Lấy ý kiến 2 phương án thi tốt nghiệp 2025, môn lịch sử lại gặp nguy cơ?

0
681
ky-thi-tot-nghiep-thpt-2022-vs-nhung-con-so-noi-bat

Cộng đồng giáo viên cả nước đang xôn xao khi trường triển khai lấy ý kiến phương án thi tốt nghiệp THPT 2025. Nhiều người lo ngại việc môn lịch sử lại có nguy cơ bị gạt ra khỏi kỳ thi tốt nghiệp.

Lấy ý kiến 2 phương án thi tốt nghiệp 2025, môn lịch sử lại gặp nguy cơ? - 1

Hai phương án thi tốt nghiệp 2025, môn lịch sử lại đứng trước nguy cơ bị loại bỏ

Vài ngày nay, nhiều giáo viên nhận được thông tin tiến hành khảo sát ý kiến về phương án thi tốt nghiệp THPT 2025.

Theo đó, các trường triển khai lấy ý kiến lựa chọn 1 trong 2 phương án về số môn thi cho kỳ thi tốt nghiệp từ 2025.

Phương án 1 gồm 4 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ, lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn đã lựa chọn học.

Phương án 2 gồm 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn đã được học, trong đó có cả môn lịch sử.

Như vậy, cũng như các môn tự chọn khác, môn lịch sử có thể có mặt hoặc không có mặt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 nếu như phương án 2 được chọn.

Chia sẻ về vấn đề này với phóng viên Dân trí, ông Hồ Như Hiển – giáo viên lịch sử Trường liên cấp Đông Bắc Ga (Thanh Hóa) – cho biết giáo viên toàn quốc đang rất quan tâm về vấn đề này.

Theo hướng dẫn của các Sở GD&ĐT, việc tiến hành khảo sát, lấy ý kiến giáo viên trên cả nước về phương án thi tốt nghiệp năm 2025 là dựa trên công văn 4430 ngày 21/8 của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, khi giáo viên tìm kiếm trên cổng thông tin của Bộ GD&ĐT lại chưa hiển thị công văn trên.

“Chúng tôi cần biết mục đích của việc lấy ý kiến khảo sát này là gì? Tại sao lại có những phương án như vậy, đặc biệt là đang có cuộc tranh luận về “bức tử” môn lịch sử khỏi danh mục các môn thi bắt buộc tốt nghiệp THPT. Việc này đang gây chia rẽ lớn giữa các nhóm giáo viên”, ông Hiển nói.

Lấy ý kiến 2 phương án thi tốt nghiệp 2025, môn lịch sử lại gặp nguy cơ? - 2
Hình ảnh học sinh xé đề cương lịch sử sau khi nhận tin không thể thi tốt nghiệp môn này diễn ra cách đây 10 năm tại TPHCM (Ảnh: T.L).

Tương tự, giáo viên T.H. ở Tiền Hải, Thái Bình bày tỏ băn khoăn khi phương án lấy ý kiến chủ yếu là yêu cầu chọn hay không chọn môn lịch sử.

“Câu chuyện “xé đề cương môn sử khi hay tin không thi tốt nghiệp năm 2013” vẫn là nỗi đau với người làm giáo dục. Giờ đây, nếu môn sử bị loại bỏ trong kỳ thi tốt nghiệp (theo phương án 2) thì chắc học sinh “đốt sách” sớm”, ý kiến giáo viên chia sẻ.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với công tác quản lý chất lượng và thanh tra, kiểm tra khối sở GD&ĐT do Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT tổ chức tại TPHCM hôm 24/8, nội dung này cũng được nêu ra trực tiếp.

PGS.TS Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT – cho biết Bộ sẽ tiếp thu ý kiến của đại diện các sở về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trở đi, trong đó có việc lựa chọn môn thi.

Trao đổi với phóng viên Dân trí để lý giải rõ hơn việc lấy ý kiến này, PGS.TS Huỳnh Văn Chương cho biết sau khi Bộ GD&ĐT tổ chức lấy ý kiến xã hội về phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 (thời gian tiếp nhận ý kiến từ 17/3 đến 17/5), Bộ đã nhận được rất nhiều ý kiến và tiến hành tổng hợp, phân tích các đóng góp.

“Xã hội có nhiều đề xuất về phương án thi tốt nghiệp THPT. Tôn trọng ý kiến của xã hội, vì thế, Bộ GD&ĐT tiếp tục gửi công văn về 63 tỉnh thành để tiếp tục lấy ý kiến chính thức. Các địa phương tiếp tục lấy ý kiến của cán bộ, giảng viên và đặc biệt là giáo viên. Tinh thần là sẽ thực hiện phương án tốt nhất cho xã hội”, ông Chương cho hay.

Lấy ý kiến 2 phương án thi tốt nghiệp 2025, môn lịch sử lại gặp nguy cơ? - 3
Cục trưởng Huỳnh Văn Chương cho biết Bộ GD&ĐT đang tổ chức lấy ý kiến các Sở GD&ĐT để hoàn thiện phương án thi tốt nghiệp THPT (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Theo Cục trưởng, việc thực hiện lấy ý kiến lần này mang tính chất chính thống, lấy ý kiến bằng pháp lý, bằng văn bản bởi Sở GD&ĐT các tỉnh thành, giáo viên là người trực tiếp dạy và sẽ đưa ra phương án nào tốt hơn.

“Trong yêu cầu chúng tôi đưa rõ việc trả lời phải rõ phương án nào tốt hơn, vì sao, tác động gì đối với tỉnh mình chứ không lấy ý kiến chung chung. Trước đó khi thực hiện lấy ý kiến toàn xã hội thì ý kiến chung chung hơn và kết quả mang tính chất tham khảo”, ông Chương cho hay.

Ông Chương thông tin thêm, các sở GD&ĐT gửi ý kiến về Bộ GD&ĐT trước ngày 10/9. Bộ sẽ tổng hợp, phân tích để đề xuất phương án hợp lý báo cáo Thường trực Chính phủ trước khi công bố chính thức.

Hồi tháng 3/2023, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 xin ý kiến góp ý rộng rãi.

Dự thảo nêu việc tổ chức thi THPT sẽ theo môn. Trong đó, thí sinh học chương trình THPT dự thi 4 môn học bắt buộc gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học.

Với giáo dục thường xuyên, học sinh bắt buộc thi ngữ văn, toán, lịch sử và môn lực chọn.

Các môn học lựa chọn ở bậc THPT gồm: vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.

Môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.

Như vậy, phương án mới được đưa ra mới đây khác với phương án hồi tháng 3 ở việc điều chỉnh môn lịch sử có là môn bắt buộc hay không. Do đó, môn lịch sử sẽ mang tính chất quyết định đến phương án được chọn.

Công văn 4430 nêu gì? 

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, công văn 4430/BGDĐT-QLCL do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ký ngày 21/8 gửi tới các sở GD&ĐT.

Công văn nêu rõ, ngày 17/3, Bộ GD&ĐT đã đăng tải xin ý kiến toàn xã hội về dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (gọi tắt là Dự thảo phương án thi) tại Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT.

Phương án thi có tác động rất lớn đến việc dạy, học cũng như định hướng nghề nghiệp của học sinh. Để có thêm căn cứ hoàn thành dự thảo phương án thi phù hợp với định hướng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trước khi trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GDĐT tổ chức lấy ý kiến trong đơn vị mình.

Lấy ý kiến 2 phương án thi tốt nghiệp 2025, môn lịch sử lại gặp nguy cơ? - 4
Điểm chuẩn vào ngành sư phạm lịch sử năm 2023 cho thấy sức nóng của môn học này đang tăng (Biểu đồ: Huyên Nguyễn).

Cụ thể, sở GD&ĐT chỉ đạo các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục khác giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT tổ chức hội thảo nghiên cứu dự thảo phương án thi và lấy ý kiến của toàn bộ các cán bộ quản lý, giáo viên theo hướng dẫn gửi kèm công văn này.

Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị tổng hợp số lượng mỗi nhóm lựa chọn môn thi; phân tích ưu điểm, nhược điểm mỗi nhóm lựa chọn khi thực hiện tổ chức thi tại địa phương.