Home Góc chia sẻ Không cấm hút thuốc trong trường ĐH,CĐ có khối tích trên 5.000...

Không cấm hút thuốc trong trường ĐH,CĐ có khối tích trên 5.000 m3: Có trái Luật Giáo dục?

0
1060

Bộ Y tế mới đưa ra dự thảo Hướng dẫn thực hiện quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá, nhưng lại không cấm hút thuốc tại trường đại học và trường nghề có khối lớp học có khối tích trên 5.000 m3.

Theo dự thảo Thông tư, các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên, bao gồm: Cơ sở y tế; Cơ sở giáo dục, trừ cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có khối lớp học có khối tích trên 5.000m3; Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao theo quy định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà, bao gồm: Nơi làm việc của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và nơi làm việc trong nhà khác, trừ các trường hợp quy định ở trên; Cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có khối lớp học có khối tích dưới 5.000m3.

Như vậy, các cơ sở giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp có khối tích trên 5.000m3 sẽ không bị cấm hút thuốc hoàn toàn.

Nói về dự thảo Thông tư này, TS. Lê Trường Tùng, trường ĐH FPT cho rằng, quy định đối với các cơ sở giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp có khối tích trên 5.000m3 sẽ không bị cấm hút thuốc là hoàn toàn là trái Luật Giáo dục 2019.

Vì, tại điều 22 của Luật Giáo dục 2019 có quy định: Các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục trong đó bao gồm hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự.

Còn PGS.TS Trần Văn Tớp, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội nêu quan điểm trong môi trường giáo dục, nên cấm hút thuốc lá hoàn toàn. Từ năm 2012, khi có Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã cấm hoàn toàn hút thuốc trong trường. Điều này không chỉ quán triệt đến sinh viên mà còn đến toàn bộ giảng viên, cán bộ, nhân viên trong trường.

Luật sư Đinh Anh Tuấn cho biết, về nguyên tắc Luật không quy định chi tiết bằng thông tư nhưng nếu nói về hiệu lực pháp lý thì Luật cao hơn thông tư và thông tư không được trái Luật. Khi Luật  đã quy định thì Thông tư có nhiệm vụ quy định chi tiết hơn, khả thi hơn để thi hành. Nếu Luật  Giáo dục 2019 đã cấm hút thuốc trong cơ sở giáo dục nhưng thông tư lại quy định các cơ sở giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp có khối tích trên 5.000 m3 sẽ không bị cấm hút thuốc hoàn toàn là có dấu hiệu trái Luật.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Luật sư Đinh Anh Tuấn, trong một khu vực đủ rộng, có lẽ dưới góc nhìn của những người soạn Thông tư, môi trường giáo dục cũng vẫn phải tiếp khách, vẫn có những người thầy hút thuốc lá. Đây là một nhu cầu chính đáng nên nhóm soạn thảo đưa ra nội dung này tuy trái Luật nhưng không nghiêm trọng. Vì khi làm Luật Giáo dục, các nhà soạn thảo cho rằng môi trường giáo dục phải trong sạch tuyệt đối nên cấm hút thuốc. Nhưng phía Bộ Y tế nhìn nhận có phần khách quan hơn, cho rằng cần có chỗ để hút  khi không gian đủ lớn.
“Tôi đến một vài doanh nghiệp, điều tệ nhất không phải là không có quy định nơi hút thuốc mà là hút thuốc không đúng nơi quy định”, Luật sư Đinh Anh Tuấn chia sẻ. Vì có doanh nghiệp có phòng riêng hút thuốc, nhưng nhiều người không đến phòng đó mà lại hút ở chỗ khác không đúng quy định. Từ thực tế đó, có thể thấy nếu không gian đủ lớn thì vẫn có thể có phòng hút thuốc. Còn nếu dựa trên cơ sở lý thuyết, Luật sư Đinh Anh Tuấn khẳng định quy định như dự thảo Thông tư là trái Luật.
Theo Báo Tiền Phong