Vì sao các đại học phụ thuộc kết quả kỳ thi ‘hai trong một’?

0
673

Dù đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh, hầu hết trường phụ thuộc rất lớn vào kỳ thi tốt nghiệp THPT bởi đây là cách tiết kiệm, hiệu quả và chưa thể thay thế.

Năm nay, Đại học Kinh tế quốc dân, trường nằm trong top đầu ở Hà Nội, có ba phương thức tuyển sinh gồm: Tuyển thẳng (chiếm 1-5% chỉ tiêu), xét kết quả thi tốt nghiệp THPT (khoảng 50%), còn lại xét tuyển kết hợp theo đề án riêng. Về bản chất, nguồn tuyển vẫn gắn chặt với kỳ thi tốt nghiệp THPT, bởi phương thức tuyển theo đề án riêng vẫn bao hàm tiêu chí “kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT”.

PGS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, phân tích sau năm 2012, khi Luật Giáo dục đại học được ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ kỳ thi đại học “3 chung”, các trường bắt đầu mở rộng tuyển sinh với nhiều phương thức. Từ năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, kỳ thi THPT quốc gia được chuyển thành tốt nghiệp THPT với mục tiêu chính là xét công nhận tốt nghiệp, đại học càng đẩy mạnh phương thức riêng.

Tuy nhiên, theo PGS Triệu, dù có thêm nhiều phương thức mới, các trường không thể “rời bỏ” kỳ thi tốt nghiệp THPT lập tức và hoàn toàn. Việc chọn phương thức tuyển sinh của trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó phải tạo được lòng tin của thí sinh, gia đình và xã hội, điều mà kỳ thi tốt nghiệp có. “Kỳ thi này vẫn mang tính quốc gia, là thước đo chung, về tổng thể là dễ tiếp cận. Nó còn đảm bảo được hầu hết tiêu chí của một kỳ tuyển sinh lớn”, ông Triệu nói.

Nếu như trước đây, kỳ thi “3 chung” xác định rõ mục tiêu xét tuyển đại học thì nay kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tốt nghiệp, tuyển sinh là thứ yếu. Phương thức cũ tốt cho tuyển sinh đại học hơn, nhưng không thể quay lại. “Hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn cơ bản gánh vác trọng trách tuyển sinh đại học mà 3 chung trao lại. Để hoàn thiện hơn, tôi hy vọng đề thi năm sau có tính phân hóa cao hơn”, ông nói.

TS Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng Đào tạo, Đại học Thủy lợi, cho rằng các trường có nhiều cách tuyển sinh, nhưng chọn cách nào cũng cần tính đến sự thuận lợi cho thí sinh. Nếu mỗi trường hay nhóm trường tuyển sinh theo một cách riêng, thí sinh và gia đình sẽ gặp áp lực, tốn kém tiền bạc. Chưa kể mỗi phương thức lại có một mặt bằng, tiêu chí riêng để đánh giá nên thí sinh cũng gặp khó để xác định năng lực của mình. Việc tổ chức thêm các kỳ thi riêng sẽ gây tốn kém cho xã hội.

“Điểm thi chỉ là một trong nhiều tiêu chí để đánh giá sinh viên có đủ năng lực theo học tại trường hay không. Các đại học đủ sức sàng lọc sinh viên không đạt trong quá trình học kéo dài 4-5 năm”, ông Thạc nói.

TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Nha Trang, cũng thừa nhận việc tự đứng ra tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng là vô cùng tốn kém cho đơn vị tổ chức, gây khó khăn cho thí sinh và phức tạp cho xã hội. Việc sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT là lựa chọn tối ưu khi chưa có nhiều phương thức có độ tin cậy và khách quan hơn.

Nhìn nhận một cách khách quan, ông Phương cho rằng công tác tổ chức kỳ thi “hai trong một” 7 năm qua có sự đổi mới để tốt hơn. Một số điều chỉnh lớn như chuyển kỳ thi THPT quốc gia sang kỳ thi tốt nghiệp THPT, thời gian thi được giảm từ 5 ngày xuống còn 2-3 ngày, phần lớn môn sang hình thức trắc nghiệm, việc chọn trường trước lựa chọn trường sau, điều chỉnh nguyện vọng từ một lần sang nhiều lần, từ khoảng 10 tổ hợp xét tuyển lên tới hơn 200 tổ hợp, tổng điểm ưu tiên từ 3,5 xuống còn 2,75.

Ngoại trừ khối trường đặc thù như Y dược hoặc trường top trên cần những yêu cầu đặc biệt cho thí sinh, hầu hết trường tuyển đủ chỉ tiêu đã là thành công. Do đó, cách tuyển từ kỳ thi này vẫn mang lại hiệu quả, được lựa chọn nhiều nhất với tỷ trọng chỉ tiêu cao nhất.

Thực tế các chuyên gia chỉ ra ở trên được biểu hiện rõ trong tổng thể tuyển sinh đại học 2021. Hầu hết khối trường Y dược, Sư phạm, Kinh tế, Kỹ thuật top trên dành tỷ lệ 80-90% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp. Với các trường có 3-6 phương thức, xét điểm thi tốt nghiệp vẫn chiếm 60-70%.

Ở phía Nam, hơn 60 trường có thêm phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức, nhưng chỉ tiêu thấp, chỉ 10-30%. Ở các trường thành viên đại học này, dù phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực được xác định 40-60% tổng chỉ tiêu, thực tế nguồn tuyển từ kỳ thi tốt nghiệp vẫn đáng kể. Chẳng hạn, Đại học Bách khoa tuyển 3.000 sinh viên phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT trong tổng số 5.000 chỉ tiêu, Đại học Khoa học Tự nhiên tuyển hơn 2.300 thí sinh trong số 3.600 chỉ tiêu.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 20201 tại TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 20201 tại TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa

Phân tích sâu về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, PGS Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, đánh giá “tốt, vừa sức thí sinh và có độ phân hóa nhất định”.

Ông Dũng không đồng tình quan điểm là điểm kỳ thi tốt nghiệp THTP quá cao, không phù hợp để tuyển sinh đại học. Trên thực tế, cả nước chỉ có một thí sinh được 30 điểm xét tổ hợp. Ba ngành đại học điểm chuẩn trên 30 trong đó có hai ngành ở khối công an và sư phạm. “Do chỉ tiêu ít, đặc thù được miễn học phí, được bố trí việc làm sau tốt nghiệp nên hút lượng lớn thí sinh, dẫn đến điểm chuẩn đẩy lên cao. Không nên lấy trường hợp cá biệt đánh giá chung kỳ thi”, ông giải thích.

Với tính chất tổ chức thi tại chỗ, không phải tốn tiền di chuyển, ăn ở như thời thi đại học, thí sinh ở vùng sâu, nông thôn khó khăn có cơ hội vào đại học ngang thí sinh ở thành thị. “Ngoài việc tiết kiệm chi phí cho trường, thí sinh, xã hội, tuyển sinh bằng kỳ thi này tạo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục đại học. Phương án tuyển sinh thì nhiều, nhưng không phải cách làm nào cũng tốt cho thí sinh như vậy”, ông Dũng nói.

Phương thức tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT giảm tối đa thí sinh ảo, mang lại hiệu quả lớn nhất. Với phương thức khác, chẳng hạn xét học bạ, số thí sinh ảo rất lớn, trúng tuyển rất nhiều nhưng nhập học không đáng kể. Do đó, theo ông Dũng, trước khi hoàn thiện được những trung tâm khảo thí độc lập để phục vụ tuyển sinh đại học, kết quả kỳ thi tốt nghiệp vẫn là lựa chọn tốt nhất và khó thay thế cho các trường.

Theo Báo VN Express