Cộng điểm ưu tiên – chỉnh nhiều lần vẫn chưa hợp lý

0
521

Sau nhiều lần thay đổi, cơ chế cộng điểm ưu tiên khu vực vẫn bộc lộ nhiều bất cập khiến các chuyên gia đề xuất sửa đổi tổng thể hoặc thay thế.

Dự thảo quy chế tuyển sinh 2022 quy định điểm cộng ưu tiên khu vực trong xét tuyển đại học chỉ áp dụng với thí sinh tốt nghiệp THPT năm nay. Đây không phải lần đầu Bộ điều chỉnh chính sách này.

Theo quy định, thí sinh học liên tục và tốt nghiệp trung học tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó.

Giai đoạn 1989-1998, có ba khu vực ưu tiên gồm 1, 2 và 3. Từ 1999 đến nay, có bốn khu vực ưu tiên gồm khu vực 1 (KV1), khu vực 2 nông thôn (KV2-NT), khu vực 2 (KV2) và khu vực 3 (KV3).

Về mức điểm ưu tiên, có ba mốc thay đổi quan trọng. Từ 2003 trở về trước, mức chênh lệch giữa hai khu vực kế tiếp là một điểm, tức thí sinh được cộng tối đa ba điểm. Từ 2004 đến 2017, hai khu vực kế tiếp chênh nhau nửa điểm, thí sinh được cộng tối đa 1,5 điểm. Từ 2018 đến nay, thí sinh chỉ được cộng tối đa 0,75 điểm.

Theo các chuyên gia tuyển sinh, dù được Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi theo hướng siết chặt, giảm mức ưu tiên, chính sách cộng điểm khu vực vẫn bộc lộ nhiều bất cập.

Nhà ở huyện Xuân Lộc, Đồng Nai nhưng Phương (19 tuổi) lên TP HCM theo học tại một trường tư thục từ 2018. Năm ngoái, Phương đăng ký xét tuyển ngành Y khoa. Nữ sinh đạt 27,7 điểm tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh), trượt ngành Y khoa Đại học Y Dược TP HCM (điểm chuẩn 28,2).

Tra danh sách trúng tuyển ngành Y khoa, Đại học Y Dược TP HCM, Phương nhẩm tính, khoảng hai phần ba trong số hơn 300 thí sinh trúng tuyển được cộng điểm ưu tiên khu vực từ 0,25 đến 0,75 điểm. Tức là, nếu không có chính sách cộng điểm, Phương có thể đã trúng tuyển.

Vẫn đỗ vào ngành này ở một trường khác, nên Phương không quá thất vọng. Tuy nhiên, sau gần một năm học, quen nhiều bạn mới, Phương nhận ra nhiều người trong số đó từng được cộng điểm ưu tiên khu vực. Một số bạn điều kiện gia đình khá, được học ở các trường THPT loại tốt ở các tỉnh nhưng vẫn được cộng điểm. Số khác có hoàn cảnh thực sự khó khăn ở nông thôn, miền núi.

Nữ sinh cho rằng, cách xác định khu vực ưu tiên hiện nay chưa hợp lý. “Mấu chốt là phải xác định người xứng đáng hưởng ưu tiên chứ không nên cộng đều theo khu vực”, Phương đúc kết.

Nhận định của nữ sinh ngành Y cũng là trăn trở của nhiều chuyên gia, nhà giáo trong mỗi mùa tuyển sinh. Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du, TP HCM cho rằng, khoảng cách đời sống kinh tế, giáo dục giữa các khu vực hiện đã thu hẹp.

Theo thầy Phú, việc xác định theo khu vực hiện khá rộng, trên phạm vi một huyện, thậm chí một tỉnh. Trong khi đó, cùng một địa bàn, các trường THPT có điều kiện, chất lượng dạy học khác nhau.

“Cộng điểm một cách đại trà dẫn đến việc ưu tiên không đúng người. Mục tiêu cao nhất của tuyển sinh là chọn được người giỏi nhất nên cần bãi bỏ các điều kiện ưu tiên”, thầy Phú nói.

Theo ông, để giúp thí sinh khó khăn ở nông thôn, miền núi, các đại học có thể có thể áp dụng chính sách tuyển sinh riêng với số lượng chỉ tiêu nhất định. Địa phương cũng có thể cấp ngân sách cho những em có năng lực theo diện cử tuyển. Cách này tạo cơ hội học tập công bằng và không gây xáo trộn tuyển sinh.

Đồng quan điểm, PGS TS Nguyễn Thiện Tống, Nguyên chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách khoa TP HCM, cho rằng nội dung kỳ thi tốt nghiệp THPT phần lớn nằm trong chương trình phổ thông, không nhiều câu hỏi nâng cao. Do đó, việc cộng điểm ưu tiên không mang nhiều ý nghĩa.

Ông Tống ủng hộ ưu tiên cho thí sinh thực sự giỏi và có hoàn cảnh khó khăn. Về lâu dài, các đại học phải nghiên cứu, đối sánh kết quả đầu vào, đầu ra của sinh viên thuộc các khu vực khác nhau. Từ đây, các trường sẽ ra chính sách ưu tiên phù hợp, công bằng.

Điểm ưu tiên tối đa chỉ còn 0,75 – nhưng một số chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục giảm để phù hợp bối cảnh mới.

Một chuyên gia tuyển sinh đại học ở TP HCM cho biết, với trường top giữa, mức 0,25-0,75 điểm cộng không ảnh hưởng nhiều đến kết quả. Tuy nhiên, với trường top trên, chỉ 0,1 điểm cũng có thể quyết định đậu hay trượt.

Thay vì quy định một mức điểm cộng chung, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ cần quy định mức trần và sàn. Mỗi đại học với đặc thù ngành nghề, lượng thí sinh đăng ký xét tuyển khác nhau có thể đưa ra mức điểm cộng khác nhau.

PGS.TS Dương Bá Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (Đại học Sư phạm TP HCM), ủng hộ việc duy trì điểm ưu tiên khu vực nhưng đề xuất tính toán lại những ngành đặc thù hạn chế cộng điểm. Chẳng hạn, với các ngành khối Y Dược, thay vì cộng điểm, có thể sử dụng chính sách ưu tiên đào tạo riêng.

Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2022, bao gồm các điều chỉnh liên quan đến điểm cộng ưu tiên, sẽ lấy ý kiến đóng góp cho đến ngày 31/5.

Chính sách cộng điểm ưu tiên khu vực

Theo quy định, thí sinh học liên tục và tốt nghiệp trung học tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó.

Khu vực 1 (KV1)Cộng ưu tiên 0,75 điểm

KV1 là các xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định hiện hành tương ứng với thời gian học THPT hoặc trung cấp của thí sinh; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Khu vực 2 – nông thôn (KV2-NT)Cộng ưu tiên 0,5 điểm

KV2-NT gồm các địa phương không thuộc KV1, KV2, KV3;

Khu vực 2 (KV2)Cộng ưu tiên 0,25 điểm

KV2 là các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã, huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương (trừ các xã thuộc KV1).

Khu vực 3 (KV3)Không được cộng điểm ưu tiên

KV3 là các quận nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương. Thí sinh thuộc KV3 không thuộc diện hưởng ưu tiên khu vực.

Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 (một phần tư điểm) tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển) theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi (không nhân hệ số).