Đào tạo xuất phát từ nhu cầu người học, nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp…

0
423

Đó là đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hải Phòng về kết quả thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn thành phố đến năm 2020”.

Đào tạo xuất phát từ nhu cầu người học, nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp… - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Các lớp đào tạo đều xuất phát từ nhu cầu người học, yêu cầu về chuyển dịch cơ cấu lao động, nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp trên địa bàn (ảnh V.H.N)

Cũng theo đánh giá của sở này, việc thực hiện Đề án trên góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, chuyển dịch cơ cấu lao động của thành phố.

Theo đó, các lớp đào tạo đều xuất phát từ nhu cầu người học, yêu cầu về chuyển dịch cơ cấu lao động, nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Việc đào tạo cũng quan tâm đến yếu tố vùng miền, chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn.

Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về học nghề đã có chuyển biến căn bản, từ chỗ tham gia học nghề để cho biết, học để được hỗ trợ tiền ăn chuyển sang học nghề để nắm bắt khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, để có kiến thức, kỹ năng chuyển nghề, tìm được việc làm mới có thu nhập cao, làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Đối với nghề phi nông nghiệp, chương trình đào tạo đã tập trung các nghề trong lĩnh vực công nghiệp, kỹ thuật công nghệ, xây dựng, dịch vụ để phát triển công nghiệp phụ trợ, đào tạo theo vị trí làm việc tại doanh nghiệp, làng nghề; đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã gắn với định hướng phát triển kinh tế – xã hội và thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động.

Đào tạo xuất phát từ nhu cầu người học, nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp… - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Cơ bản hoàn thành được mục tiêu của Đề án (ảnh V.H.N)

Một số nghề truyền thống cũng đã được duy trì, phát huy như Kỹ thuật sơn mài, Kỹ thuật điêu khắc gỗ, Dệt chiếu cói, Mây tre đan, Thêu ren mỹ thuật, Chạm khắc đá… Đã hình thành một số mô hình có hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường, phù hợp với nhiều địa phương và đang được triển khai nhân rộng, đã có sự gắn kết hơn giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, giữa đào tạo nghề với việc làm sau đào tạo.

Riêng với nghề nông nghiệp, chương trình đào tạo tập trung các nghề về kỹ thuật và quản lý sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến thủy sản và các nghề để thực hiện các chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Có thể nói, các hoạt động của Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn thành phố Hải Phòng đến năm 2020” được triển khai đồng bộ từ hoạt động tuyên truyền, khảo sát đến nâng cao năng lực đào tạo, hỗ trợ việc làm sau đào tạo cũng như giám sát, đánh giá, do vậy đã cơ bản hoàn thành được mục tiêu của Đề án.

Để ghi nhận những nỗ lực trong triển khai Đề án, vừa qua, UBND thành phố đã ban hành Quyết định khen thưởng 11 tập thể và 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án này.

Theo Báo Dân Trí