Home Tin tuyển sinh Tuyển sinh 2020: Các trường sư phạm địa phương vẫn gặp khó

Tuyển sinh 2020: Các trường sư phạm địa phương vẫn gặp khó

0
519

Nhiều trường đại học (ĐH) đang chật vật tuyển sinh, nhất là với ngành đào tạo giáo viên tại các trường ĐH địa phương, dù Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ sinh viên.

Bức tranh tuyển sinh 2020 vẫn nhiều gam màu Ảnh: Như Ý
Bức tranh tuyển sinh 2020 vẫn nhiều gam màu Ảnh: Như Ý

1 thí sinh xác nhận nhập học/ngành

Trong đợt tuyển sinh bổ sung từ ngày 15/10, trường ĐH Đồng Nai tuyển 6 ngành. Trong đó, ngành sư phạm Vật lý và sư phạm Lịch sử tuyển bổ sung 26 chỉ tiêu, phân bổ đều cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ. Mỗi ngành này có 27 chỉ tiêu. Kết quả tuyển sinh đợt 1 công bố ngày 5/10, ngành sư phạm Vật lý có 3 thí sinh trúng tuyển, sư phạm Lịch sử 15 em nhưng hiện mỗi ngành mới chỉ có một thí sinh xác nhận nhập học.

Đây là năm thứ hai liên tiếp ngành sư phạm Vật lý và sư phạm Lịch sử tuyển sinh khó. Đợt một năm ngoái, 2 ngành này và ngành sư phạm Sinh học không tuyển được thí sinh nào. Số thí sinh đăng ký xét tuyển không đủ mở lớp (mỗi ngành tối thiểu phải có 10 thí sinh mới có thể mở lớp), nên trường phải nâng điểm chuẩn ở mức cao hơn xét tuyển cao nhất của thí sinh. Năm nay, trường không tuyển ngành sư phạm Sinh học, điểm chuẩn hai ngành còn lại ở mức bằng ngưỡng điểm sàn 18,5.

Cùng cảnh ngộ có trường ĐH Hồng Đức, Thanh Hóa. Theo đề án tuyển sinh, năm 2020, trường tuyển 20 chỉ tiêu cho mỗi  ngành sư phạm Hóa học, sư phạm Lịch sử. Điểm chuẩn theo phương thức lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT của trường bằng đúng điểm sàn do Bộ GD&ĐT quy định là 18,5. Nhưng, trong thông báo tuyển bổ sung, cả hai ngành vẫn cần tuyển 100% chỉ tiêu đã đưa ra. Ngành sư phạm Sinh học trường tuyển 25 chỉ tiêu, sau đợt 1 xét tuyển, trường vẫn phải tuyển bổ sung 20 chỉ tiêu nữa với mức điểm bằng điểm sàn.

Nâng điểm chuẩn để đánh trượt thí sinh

Theo điểm chuẩn xét kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT của trường ĐH Đà Lạt, ngành sư phạm Tin học bất ngờ có điểm chuẩn đến 24, cao nhất trường. Tuy nhiên, không có bất kỳ thí sinh nào trúng tuyển vào ngành này. Thực tế, ngành có một số nguyện vọng đăng ký nhưng vì số lượng quá ít nên trường xác định điểm sàn là 24 điểm để thí sinh đăng ký nguyện vọng điều chỉnh sang ngành khác. Tương tự, hai ngành sư phạm Sinh học và sư phạm Vật lý của trường ĐH Đà Lạt cũng có điểm rất cao so với mặt bằng điểm chuẩn của trường với mức 22 và 21. Tuy nhiên, mỗi ngành chỉ có 2 thí sinh trúng tuyển. Điểm sàn ngành sư phạm Sinh học được trường công bố ngày 18/9 cũng là 22, nhưng đến nay vẫn chưa có thí sinh nào nhập học.

Năm 2019, như Tiền Phong đã phản ánh, thí sinh N.M.Q. là nạn nhân bất đắc dĩ của trường ĐH Đồng Nai khi trường cố tình nâng điểm chuẩn thật cao để không thí sinh nào trúng tuyển. Với mức điểm chuẩn ngành sư phạm Vật lý là 24, Q. đã trượt ĐH vì sự nâng điểm này. Rất may sau đó, với sự hỗ trợ của Bộ GD&ĐT, Q. đã trúng tuyển vào ngành sư phạm Vật lý của trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Cũng trong năm 2019, một số trường ĐH khác đã phải nâng điểm để đánh trượt thí sinh. Trường ĐH Hùng Vương TPHCM ngành Công nghệ sau thu hoạch chỉ có 2 thí sinh xét tuyển, trong đó 1 em có điểm số gần 22, nên trường quyết định điểm chuẩn 22 để thí sinh này không trúng tuyển vào nguyện vọng 1 mà trúng vào nguyện vọng kế tiếp.

Theo các chuyên gia, dù đã có chính sách thu hút người học nhưng bức tranh tuyển sinh ở các trường ĐH có đào tạo ngành sư phạm tại các địa phương vẫn ảm đạm. Việc này liên quan nhiều yếu tố, từ chính sách đãi ngộ chưa tốt, cơ hội việc làm sau khi ra trường chưa nhiều, đến áp lực của nghề giáo. Với các ngành sư phạm hay những ngành khác khó tuyển sinh, các trường đều đã tính đến phương án dừng đào tạo.

Theo Báo Tiền Phong