không phải dịp dịch bệnh căng thẳng này” – bà Loan nói thêm.

Kết quả thăm dò sơ bộ trên Tuổi Trẻ Online

Tính đến 20h30 ngày 28-6, thăm dò ý kiến về kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM năm 2021 nhận được 1.433 ý kiến của bạn đọc. Với câu hỏi “Dịch COVID-19 đang phức tạp, trong khi theo lịch ngày 7 và 8-7 tới, học sinh lớp 12 ở TP.HCM sẽ thi tốt nghiệp THPT đợt 1, theo bạn TP.HCM nên thi đợt 1, thi đợt 2 hay xét tuyển?”, kết quả có 268 người chọn vẫn thi đợt 1; 557 người bình chọn thi đợt 2 và 608 ý kiến “không thi, xét tuyển”.

“An toàn và an tâm mới tổ chức thi”

Ngày 28-6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP. Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Hiếu – phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – cho biết hiện nay ngành giáo dục đã đề xuất các phương án đảm bảo an toàn cho kỳ thi dự kiến diễn ra ngày 7 và 8-7 tới.

Theo ông Hiếu, Sở GD-ĐT TP.HCM có nhiều phương án tổ chức thi an toàn, trong đó thực hiện 5K ở khu vực thi. Kỳ thi lần 1 sẽ dành cho các thí sinh không nằm trong khu phong tỏa và thí sinh không thuộc F0, F1, F2… Độ an toàn của các điểm thi hiện nay rất cao, các điểm thi trang bị đầy đủ nước sát khuẩn; có lực lượng công an, tình nguyện viên, dân quân tự vệ đảm bảo không ùn tắc, tập trung đông đúc tại điểm thi. Ông Hiếu cho biết yêu cầu của lãnh đạo TP là vừa an toàn mà vừa an tâm thì mới tổ chức thi.

Hiện nay các cán bộ, giáo viên đã được ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19. Đồng thời, hơn 15.000 cán bộ coi thi và nhân viên phục vụ thi cùng hơn 88.000 thí sinh sẽ được xét nghiệm COVID-19… “Các thí sinh sau khi được xét nghiệm thì phải thực hiện đầy đủ biện pháp 5K, đến điểm thi và ở nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác, không ra đường khi không có việc cần thiết để đến ngày thi có sức khỏe hoàn toàn khỏe mạnh” – ông Hiếu nói.

Ngành giáo dục TP cũng đã khảo sát ý kiến của thí sinh và phụ huynh về việc thời gian tổ chức thi. Đến 19h ngày 28-6, các trường gửi báo cáo khảo sát, qua đó ngành giáo dục sẽ có ý kiến tham mưu với UBND TP. Những ngày tới, UBND TP sẽ tổ chức cuộc họp để có chỉ đạo về các phương án, thời gian tổ chức thi. Liên quan đến kỳ thi lớp 10, ông Dương Anh Đức cho biết Sở GD-ĐT TP dự kiến tổ chức vào cuối tháng 7 để đảm bảo hoàn tất công tác thi tốt nghiệp THPT.

Theo ông Đức, hiện nay TP đang có các kịch bản tổ chức thi cân nhắc theo tình hình dịch, nếu dịch bệnh phức tạp sẽ có phương án thay thế. Về thời điểm thi, ông Đức cho biết hiện nay TP chưa thống nhất. Trước kỳ thi 10 ngày, TP sẽ thông báo đến các thí sinh và phụ huynh.

TIẾN LONG – THẢO LÊ

* Long An: 3 phương án tổ chức thi

Ông Nguyễn Thanh Tiệp – giám đốc Sở GD-ĐT Long An – cho biết hiện tỉnh đã lên kế hoạch tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo nhiều phương án trong tình hình diễn biến dịch COVID-19 vẫn đang phức tạp.

Ngoài những nguyên tắc phòng chống dịch cho tất cả những người làm nhiệm vụ tổ chức thi, coi thi và thí sinh theo quy định của Bộ Y tế, Long An đề ra 3 phương án. Thứ nhất, thí sinh thuộc diện F0 không tham dự kỳ thi mà được xét đặc cách tốt nghiệp THPT hoặc tham gia thi đợt 2 (nếu có nguyện vọng). Thí sinh thuộc diện F1, F2 không tham dự kỳ thi vào ngày 7, 8-7 và sẽ tham gia thi đợt 2 theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Phương án 2 là các thí sinh dự thi không thuộc diện F0, F1, F2, các điểm thi tổ chức theo đúng kế hoạch thời gian quy định và chú ý bảo đảm công tác phòng chống dịch bằng cách phun thuốc khử khuẩn khu vực thi, phòng thi trước ngày 5-7. Với những địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo các chỉ thị của Chính phủ, nếu điểm thi không nằm trong khu vực bị phong tỏa, cách ly vẫn tổ chức thi theo các phương án trên.

Các điểm thi nằm trong khu vực bị phong tỏa, cách ly xã hội không tổ chức kỳ thi vào ngày 7, 8-7 và sẽ tổ chức thi vào đợt 2 theo quy định của Bộ GD-ĐT.

img_20210627_172031 1(read-only)

Học sinh ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang được đo thân nhiệt trước khi vào trường – Ảnh: HOÀI THƯƠNG

* Tiền Giang: test nhanh thí sinh, cán bộ làm công tác thi

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Mười – trưởng ban chỉ đạo – cho biết kỳ thi diễn ra trong tình hình dịch COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, công tác đảm bảo an toàn cho thí sinh và cán bộ coi thi được đặt lên hàng đầu.

Tất cả thí sinh, phụ huynh trong thời gian từ nay đến ngày thi tuyệt đối không được di chuyển tới vùng dịch, tiếp xúc người đến từ vùng dịch. Đối với danh sách các thí sinh thuộc diện F1, F2, F3 phải có ngày cụ thể bắt đầu thực hiện cách ly để xem xét đợt thi cho các thí sinh. Đối với các thí sinh F1 đã hoàn thành cách ly tập trung nhưng chưa đủ 28 ngày (kể cả 7 ngày cách ly tại nhà) sẽ dự thi vào đợt 2.

Ông Mười cũng yêu cầu Sở Y tế hỗ trợ test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho toàn bộ thí sinh và giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ tại các điểm thi và các ban của hội đồng thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (trước ngày 3-7). Trước đó, ngành giáo dục tỉnh Tiền Giang đã rà soát, lập danh sách các cán bộ tham gia kỳ thi và đã đề nghị ngành y tế triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các lực lượng coi thi với khoảng 2.576 cán bộ, giáo viên, nhân viên.

SƠN LÂM – MẬU TRƯỜNG