Băn khoăn về thi trung học phổ thông quốc gia trên máy tính

0
872

“Những thí sinh có điều kiện tiếp xúc với máy tính từ sớm sẽ thao tác thành thạo, có nhiều thời gian để làm bài hơn. Chưa kể, sự cố trong hệ thống máy tính cùng sẽ là những bài toán cần tìm lời giải nếu áp dụng thi trên máy tính” – PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh.

Thi trên máy tính, thi nhiều đợt trong năm là điểm mới trong phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng sau năm 2020 được Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Chính phủ.

Về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh nhận định: “Phương án thi nào cũng có ưu điểm, nhược điểm. Mấy năm nay chúng ta áp dụng công nghệ rất nhiều nhưng không nên duy ý chí, bởi có những vùng sâu, vùng xa còn rất khó khăn. Nếu áp dụng hình thức thi trên máy tính, chúng ta phải tính đến yếu tố này và chấp nhận sẽ vẫn có một bộ phận học sinh làm bài thi trên giấy. Mục tiêu lớn nhất của kỳ thi là tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh, phụ huynh”.

Theo ông Dũng, ưu điểm của thi trên máy tính là có kết quả tức thì, có thể tổ chức thi nhiều lần trong năm, không phải tổ chức hội đồng thi rườm rà, phức tạp, có thể giảm tiêu cực trong thi cử. Tuy nhiên, việc này cũng tạo nên những lo ngại như cơ sở vật chất không đồng đều, trình độ không tương xứng ở các địa phương.

“Thí sinh ở thành phố được sử dụng máy tính nhiều hơn nên thao tác thành thạo hơn, có thời gian làm bài sẽ nhiều hơn so với các em ở vùng nông thôn, miền núi khó khăn. Cùng với đó, số lượng máy tính khó đáp ứng nhu cầu thực tế, nếu để công ty bên ngoài hỗ trợ thì không khả thi. Chưa kể, nếu máy tính bị trục trặc cũng sẽ phần nào làm ảnh hưởng đến quyền lợi, tâm lí của thí sinh. Ngoài ra, nếu cả nước có hàng chục nghìn phòng thi thì sẽ phải thêm rất nhiều người trực phần mềm thi, yêu cầu về chuyên môn, trình độ công nghệ thông tin của giám thị cũng phải cao hơn. Mình đang sử dụng công nghệ để giảm sự tham gia của con người nhưng khi đưa công nghệ vào lại xuất hiện thêm một số nhân tố, con người mới thì những người dùng phần mềm đó có để xảy ra tiêu cực không?” – ông Dũng nêu thách thức và nhấn mạnh dù hình thức thi thế nào thì nội dung mới là yếu tố quyết định.

“Khâu ra đề thi, ngân hàng câu hỏi vẫn là yếu tố quan trọng nhất”, ông Dũng nói.

Nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhận định, dự thảo phương án đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục, giảm áp lực cho xã hội rất lớn cả về tư tưởng, kinh tế; đảm bảo khách quan, học sinh học toàn diện, không học tủ học lệch. Tuy nhiên để triển khai cần chuẩn bị về địa điểm thi, hạ tầng, trang thiết bị. Cùng với đó là xây dựng ngân hàng đề – đây là việc khó, cần huy động trí tuệ rộng rãi của các chuyên gia, giáo viên, ngay cả học sinh vừa tốt nghiệp, học sinh giỏi đã qua các kỳ thi, không nên chỉ gói gọn trong các thầy cô.

“Với đề xuất phương án thi THPT sau 2020, Bộ GDĐT cần chuẩn bị tốt năng lực của đội ngũ nhân sự tham gia làm đề thi, cân nhắc vai trò của Bộ và địa phương trong tổ chức kỳ thi” – bà Doan chia sẻ.