Đại biểu Quốc hội: Học sinh chưa tiêm vắc xin có an toàn để tiếp tục đến trường?

0
420

Học sinh chưa tiêm vắc xin có an toàn? Câu hỏi được nhiều người quan tâm đã được các đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên giải trình về tình hình triển khai dạy học trong bối cảnh COVID-19 vào chiều 25-2.

Đại biểu Quốc hội: Học sinh chưa tiêm vắc xin có an toàn để tiếp tục đến trường? - Ảnh 1.

Đại biểu Lê Minh Nam đề nghị xem xét lại lợi ích khi đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp trong bối cảnh hiện nay – Ảnh:THẾ ĐẠI

Phiên giải trình do Ủy ban Văn hóa – giáo dục của Quốc hội tổ chức.

Mở đầu phiên giải trình, ông Trần Thanh Mẫn, phó chủ tịch thường trực Quốc hội, cho rằng: Đối với việc thực hiện chủ trương mở cửa trường học, cần làm rõ những khó khăn, thách thức, các giải pháp để bảo đảm an toàn cho đội ngũ nhà giáo và người học, nhất là đối với trẻ em, học sinh dưới 12 tuổi, chưa tiêm vắc xin.

Mục tiêu kiên định: Cho học sinh trở lại trường

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ quan điểm: Trong bối cảnh hiện nay sẽ rất khó có một phương án thỏa mãn được tất cả yêu cầu, nên chỉ có thể cân nhắc, lựa chọn một phương án khả dĩ nhất. Đó là tùy theo tình hình thực tế, các địa phương phải chủ động, linh hoạt đưa học sinh trở lại trường.

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và đào tạo, tính đến ngày 18-2, tổng số học sinh trở lại trường học trực tiếp là hơn 21 triệu học sinh, đạt tỉ lệ 94,70%.

Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên tới ngày 20-2, số tỉnh, thành cho học sinh đi học trực tiếp lại giảm.

Cách triển khai chung của nhiều tỉnh, thành là khi phát hiện F0, F1 thì khoanh vùng, cho những học sinh này ở nhà học trực tuyến, những học sinh còn lại tiếp tục học tại trường.

“Khi đi kiểm tra, chúng tôi thấy tâm lý của giáo viên, học sinh đã ổn định. Việc có F0, F1 nghỉ học, sau thời gian cách ly lại quay lại trường diễn ra bình thường. Tâm lý lo lắng, bất ổn chỉ rơi vào phụ huynh” – ông Nguyễn Kim Sơn nói.

Ông Sơn cũng cho rằng quá trình triển khai đưa học sinh quay lại trường phát sinh nhiều vấn đề chưa có trong chính sách, nên khi có việc phát sinh sẽ tiếp tục xem xét, điều chỉnh, bổ sung các quy định.

Ví dụ như thực tế xảy ra việc trường học lúng túng khi có F0, khoanh vùng F0, F1 như thế nào, quy định thời gian cách ly ra sao, có test COVID-19 sàng lọc không… Mỗi nơi làm một cách khác nhau nên Bộ Giáo dục và đào tạo đã xin ý kiến Bộ Y tế. Căn cứ vào quy định của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và đào tạo đã vừa có hướng dẫn mới để thống nhất thực hiện.

Học sinh chưa tiêm vắc xin: Đối tượng yếu thế

Trao đổi tại phiên giải trình, ông Đỗ Xuân Tuyên, thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết tính đến hôm nay 25-2, đối tượng từ 18 tuổi trở lên đã tiêm phủ vắc xin mũi 1 đạt 99%, mũi 2 đạt 98% và mũi 3 đạt 32%. Với trẻ em từ 12-17 tuổi, tiêm mũi 1 đạt 99%, mũi 2 đạt 94%.

Hiện chỉ còn trẻ em ở độ tuổi 5-11 chưa tiêm, Bộ Y tế đã tham mưu và được Chính phủ đồng ý cho mua gần 22 triệu liều Pfizer để tiêm cho nhóm này.

Theo ông Tuyên, quan điểm của các tổ chức quốc tế cho rằng còn quá sớm để xem COVID-19 là một bệnh cúm mùa thông thường, nghĩa là vẫn phải đề cao những giải pháp phòng chống dịch.

Tuy vậy, khi trả lời đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga “trẻ em chưa tiêm vắc xin có an toàn khi trở lại trường học trong thời điểm này không?”, ông Đỗ Xuân Tuyên cung cấp số liệu trẻ em dưới 18 tuổi mắc COVID-19 chỉ có 19%, tỉ lệ tử vong chỉ 0,4% so với số tử vong trên toàn quốc. Phần lớn trẻ em nhiễm COVID-19 ở mức độ nhẹ, vì vậy không nên quá lo ngại.

Chất vấn lại, đại biểu Lê Minh Nam cho rằng căn cứ vào số liệu học sinh mắc COVID-19 sau khi trở lại trường học thì thấy tỉ lệ trẻ dưới 18 tuổi mắc COVID-19 phải lên đến trên 34%, chứ không còn 19% như số liệu Bộ Y tế cung cấp. Ông cũng lưu ý đối tượng học sinh 6-12 tuổi là nhóm yếu thế vì các cháu chưa được tiêm vắc xin. Đây cũng là lứa tuổi rất khó thực hiện nghiêm túc phòng chống dịch.

“Không thể thực hiện 5K mà chỉ 3K”, ông Nam đánh giá và cho rằng Bộ Giáo dục và đào tạo và Bộ Y tế cần đánh giá mặt được, mặt chưa được của việc đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp trong thời điểm này. Từ đó xem có thể khắc phục được những hạn chế không, nếu không sẽ ảnh hưởng tiêu cực và tăng chi phí không thực sự cần thiết.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho biết tuy biết tỉ lệ trẻ em nhiễm COVID-19 thường ở dạng nhẹ, tỉ lệ tử vong thấp nhưng nhiều người lo lắng vì thông tin hậu COVID ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe trẻ em. Băn khoăn này chưa được đại diện Bộ Y tế trả lời.

Trước các ý kiến chất vấn, ông Nguyễn Kim Sơn vẫn cho rằng trong tình huống hiện nay rất cần sự linh hoạt hướng đến mục tiêu đưa học sinh trở lại trường, vì quyền lợi của chính học sinh. Ông cũng nói Bộ Giáo dục và đào tạo không quy định cứng thời gian năm học. Tùy theo tình hình thực tế, các tỉnh, thành vẫn có thể đề xuất điều chỉnh thời gian kết thúc năm học để chủ động triển khai việc dạy học theo hướng thích ứng và đảm bảo an toàn cho học sinh.

“Bộ Giáo dục và đào tạo cũng đã tính đến cả phương án có thể điều chỉnh thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nếu các địa phương phải kết thúc năm học muộn”, ông Sơn cho biết.

Đánh giá chất lượng học trực tuyến thế nào?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hữu Độ, thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, cho biết khi dịch COVID-19 phát sinh, các nhà trường phải áp dụng việc dạy học trực tuyến như một giải pháp tạm thời. Nhưng năm học 2021-2022 việc các trường học đóng cửa kéo dài khiến cho hình thức dạy học trực tuyến không phải giải pháp tình thế, hỗ trợ nữa, mà là giải pháp thay thế.

Bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành các quy định pháp lý làm cơ sở cho việc triển khai, đồng thời tổ chức các đợt bồi dưỡng cho giáo viên dạy học trực tuyến để nâng chất lượng.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Kim Sơn cũng cho hay đã chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo trong việc rà soát, phân nhóm học sinh để có giải pháp khác nhau hỗ trợ học sinh bị thiếu hụt kiến thức, kỹ năng.

“Chúng tôi đang triển khai một đánh giá về hiệu quả của việc dạy học trực tuyến, sẽ hoàn thành trong tháng 3-2022. Chúng tôi cũng đang triển khai xây dựng chiến lược lâu dài ứng phó với dịch bệnh và thực hiện cả trong tình huống bình thường. Trong đó sẽ đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin, kho học liệu điện tử…”, ông Nguyễn Kim Sơn nói.

Theo Báo Tuổi Trẻ