Đa dạng phương thức xét tuyển, giảm áp lực cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022

0
364

Năm 2022, hầu hết cơ sở giáo dục đại học áp dụng đa phương thức xét tuyển; trong đó nhiều trường vẫn sử dụng xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT nhưng chỉ tiêu giảm so với năm trước.

Tạo cơ hội cho thí sinh

Nhằm đa dạng nguồn tuyển và tạo cơ hội cho thí sinh, nhiều trường thông báo dự kiến áp dụng đa dạng phương thức xét tuyển. Ngoài 3 phương thức tuyển sinh (xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển kết hợp), năm 2022, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có thêm phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức.

PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Thuỷ lợi (Hà Nội) – cho biết: Năm 2022, nhà trường dự kiến tuyển 5.200 chỉ tiêu cho 39 ngành trình độ đại học, với 4 phương thức xét tuyển gồm: Tuyển thẳng; dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì; học bạ THPT và kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Với 3.100 chỉ tiêu, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên dự kiến sử dụng 4 phương thức tuyển sinh. Phó Hiệu trưởng Chu Văn Tuấn viện dẫn: Ngoài phương thức tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, nhà trường xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì. Dự kiến, sẽ dành 20% chỉ tiêu cho phương thức này. Năm 2022, nhà trường tiếp tục áp dụng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và học bạ lớp 11, 12 của thí sinh. Mỗi phương thức nhà trường dành khoảng 40% tổng chỉ tiêu.

Cùng với việc sử dụng kết quả kỳ thi riêng để xét tuyển ĐH, chỉ tiêu ở các phương thức xét tuyển của nhiều trường cũng thay đổi. Nhiều trường có xu hướng giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT so với năm 2021. Đơn cử Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chỉ dành 10 – 20% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, 60 – 70% tổng chỉ tiêu bằng hình thức xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do trường tổ chức và 20 – 30% chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức xét tuyển tài năng.

Riêng đối với phương thức xét học bạ THPT, Trường ĐH Thuỷ lợi dự kiến dành 20% tổng chỉ tiêu và khoảng 50% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Tỷ lệ này tương đương hoặc có thể giảm hơn chút ít so với năm 2021.

Lưu ý điều kiện riêng

Nhiều trường ĐH phía Nam cũng công bố phương án tuyển sinh 2022. Theo đó, phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được lựa chọn bởi sự tin cậy của kỳ thi.

TS Nguyễn Văn Khả – Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh – cho hay: Nhà trường dự kiến áp dụng 4 phương thức tuyển sinh gồm: Xét học bạ, kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh năm 2022; xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh đại học của Bộ GD&ĐT.

Đối với phương thức xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022, nhà trường dành khoảng 50% tương đương với 1.750 chỉ tiêu. Với phương thức xét tuyển học bạ THPT, nhà trường dành 40% (khoảng 1.400 chỉ tiêu); trong đó phương án xét tuyển bằng kết quả lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 của lớp 12 là 20% và xét tuyển bằng kết quả của lớp 12 là 20%.

Riêng với phương thức này, nhà trường lưu ý thí sinh về tiêu chí xét tuyển: Trung bình cộng của tổ hợp môn xét tuyển, ứng với từng ngành xét tuyển của 3 năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 đạt từ 18 điểm trở lên. Phương thức này sẽ xét tuyển từ ngày 1/1/2022 – 1/5/2022; hoặc dành cho thí sinh nộp hồ sơ sau ngày 1/5/2022. Tổng điểm lớp 12 theo tổ hợp môn xét tuyển, ứng với từng ngành xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên. Phương thức này sẽ xét tuyển từ ngày 1/5/2022 – 15/6/2022.

Bên cạnh phương thức tuyển thẳng và xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức; mùa tuyển sinh năm 2022, Trường ĐH Lâm Nghiệp tiếp tục áp dụng xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. Dự kiến xét tuyển khoảng 50 – 60% tổng chỉ tiêu. Ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào được công bố sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Ngoài ra, nhà trường sử dụng phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT (xét học bạ). Dự kiến xét tuyển khoảng 30 – 40% tổng chỉ tiêu. Tuy nhiên, thí sinh cần bảo đảm các điều kiện: Tại cơ sở chính: Chỉ xét tuyển dựa trên điểm trung bình 5 học kỳ bậc THPT (từ học kỳ 1 năm lớp 10 đến học kỳ 1 năm lớp 12). Điểm trung bình của mỗi môn trong tổ hợp môn xét tuyển phải đạt từ 6 điểm trở lên.

Thực tế cho thấy, kết quả Kỳ thi THPT quốc gia và tốt nghiệp THPT những năm qua đã làm cơ sở tin cậy cho công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, với tinh thần tăng cường tự chủ đại học và yêu cầu đổi mới giáo dục đại học thì việc đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh là yêu cầu cần thiết, nhằm tạo điều kiện cho thí sinh có thêm nhiều cơ hội trúng tuyển, thực hiện ước mơ vào giảng đường đại học.

Tuy nhiên, với các ngành, trường có tính cạnh tranh cao, Bộ GD&ĐT khuyến cáo nên xem xét mức độ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Theo đó, kết quả thi tốt nghiệp THPT như là bước sàng lọc, sơ tuyển và cần có thêm các hình thức sát hạch, tuyển chọn để phân loại tốt hơn đối tượng tuyển sinh, bảo đảm số lượng, chất lượng và công bằng trong tuyển sinh.

Việc này chỉ triển khai nếu các trường chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, công bố sớm, rộng rãi trong Đề án tuyển sinh. Đây không phải yêu cầu bắt buộc do vậy, các trường cần chuẩn bị chu đáo trước khi triển khai nhằm bảo đảm quyền lợi của thí sinh.

Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích các Đại học Quốc gia, đại học vùng, trường đại học, nhóm trường đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện tổ chức các kỳ thi đánh giá để làm căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng và chia sẻ, hỗ trợ trường khác nếu có nhu cầu.

Theo Báo Giáo dục và thời đại