Xử lý gian lận thi cử: Những trì hoãn và thoái thác khó hiểu

0
1066

Theo dõi tiến trình xử lý vụ gian lận thi cử tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, người ta không thể không thấy một sự trì hoãn nhận lãnh trách nhiệm cụ thể của các bên, đặc biệt là Bộ GD-ĐT.

Tới nay, mọi chứng cứ về vụ tiêu cực thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La… đều đã khá rõ ràng.

Dù đây chẳng phải lần đầu xảy ra gian lận thi cử, nhưng quy mô của vụ việc, mức độ của sự bất công, sự rõ ràng của các chứng cứ và phản ứng của công luận… cho thấy vụ tiêu cực thi cử lần này vượt xa mọi thời đại.

Nhưng theo dõi tiến trình xử lý vụ việc, người ta không thể không thấy một sự trì hoãn nhận lãnh trách nhiệm cụ thể của các bên, đặc biệt là Bộ GD-ĐT – là nơi chịu trách nhiệm cao nhất về việc quản lý người trong ngành và đã để xảy ra sự việc.

Có ba bên liên quan trong vụ việc này. Một là những người trực tiếp tổ chức, quản lý, thực hiện việc sửa điểm. Hai là những người trả tiền (hoặc thứ gì khác, như quyền thế hay ân huệ) để được sửa điểm. Ba là học sinh. Tức là bên mua, bên bán, và bên thụ hưởng.

Về phía trách nhiệm xử lý vụ việc và xử lý những nhân vật liên quan có Bộ GD-ĐT, cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án. Nhìn rộng hơn, Quốc hội với tư cách là cơ quan đại diện của dân, cũng cần có trách nhiệm giám sát việc thực thi pháp luật và xử lý vụ tiêu cực nghiêm trọng chưa từng có này.

Đã có nhiều thảo luận về mức độ trách nhiệm của các bên, và những điều luật cụ thể nào họ đã vi phạm, mức án nào luật đã định, những tác hại nào họ đã gây ra… Nhưng cho đến nay, câu chuyện vẫn chưa kết thúc và vẫn chưa có kết quả xử lý cụ thể.

Theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ THCN, Bộ GD-ĐT giao cho các sở GD-ĐT Hòa Bình, Sơn La tự đi giải quyết với các trường ĐH, còn các trường ĐH tự lên phương án xử lý (mà các phương án xử lý này lại gây tranh cãi, chẳng hạn đuổi học hay không đuổi học những thí sinh có điểm thi sau khi chấm lại vẫn còn cao). Câu hỏi đặt ra là tại sao.

Điểm lại tiến trình

Bắt đầu từ 11-7-2018, khi điểm thi THPT quốc gia 2018 được công bố cho thấy dấu hiệu bất thường, tính đến nay, đã có 4 tỉnh bị điều tra và 3 tỉnh cho thấy chứng cứ về sai phạm (Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang). Đã có 222 trường hợp sửa điểm bị phát hiện, 16 nghi phạm bị bắt và khởi tố.

Bảng tóm tắt dưới đây cho chúng ta một hình dung về tiến trình sự việc.

Khoảng lặng trong xử lý

Nhìn vào các mốc thời gian trên đây, có thể thấy một khoảng thời gian khá dài từ lúc có kết quả chấm thẩm định và/hoặc kết quả điều tra đến lúc có hình thức xử lý cụ thể với những người liên quan.

Mặc dù đã có 16 người bị tạm giam và khởi tố từ tháng 8-2018 đến nay, chưa có trường hợp nào được đem ra xét xử ở tòa án. Bộ GD-ĐT cũng không có hướng dẫn chính thức nào đối với các trường về việc xử lý thí sinh có điểm gian lận và những phụ huynh mua điểm là người trong ngành.

Mãi đến ngày 22-4-2019, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ mới nêu quan điểm về việc xử lý sai phạm này. Quan điểm của bộ trưởng là phụ huynh mua điểm nếu là người trong ngành giáo dục thì các địa phương cần xử lý nghiêm, đưa ra khỏi ngành (việc này thuộc thẩm quyền Bộ Nội vụ và các địa phương theo phân cấp), còn xử lý thí sinh thì thuộc thẩm quyền của các trường.

Cần nói thêm là trong Quy chế thi THPT hiện nay của Bộ chưa có chỗ nào nói rõ về việc xử lý những trường hợp bài thi bị (người khác) can thiệp sau khi đã nộp bài, cho nên mới gây ra tranh cãi về việc có được phép sử dụng điểm sau khi thẩm định hay coi đây là trường hợp vi phạm quy chế và hủy hoàn toàn.

Nhưng để xảy ra một vụ tiêu cực nghiêm trọng chừng ấy, lẽ nào Bộ GD-ĐT không có chút trách nhiệm nào, không nợ nhân dân một lời xin lỗi?

Về phía địa phương, các Sở với tư cách là cơ quan chuyên môn có trách nhiệm tham vấn cho chính quyền địa phương, cũng không có một động thái rõ ràng nào cho thấy hướng xử lý đối với phụ huynh mua điểm.

Trong vụ tiêu cực tương tự xảy ra ở Mỹ, các phụ huynh lập tức bị tống giam, phải đóng tiền tại ngoại hầu tra, và khả năng bị xử án tù là rất cao, thì Việt Nam chưa có động thái nào đối với họ. Cơ quan điều tra cũng chưa nêu ra kết luận hay bằng chứng cụ thể nào về việc chạy điểm của phụ huynh.

Ngay việc công bố danh tính phụ huynh cũng chưa phải là một chủ trương chính thức của cơ quan điều tra. Điều này cũng dễ hiểu, vì những nhân vật này bao gồm từ lãnh đạo UBND tỉnh đến lãnh đạo các sở, trong đó có lãnh đạo sở GD-ĐT và các vị trí tương đương… Không ít nhân vật liên quan là người có chức vụ của ngành công an.

Trong bối cảnh đó, không có gì lạ khi các Sở lúng túng. Cho đến nay, các Sở GD-ĐT và chính quyền ở những địa phương xảy ra vụ việc vẫn chưa có phát biểu nào cho biết quan điểm của họ trong việc xử lý những cá nhân sai phạm.

Những gì đang đặt trên cán cân công lý?

Tình hình đó khiến ta buộc phải nhớ tới một số vụ án gần đây thu hút sự quan tâm lớn của công chúng, liên quan tới các bị cáo là cựu quan chức, với mức án làm công luận “chưng hửng” hoặc cách xử lý nhẹ nhàng.

Thật khó mà không liên tưởng đến câu “dân không xử theo lễ, quan không xử theo hình” (Lễ bất hạ thứ nhân, hình bất thượng đại phu, tức “Lễ không xuống đến dân đen, hình không lên đến quan lớn”) của thời phong kiến. Nó đi ngược lại nguyên tắc căn bản của xã hội pháp trị, là mọi người phải được bình đẳng trước pháp luật.

Việc xử lý những bên liên quan, bao gồm cả những người phạm pháp đã bị khởi tố, phụ huynh mua điểm, và thí sinh với tư cách hưởng lợi từ sự gian lận, đang diễn ra rất chậm. Thậm chí chỉ một phát biểu quan điểm của những người có trách nhiệm xử lý để thấy hướng giải quyết vấn đề, công chúng cũng vẫn đang phải chờ đợi.

Vậy thì những gì đang đặt trên cán cân công lý, khiến người ta phải ngại ngần mãi khi đề cập đến nó?

Những ai từng tham gia công tác thi cử đều biết những quy định liên quan phức tạp và nghiêm ngặt đến mức nào. Người ra đề bị “giam” cho tới khi mở đề. Bài thi, phòng chứa bài thi được niêm phong, có công an bảo vệ, có thanh tra thi của bộ GD-ĐT túc trực.

Khu chấm thi “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Phiếu kết quả trắc nghiệm của thí sinh được chụp ảnh. Cả một hệ thống qui chế ngặt nghèo thế vẫn không ngăn nổi gian lận, sửa điểm. Vì thế vụ sửa điểm hàng loạt trên 4 tỉnh vừa qua phải có sự góp tay từ công an, hội đồng chấm, thanh tra cho đến những người mua điểm.

Đưa ra ánh sáng những gian lận này là một hành động đáng khích lệ của cơ quan điều tra và của Bộ GD-ĐT, nhưng việc xử lý chậm chạp và mù mờ như vậy lại khiến nảy sinh những hoài nghi và thuyết âm mưu tai hại.

“Công lý đám đông” đang trở thành một xu hướng đáng ngại khi người dân không còn tin vào sự công minh của luật pháp. Còn ai muốn học tập và phấn đấu, nếu họ biết chắc rằng dù họ có giỏi đến đâu thì chỗ ngồi của họ trong trường ĐH và cả tương lai của họ có thể bị cướp mất dễ dàng bởi những người có tiền và có quyền?

Cần phải đặt thêm lên bàn cân công lý sự còn mất về niềm tin của 90 triệu người dân với hệ thống giáo dục và thi cử của nước nhà, và với hệ thống pháp luật. Cần đặt thêm lên bàn cân động lực học tập và phấn đấu của thế hệ trẻ, cũng như chất lượng của nguồn nhân lực tương lai.

Và nếu sự ổn định của xã hội được xem là một yếu tố quan trọng, thì lòng dân là nền tảng mạnh nhất tạo ra một xã hội ổn định. Nếu sự còn mất của chế độ chính trị hay của chính quyền được coi là một nhân tố phải xem xét trên bàn cân công lý, thì tính chính đáng của thể chế phải được củng cố trên cơ sở bảo vệ tính chính trực của giáo dục và sự công bằng của luật pháp.