Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học lưu ý thí sinh, dự báo điểm chuẩn đại học sẽ tăng

0
550

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT dự báo một số khối ngành sẽ tăng điểm chuẩn cao hơn so với các khối còn lại do số lượng bài thi môn thành phần có điểm cao hơn đáng kể so với 2021. Việc một số trường tuyển sinh riêng, tuyển sinh bằng phương thức khác cũng sẽ góp phần khiến điểm xét tuyển nhích cao hơn 2021.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT đã chia sẻ với báo chí về những định hướng cho thí sinh trong mùa tuyển sinh năm nay.

Với phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay, theo bà dự kiến điểm chuẩn vào đại học năm sẽ như thế nào? Có tăng không khi các trường sử dụng nhiều phương án tuyển sinh?

Như thông tin Bộ GD&ĐT đã công bố trước đó, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tăng ở nhiều môn thi. Trong đó, số lượng bài thi đạt điểm cao cũng tăng thêm khá nhiều ở các môn như tiếng Anh, Ngữ văn, Giáo dục công dân, Sinh học…

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học lưu ý thí sinh, dự báo điểm chuẩn đại học sẽ tăng ảnh 1
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy

Điểm chuẩn xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT (điểm trúng tuyển) của các trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Kết quả thi tốt nghiệp THPT (điểm của các môn thi THPT là thành phần của tổ hợp xét tuyển), chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào một ngành, một chương trình đào tạo.

Điểm trung bình cao, số lượng bài thi có điểm 8 trở lên nhiều, dải điểm rộng hơn nên việc xét tuyển sẽ thuận lợi hơn như các trường dễ dàng trong việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào; các trường thuộc các nhóm tuyển sinh khác nhau đều không gặp khó khăn do các thí sinh tham dự thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển đại học, xét tuyển cao đẳng ngành Giáo dục mầm non (gọi chung là ĐH, CĐ) tăng khá so với năm trước.

Ngoài việc điểm một số môn thi cao hơn so với năm 2020, thì việc các trường đại học đã dành lượng chỉ tiêu tương đối cho các phương thức khác như xét học bạ, xét điểm đánh giá năng lực, bài thi chuẩn hóa quốc tế… nên tỉ lệ xét điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm nhất định. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến điểm xét tuyển vào đại học năm nay sẽ có thể nhỉnh hơn các năm trước.

Áp lực cho việc tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT có tăng lên hay không khi chỉ tiêu dành cho phương thức này thấp hơn các năm?

Với xu thế tự chủ tuyển sinh hiện nay, ngày càng nhiều cơ sở đào tạo tổ chức tuyển sinh riêng, hoặc tham gia tuyển sinh theo nhóm, nên tỷ lệ chỉ tiêu dành cho đối tượng xét tuyển bằng điểm thi THPT sẽ giảm so với các năm trước là tất yếu và đã nằm trong lộ trình biết trước.

Trong Đề án tuyển sinh đăng tải trên trang web của trường, cơ sở đào tạo đã công bố các phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh bằng học bạ, thi đánh giá năng lực, xét tuyển thẳng… bên cạnh chỉ tiêu tuyển sinh bằng điểm thi THPT. Thực tế, có nhiều học sinh đã đạt điều kiện cần để trúng tuyển đại học trước khi thi tốt nghiệp THPT – điều kiện đủ để nhập học. Với sự minh bạch thông tin này, thí sinh được chuẩn bị trước về tâm lý và nhiều em đủ điều kiện đã có lựa chọn về trường và ngành học tập cho mình ngay từ đầu, do đó việc trúng tuyển không còn phụ thuộc nhiều vào điểm thi THPT.

Thống kê cho thấy, năm 2021, các trường dành chỉ tiêu xét tuyển cho các phương thức khác nhiều hơn các năm, tuy nhiên, việc xét tuyển theo phương thức khác phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: chỉ tiêu, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển, chất lượng nguồn tuyển, số thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học,… Nguồn tuyển sinh là hữu hạn, thí sinh xét tuyển bằng phương thức khác đã trúng tuyển và xác nhận nhập học thì không tham gia xét tuyển ở các trường khác. Các trường phải nhập danh sách các thí sinh đã xác nhận nhập học lên hệ thống. Các thí sinh này sẽ không tham gia để xét tuyển đợt 1 bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT và đương nhiên các thí sinh này không làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh của phương thức xét tuyển theo kết quả tốt nghiệp THPT.

Những lý do trên đã giảm bớt áp lực xét tuyển đại học bằng điểm thi THPT, dù chỉ tiêu dành cho phương thức này giảm đi so với các năm trước.

Thí sinh cho rằng mức độ khó – dễ quá chênh lệch giữa các môn trong tổ hợp sẽ gây khó khăn cho thí sinh trong việc đổi nguyện vọng, bà đánh giá thế nào về điều này?

Quy định xét tuyển của các trường là rất đa dạng và nhiều lựa chọn. Các trường đều quy định chỉ tiêu cho từng tổ hợp xét tuyển trong một ngành; một số trường quy định chi tiết độ lệch điểm giữa các tổ hợp xét tuyển; vì vậy, rất khó có một định hướng chung cho việc lựa chọn tổ hợp nào để ưu tiên đăng ký xét tuyển.

Tuy nhiên, Quy chế chuyển sinh hiện hành cho phép thí sinh được quyền đăng ký xét tuyển không giới hạn số lượng nguyện vọng (mỗi tổ hợp vào một ngành là một nguyện vọng). Các trường căn cứ vào điểm từ cao xuống thấp để xét tuyển chứ không căn cứ vào thứ tự nguyện vọng để xét tuyển (trừ trường hợp có nhiều thí sinh cùng mức điểm ở cuối danh sách); vì vậy thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng nhiều tổ hợp vào một ngành. Để có lợi thế, các em nên lựa chọn những tổ hợp có môn thi đạt điểm cao khi tham gia xét tuyển.

Với việc áp dụng CNTT trong xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh có nhiều cơ hội (nhiều lần) để thay đổi nguyện vọng một cách phù hợp, chính xác nhất dựa trên kết quả thi THPT của mình.

Bà có lời khuyên nào dành cho thí sinh trong việc chọn nghề để sau 4-5 năm học đại học, ra trường họ có thể yên tâm với lựa chọn của mình?

Với sự phát triển của khoa học, công nghệ, đặc biệt là Cách mạng công nghệ 4.0, trong tương lai sẽ có những nghề mới xuất hiện, đồng thời sẽ có một số nghề cũ mất đi. Vì vậy, thí sinh cần tham khảo thông tin tư vấn tuyển sinh từ các báo cáo phân tích, dự báo, từ phương tiện thông tin đại chúng, từ nhà trường, thầy cô giáo và các chuyên gia; đặc biệt cần lưu ý đến các ngành nghề đặc thù, các ngành công nghệ cao mũi nhọn,… được nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển; đồng thời, phải cân nhắc khả năng, sở trường của mình để chọn ngành nghề, hướng đi phù hợp trong tương lai.

Ngành nghề thu nhập tốt và nhiều triển vọng có liên hệ mật thiết tới thực tiễn phát triển của nền kinh tế – xã hội. Do vậy, các em thí sinh cần thêm thông tin dự báo triển vọng của các ngành nghề trong 4-5 năm tới (từ các bộ ngành, địa phương, từ các đơn vị nghiên cứu, dự báo chiến lược…) để khi các em ra trường thì ngành nghề mình học vẫn có cơ hội phát triển.

Cảm ơn bà!