Sau khi điểm thi THPT quốc gia 2017 được công bố với một “cơn mưa” hơn 4.000 điểm 10 so với chỉ 69 điểm 10 năm 2016, nhiều phụ huynh và thí sinh hoang mang không biết liệu điểm chuẩn vào các trường hàng đầu như Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, Bách khoa Hà Nội có tăng vọt?
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo ĐH, trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, năm nay nhà trường vẫn đào tạo 25 ngành với 49 chuyên ngành. Phụ huynh, thí sinh có thể tham khảo điểm chuẩn từ các năm trước để có lựa chọn phù hợp. PGS.TS Bùi Đức Triệu cho biết năm nay nhà trường tuyển 4.800 chỉ tiêu với hai phương thức là xét tuyển kết hợp và kết hợp thi THPT quốc gia. Điểm mới của tuyển sinh năm nay là xét tuyển kết hợp. Đó là điểm thi THPT quốc gia và một tiêu chí kèm theo. Thứ nhất, thí sinh được 27 điểm trở lên đối với tổ hợp 3 môn trong đó có môn toán và hai môn bất kỳ thì được tuyển thẳng.
Thứ hai, thí sinh có Chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày 22/06/2017) đạt IELTS 6.5 hoặc TOEFL iBT 90 hoặc TOEFL ITP 575 trở lên, có tổng điểm 2 bài/môn thi THPTQG năm 2017 (trừ bài thi Tiếng Anh) đạt từ 15 điểm trở lên, trong đó có bài thi Toán. Thứ ba, thí sinh đã tham gia vòng thi tuần trong cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” trên VTV, tốt nghiệp THPTQG năm 2017 và có tổng điểm thi theo tổ hợp môn xét tuyển của trường đạt từ 18 điểm trở lên. PGS. Triệu cho biết, năm 2016, chỉ có 2 thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên tuyển thẳng vào trường.
Nếu thí sinh là một trong ba đối tượng trên sẽ được xét tuyển thẳng, thời gian nộp hồ sơ từ 10 – 20/7 trực tiếp tại phòng đào tạo hoặc qua bưu điện. Hồ sơ cần nộp là giấy Chứng nhận điểm photo, cộng với các chứng chỉ tiếng Anh, giấy chứng nhận tham gia “Đường lên đỉnh Olympia” của VTV. Chiều 21/7 trường công bố kết quả. Trong ba ngày từ 23 – 25/7 thí sinh đủ điều kiện tuyển thẳng nộp giấy chứng nhận kết quả thi.
“Danh sách trúng tuyển sẽ đưa lên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Dữ liệu của những thí sinh này sẽ được hệ thống của Bộ đóng lại, thí sinh không được xét tuyển ở bất kỳ trường ĐH nào nữa” – PGS. Triệu cho hay.
Cũng theo trưởng phòng Đào tạo ĐH trường ĐH Kinh tế quốc dân, năm nay, trường xét tuyển thêm khối D7 (Toán, Hóa, Anh). Trước 15/7 trường sẽ công bố ngưỡng tối thiểu để thí sinh biết hướng đăng ký nguyện vọng.
Nói về điểm chuẩn năm nay, PGS. Bùi Đức Triệu cho hay mức điểm chuẩn sẽ không có đột biến. Ví dụ như ngành kinh tế, ngành quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính ngân hàng, marketing điểm chuẩn những năm qua dao động từ 22 đến 26 điểm. Nhóm thứ hai thấp hơn, điểm chuẩn năm trước dao động từ 18 đến 23 như Toán ứng dụng kinh tế, bất động sản… PGS. Triệu khẳng định điểm chuẩn năm nay không thay đổi nhiều so với những năm trước.
Chú ý tiêu chí phụ
Còn tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội, theo PGS. Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết nhóm thí sinh trường quan tâm năm nay không phải là nhóm điểm từ 15-20. Năm ngoái, các ngành/nhóm ngành KT11 (kỹ thuật cơ điện tử), KT21 (Kỹ thuật điện tử – truyền thông), KT22 (gồm các ngành Kỹ thuật máy tính, Truyền thông và mạng máy tính, Khoa học máy tính, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Công nghệ thông tin) và KT24 (Kỹ thuật Điện-Điện tử, Kỹ thuật Điều khiển và tự động hóa) có mức điểm nhận hồ sơ cao nhất là 7,5 (tương đương điểm 3 môn là 22,5).
Tuy nhiên, năm nay với mặt bằng điểm cao hơn thì những ngành này điểm đăng ký nguyện vọng xét tuyển có thể lên tới 23, thậm chí là 24 điểm. Theo dự kiến, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ vào khoảng 13/7 hoặc 14/7. Nhưng PGS Trần Văn Tớp cũng lưu ý, việc dựa vào điểm chuẩn năm trước, phổ điểm năm nay cũng có thể tạo ra tâm lý lo ngại, thí sinh điểm cao không dám đăng ký vào những ngành điểm cao hoặc điều chỉnh nguyện vọng vì sợ không trúng tuyển, nên dễ dẫn tới điểm của ngành đó lại tụt xuống.
“Phân tích số liệu của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho thấy, mức điểm từ 26 điểm trở lên có khá đông thí sinh. Các mức điểm 26,5; 27 điểm cũng có tới hàng ngàn thí sinh cùng mức điểm này. Vì vậy, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đã tính đến việc sử dụng tiêu chí phụ trong quá trình xét tuyển” – ông Tớp nói.
Do đó, nếu như với năm 2016 tiêu chí phụ của trường là điểm môn Toán thì năm nay ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ sử dụng tiêu chí phụ là tổng điểm 3 môn không nhân hệ số, không tính điểm ưu tiên. Ngoài ra, theo ông Tớp còn có 1 tiêu chí phụ nữa là theo quy chế tuyển sinh của Bộ. Đó là thí sinh có cùng một mức điểm nhưng thí sinh nào có nguyện vọng ở vị trí ưu tiên cao hơn thì sẽ trúng tuyển.
PGS. Trần Văn Tớp cũng lưu ý, tiêu chí phụ chỉ áp dụng đối với thí sinh ở mức điểm chuẩn vào trường nhưng do nhiều thí sinh ở mức điểm đó dẫn đến tình trạng vượt chỉ tiêu. Còn những thí sinh trên mức điểm trúng tuyển sẽ không phải áp dụng tiêu chí phụ.
TS Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cho rằng điểm chuẩn trúng tuyển vào trường năm 2017 có thể sẽ nhích nhẹ nhưng về cơ bản tương đôi ổn định so với năm 2016.
Trường ĐH Ngoại thương cũng đã thực hiện phân tích phổ điểm năm 2017 do Bộ GD&ĐT công bố và nhận thấy rằng, ở ngưỡng điểm từ 8 trở lên số lượng nhiều hơn năm trước. Ở mỗi mức điểm trong khoảng này thì số lượng thí sinh đạt được đều tương đối lớn. Do đó trường dự kiến điểm chuẩn năm 2017 có thể sẽ nhỉnh hơn một chút chứ không quá đột biến so với năm 2016. Bà Hương khuyên các thí sinh, ngoài việc đăng ký nguyện vọng mong muốn cũng cần dự phòng thêm một nguyện vọng khác. Bà Hương cũng cho biết, năm nay Trường ĐH Ngoại thương tuyển sinh thêm tổ hợp mới là D07 (Toán, Hóa học và Tiếng Anh).
“Phân tích số liệu của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho thấy, mức điểm từ 26 điểm trở lên có khá đông thí sinh. Các mức điểm 26,5; 27 điểm cũng có tới hàng ngàn thí sinh cùng mức điểm này. Vì vậy, trường cũng đã tính đến việc sử dụng tiêu chí phụ trong quá trình xét tuyển”Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội Trần Văn Tớp
Tiền Phong