Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tuyển thí sinh cả nước

0
1125

Theo đề án tuyển sinh chính thức vừa được thông qua chiều 20.3, năm nay Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ bỏ quy định giới hạn hộ khẩu trong tuyển sinh.

Không còn giới hạn hộ khẩu
Theo phương án tuyển sinh được PGS-TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ký thì năm 2017 trường tuyển sinh trong phạm vi toàn quốc. Như vậy, trường đã bỏ quy định chỉ tuyển thí sinh (TS) có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM từng áp dụng trong nhiều năm. Điểm mới này được thực hiện trên tinh thần chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng trong buổi làm việc cuối tháng 2 vừa qua tại trường này.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo nhà trường, cho biết theo đề án trường sẽ không phân biệt chỉ tiêu và điểm chuẩn cho TS trong và ngoài TP.HCM. Trường xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia bằng tổ hợp toán – hóa – sinh, TS có điểm cao nộp hồ sơ vào trường sẽ được ưu tiên xét trước. Chế độ ưu tiên trong tuyển sinh (đối tượng và khu vực) trường sẽ áp dụng đúng như quy chế tuyển sinh trình độ ĐH và trình độ CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên của Bộ trong năm nay.
Chỉ tiêu giảm, điểm chuẩn tăng ?
Theo phương án tuyển sinh này, năm 2017 trường tuyển 1.200 chỉ tiêu (giảm 60 chỉ tiêu so với năm ngoái). Trong đó các ngành có sự điều chỉnh tăng giảm khác nhau.
Cụ thể, ngành y đa khoa tuyển 850 chỉ tiêu (giảm 100 so với 2016); bao gồm tuyển 650 chỉ tiêu dựa vào kết quả thi THPT quốc gia và 200 chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ sử dụng.
Tiêu chí phụ trong xét tuyển
Theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, phương án này còn có tiêu chí phụ dùng để ưu tiên xét tuyển thí sinh trong trường hợp đồng điểm. Theo đó, tiêu chí phụ đầu tiên là điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia môn ngoại ngữ hoặc điểm ngoại ngữ được phiên ngang theo quy định. Sau khi xét xong tiêu chí này mà vẫn xảy ra tình trạng đồng điểm, trường sẽ xét tiếp đến trung bình cộng điểm học tập 3 năm phổ thông của TS.
Riêng ngành khúc xạ nhãn khoa, TS cần phải có điểm kỳ thi THPT quốc gia môn tiếng Anh đạt từ 7 trở lên thì mới đủ điều kiện xét tuyển chính thức.

Trong khi đó, trường tăng nhẹ chỉ tiêu một số ngành gồm: răng hàm mặt từ 30 chỉ tiêu năm ngoái lên 50 năm nay, xét nghiệm y học tăng từ 35 lên 50 và kỹ thuật y học từ 35 lên 40. Các ngành còn lại chỉ tiêu giữ ổn định như năm ngoái gồm: điều dưỡng 150 (trong đó có 20 chỉ tiêu chuyên ngành gây mê hồi sức), khúc xạ nhãn khoa và y tế công cộng mỗi ngành tuyển 30 chỉ tiêu.

Việc mở rộng phạm vi tuyển sinh kết hợp với điều chỉnh chỉ tiêu chắc chắn sẽ tác động mạnh đến điểm trúng tuyển vào trường trong năm nay. Đặc biệt với ngành “nóng” nhất trong khối ngành nhóm y dược là y đa khoa. Do vậy, nhiều khả năng điểm chuẩn ngành này sẽ không còn ở mức khá mềm so với các trường có cùng ngành đào tạo như 24 điểm của năm 2015 và 22,8 điểm ở đợt 1 của năm 2016 (cùng ngành tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM năm 2015 là 28 và 2016 là 26,75 điểm).
Tự chủ tài chính, học phí sẽ tăng
Cũng theo thông báo này, mức học phí cụ thể cho năm học mới sẽ được công bố sau khi đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động phương án tự chủ tài chính giai đoạn 2017 – 2020 được UBND TP.HCM phê duyệt. Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà cho biết mức học phí dành cho sinh viên khóa mới dự kiến không phân biệt giữa TS trong và ngoài thành phố. Việc phân công nhiệm sở cho sinh viên khóa mới sau khi tốt nghiệp cũng được thực hiện theo đề án này. Nhưng với sinh viên các khóa cũ đang học tại trường vẫn sẽ được phân công công việc tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM.
Theo kiến nghị của trường với UBND TP.HCM trong buổi làm việc ngày 22.2, để nâng cao chất lượng, trường mong muốn được phép thực hiện tự chủ tài chính (phần chi thường xuyên). Hiện nay trường là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi hoạt động thường xuyên. Mỗi sinh viên thành phố đang học tập tại trường hiện được thành phố bao cấp một phần học phí (khoảng 10 triệu đồng/năm), sinh viên chỉ đóng 9 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, nếu đề án được thông qua thì học phí sẽ tăng lên.
Theo Thanh niên