Bước chuyển dài của giáo dục Đại học

0
471

– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực đã luật hóa tinh thần tự chủ đại học. Đây là bước tiến rất dài, bước chuyển mang tính lịch sử, đem đến luồng gió mới cho giáo dục ĐH.

Kể từ khi tự chủ, công tác tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh luôn thành công với điểm đầu vào cao kỷ lục. Ảnh minh họa: ITKể từ khi tự chủ, công tác tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh luôn thành công với điểm đầu vào cao kỷ lục. Ảnh minh họa: IT

Bước chuyển mình khả quan

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, sau 3 năm tự chủ toàn diện và triệt để, nhà trường đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Theo đó, công tác tuyển sinh thành công với điểm đầu vào cao. Lần đầu tiên robot, trí tuệ nhân tạo và big data được sử dụng trong công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp. Đặc biệt, công tác bảo đảm chất lượng tiếp tục lập kỷ lục mới với 14 chương trình đào tạo chuẩn quốc tế AUN-QA. 85% sinh viên tốt nghiệp chưa nhận bằng đã có việc làm. Quan hệ giữa nhà trường với doanh nghiệp ngày càng khởi sắc. Theo đó, doanh nghiệp hợp tác với trường trong mọi hoạt động, với số tiền tài trợ đạt kỷ lục 15 tỷ đồng trong lễ khai giảng.

“Nhà trường tiếp tục đi đầu trong xu thế mới Caring Higher Education: Chăm sóc phụ huynh, tân sinh viên nhập học, lập quỹ máy tính, xe máy cho sinh viên nghèo. Hiện, nhà trường hỗ trợ 35 trường THPT, THCS thành lập Câu lạc bộ STEM và tổ chức các cuộc thi khoa học kĩ thuật. Tổ chức trại hè sáng tạo kỹ thuật đầu tiên cho học sinh các trường chuyên” – PGS Đỗ Văn Dũng cho hay – đồng thời thông tin: Số PGS, TS của trường đạt kỷ lục. Số bài báo ISI tăng gấp đôi, cán mốc 110 bài năm học 2019 – 2020.

Có thể nói, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật này đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học tăng cường tự chủ, sáng tạo, cạnh tranh và phát triển, đáp ứng yêu cầu thị trường và hội nhập quốc tế; đồng thời nâng cao hiệu quả tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học.

Theo báo cáo kết quả sơ bộ của Bộ GD&ĐT, kể từ khi Luật số 34 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP có hiệu lực, có bước chuyển khả quan, với những tác động tích cực đến nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH) như: Thủ tục hành chính để mở ngành đào tạo giảm bớt, thời gian mở ngành được rút ngắn hơn đã giúp các trường chủ động trong đào tạo, tận dụng cơ hội mở các ngành mới, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của xã hội. Các trường cũng tích cực thay đổi nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy tiên tiến, tiếp cận với chuẩn đào tạo và chương trình đào tạo quốc tế.

Về công tác tuyển sinh, các trường tự chủ nhanh chóng thích ứng, thay đổi định hướng đào tạo ở các hệ khác nhau. Quy mô đào tạo chính quy đại trà có phần suy giảm trong khi chương trình tiên tiến, chất lượng cao tăng nhanh. Cùng với đào tạo, NCKH là nhiệm vụ trọng tâm không thể tách rời của trường. Trên cơ sở được giao quyền tự chủ, cơ sở GD chủ động hơn trong việc quyết định hướng nghiên cứu và tham gia nhiệm vụ khoa học công nghệ. Đặc biệt, số lượng đề tài NCKH cấp trường tăng mạnh. Các công trình khoa học được đăng tải trên  tạp chí chuyên môn nước ngoài tăng lên.

Giờ thực hành của sinh viên Trường ĐH Thể dục Thể thao Bắc Ninh. Ảnh: NTCC

Tự chủ gắn liền với đổi mới quản trị

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Tự chủ tổ chức bộ máy và nhân sự được đa số lãnh đạo các trường nhìn nhận là khâu then chốt trong quá trình tự chủ. Chính vì thế, nhiều trường đã thông suốt việc tự chủ đại học phải gắn liền với đổi mới quản trị đại học, trong đó phải thực hiện ngay việc thành lập hội đồng trường, tái cấu trúc lại bộ máy. Nâng cao chất lượng nhân sự trong mối tương quan với mục tiêu chiến lược giúp nhà trường thích ứng tốt hơn với những thay đổi của môi trường và tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Cơ chế tự chủ đại học cũng tác động tới tình hình tài chính. Nhìn chung, các trường bảo đảm được toàn bộ chi hoạt động thường xuyên, thực hiện trách nhiệm xã hội với người học; miễn giảm học phí cho đối tượng chính sách; trích lập quỹ học bổng khuyến khích theo quy định… Các trường đã trích lập quỹ đầu tư phát triển sự nghiệp, quỹ khen thưởng, phúc lợi, ổn định thu nhập. Thu nhập của người lao động tăng lên rõ rệt so với thu nhập bình quân giai đoạn trước. Đồng thời, tạo điều kiện cho các trường chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.

Phát biểu tại Hội thảo Tự chủ trong giáo dục đại học – từ chính sách đến thực tiễn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, chúng ta mới thực hiện đổi mới tự chủ đại được một bước. Do đó, trước mắt là quá trình dài. Quan trọng là chúng ta đã xác định đúng hướng, phải tiếp tục thực hiện, trong đó có một số điểm cốt lõi cần lưu ý. Trước hết, tự chủ đại học phải đi từ chuyên môn học thuật với mô hình quản trị tiên tiến để lan tỏa ra ngoài xã hội, nâng cao tính dân chủ, tính khoa học.

Tự chủ đại học gắn với giải trình, không chỉ với cơ quan nhà nước mà cả HSSV, cán bộ nhân viên, giảng viên trong nhà trường, phụ huynh và toàn xã hội. Thực hiện tự chủ đại học không phải là Nhà nước không đầu tư thêm, bởi thực tế nhiều trường đại học đã tự chủ nhưng vẫn được Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng. Đồng thời, Chính phủ đã và đang chỉ đạo Bộ GD&ĐT, Tài chính, quyết liệt hơn trong xây dựng cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo bằng ngân sách.

Cơ chế tự chủ đại học giúp nhà trường năng động hơn. Nhà trường đã đầu tư 12 phòng thí nghiệm với giá trị hơn 200 tỷ. Các công trình phục vụ sinh viên và cán bộ viên chức liên tục ra đời như: Công viên trung tâm, khu thể thao cho cán bộ và câu lạc bộ cho sinh viên, khu tự học kí túc xá. Qua đó nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng các nhu cầu về học tập, vui chơi, giải trí cho người học. – PGS.TS Đỗ Văn Dũng