Nhiều trường đại học cho biết chưa tính đến việc dừng sử dụng kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong mùa tuyển sinh năm 2022. Tuy nhiên, đang lên phương án để giảm sự phụ thuộc vào kết quả của kỳ thi này.
Bộ GD-ĐT vừa công bố phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022, trong đó đưa ra khuyến cáo các trường đại học, ngành học có mức độ cạnh tranh cao có thể chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển; sau đó, cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, khuyến cáo này của Bộ GD-ĐT hoàn toàn phù hợp với xu hướng tuyển sinh trong vài năm trở lại đây, khi tính tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học đang ngày càng mở rộng mạnh mẽ; các trường cũng ít phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.
“Trong những năm qua, các trường top đầu đã có sự chuyển dịch khá mạnh mẽ bằng việc bổ sung nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau để lựa chọn những thí sinh phù hợp nhất. Tôi cho rằng, những thay đổi này là điều tất yếu sẽ đến. Năm tới, chắc chắn các trường cũng sẽ đi theo đúng phương hướng của Bộ GD-ĐT và ngày càng độc lập, ít phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT hơn”.
Tuy nhiên, ông Triệu cho biết, việc có dừng/ giảm chỉ tiêu sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không vẫn là điều nhà trường đang tính toán.
“Trường ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ đưa ra phương án tuyển sinh phù hợp để đảm bảo hài hòa xu hướng này. Tuy nhiên, những sự thay đổi vẫn phải đảm bảo có lộ trình, không gây sốc cho thí sinh và xã hội”, ông Triệu cho biết.
Đối với Trường ĐH Ngoại thương, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo cho biết, nhà trường đã đa dạng hóa phương thức tuyển sinh kể từ năm 2020 và có 2 năm để trải nghiệm các phương thức tuyển sinh mới. Kết quả cho thấy những tín hiệu đáng mừng khi chọn lọc được những lứa thí sinh tốt, có năng lực phù hợp với các ngành đào tạo.
“Riêng trong mùa tuyển sinh năm 2021, Trường ĐH Ngoại thương đã tuyển sinh theo 6 phương thức khác nhau và phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ chiếm khoảng 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường. Trường đã rất chủ động trong việc tự chủ tuyển sinh và có nhiều phương án để thích nghi khi bối cảnh thay đổi”.
Bà Hiền cho hay, trong mùa tuyển sinh năm 2022, quan điểm của Trường ĐH Ngoại thương vẫn là giữ ổn định phương án tuyển sinh như những năm trước; trừ khi kỳ thi tốt nghiệp THPT có những thay đổi, nhà trường mới có phương án điều chỉnh.
“Dựa vào bản chất của kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhà trường sẽ đưa ra quyết định có tiếp tục sử dụng kết quả của kỳ thi này để chọn lọc học sinh hay không. Nếu đó vẫn là một kỳ thi đánh giá và phân loại được thí sinh, trường vẫn sẽ tiếp tục sử dụng phương thức này trong mùa tuyển sinh tới.
Dự kiến đến khoảng tháng 3/2022, trường sẽ công bố phương án tuyển sinh tới thí sinh. Tuy nhiên, để chuẩn bị tinh thần cho các em, nhà trường có thể sẽ công bố phương thức tuyển sinh sơ bộ trước đó khoảng 1 – 2 tháng”, PGS.TS Vũ Thị Hiền nói.
Điểm chuẩn đại học từ phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT tăng đột biến trong 2 năm qua |
Đồng tình với khuyến cáo của Bộ GD-ĐT, đại diện Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, phương án sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để sơ tuyển, sàng lọc cũng là gợi ý hay cho các trường đại học, ngành học có mức độ cạnh tranh cao đang mong muốn tìm kiếm công cụ tuyển sinh tốt hơn.
“Đây sẽ là bước đầu để sàng lọc người học có khả năng trúng tuyển vào trường. Sau đó, các trường sẽ tiếp tục đưa ra những hình thức chọn lọc bổ sung thông qua các bài kiểm tra năng khiếu, đánh giá năng lực. Như vậy, những trường top đầu chắc chắn sẽ chọn được người học vừa có năng lực, vừa phù hợp với ngành đào tạo mà kỳ thi bổ sung cũng không quá cồng kềnh”, PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Kiên, nếu chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, các trường cũng cần tính toán, cân nhắc giữa các phương thức tuyển sinh khác.
“Tôi cho rằng, việc tuyển sinh không nên mỗi trường đi theo một đường mà cần có sự thống nhất, có thể là đi theo các nhóm, để không gây khó khăn, rối loạn cho thí sinh.
Ngoài ra, các trường cũng không nên sử dụng quá nhiều phương thức tuyển sinh vì như thế có thể dẫn đến sự mất cân bằng giữa các phương thức do thiếu căn cứ để tính toán chỉ tiêu tuyển sinh”, ông Kiên cho hay.
Còn tại ĐH Quốc gia Hà Nội, GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo cho biết, dự kiến các phương thức tuyển sinh năm 2022 vẫn giữ ổn định giống như năm 2021, đồng thời ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển những thí sinh có năng lực tốt vào các ngành, chương trình đào tạo tài năng, tiên tiến, chất lượng cao và các ngành đào tạo “hot” hiện nay.
Như vậy, khi xét tuyển dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực, kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ chỉ là điều kiện đủ để thí sinh nhập học.
Dự kiến, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức 7 – 8 đợt thi đánh giá năng lực, khoảng từ tháng 2 đến tháng 8/2022. Điều này cũng hướng tới việc chia sẻ và hỗ trợ với các trường đại học khác có nhu cầu.
Ngoài ra, theo ông Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đang tích cực triển khai tổ chức kỳ thi Olympic học sinh giỏi bậc THPT mang thương hiệu ĐH Quốc gia Hà Nội, từ đó chọn học sinh giỏi từ các trường THPT trên toàn quốc tham gia kỳ thi này để tuyển chọn nhân tài. Những em đoạt giải sẽ được xét tuyển thẳng vào học đại học tại các trường thành viên, khoa trực thuộc của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Các trường cũng cần chủ động hợp tác, liên kết tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy tại các địa phương, tổ chức xét tuyển chung nhằm đáp ứng yêu cầu riêng của từng cơ sở đào tạo, đồng thời tạo điều kiện, cơ hội tốt nhất cho thí sinh, tránh việc thí sinh phải đi lại tốn kém hoặc phải tham dự nhiều kỳ thi; tiến tới hình thành các trung tâm khảo thí chuyên nghiệp của các cơ sở giáo dục đại học và trung tâm khảo thí độc lập.
Cơ sở đào tạo tổ chức tuyển sinh bảo đảm an toàn, hiệu quả, công bằng; đổi mới công tác tuyển sinh, đề án tuyển sinh, xác định phương thức, hình thức tuyển sinh cần phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính công khai, minh bạch theo quy định.