Môn sử: học toàn bộ chương trình để thi trắc nghiệm

0
4611

Một trong những nét mới của kì thi THPT quốc gia năm nay là môn lịch sử lần đầu tiên được đưa vào thi dưới hình thức trắc nghiệm.

Môn lịch sử được tích hợp cùng với các môn địa lý, giáo dục công dân trong bài thi khoa học xã hội. Trong thời gian 50 phút, thí sinh phải hoàn thành 40 câu trắc nghiệm lịch sử, nội dung chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12.

Nắm vững tổng thể chương trình

Cái mới bao giờ cũng gây ra tâm lý lo lắng cho người học. Tuy nhiên, dù thi dưới hình thức nào, học sinh cũng cần xây dựng phương pháp học nghiêm túc. Muốn học tốt môn Lịch sử, học sinh cần nắm vững tổng thể chương trình trước, từ những chủ đề chính của bài học mới đi vào các thông tin chi tiết; cần phải nắm vững các kiến thức cơ bản, thuộc các sự kiện được nêu trong bài học.

Để thuộc được bài, học sinh cần áp dụng nhiều phương pháp khác nhau, có thể là làm đề cương, ghi chép đi, ghi chép lại nhiều lần, kiểm tra kiến thức của nhau thông qua học nhóm…

Việc học như vậy phải được tiến hành thường xuyên, lặp đi lặp lại. Các kiến thức của môn Lịch sử nếu không được thường xuyên nhắc đi, nhắc lại thì học sinh sẽ quên hết.

Thí sinh cũng nên nhớ rằng học để thi trắc nghiệm khác với học để thi tự tuận. Để thi trắc nghiệm, học sinh phải học toàn bộ chương trình, không bỏ sót bất cứ nội dung nào vì tuy bài thi chỉ có 40 câu nhưng lại có rất nhiều mã đề; các mã đề chỉ giống nhau 20% số câu hỏi.

Số lượng câu hỏi nhiều như thế chắc chắn sẽ rải đều ra hết chương trình (trừ phần giảm tải) và học sinh không thể biết mình sẽ nhận mã đề nào.

Trong kì thi THPT quốc gia năm 2017 sắp tới, Bộ GD-ĐT không tổ chức biên soạn, không chủ trương phát hành tài liệu hướng dẫn ôn tập cho các môn thi, vì vậy, việc tổ chức ôn tập chủ yếu dựa trên cấu trúc đề thi sau khi bộ chính thức đưa ra đề thi minh họa.

Đề thi minh họa của bộ cho thấy phần lịch sử thế giới chiếm 30% điểm số (12 câu – các câu 1 – 8, câu 24, 25, câu 34, 35), phần lịch sử Việt Nam chiếm 70% điểm số; nội dung các câu hỏi nằm ở nhiều bài học (18/27 bài của chương trình Lịch sử 12).

Nhìn chung, đề minh họa yêu cầu kiến thức trả lời phần lớn là những kiến thức cơ bản. Như vậy, trong kì thi sắp tới, nếu đề thi ra theo cấu trúc và độ khó như đề thi minh họa, học sinh nắm vững những kiến thức cơ bản có thể đạt kết quả từ khá trở lên.

Những dạng câu hỏi thường gặp

– Dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh lựa chọn câu trả lời đúng: Trong 4 phương án lựa chọn (A, B, C, D) chỉ có một phương án đúng, các phương án còn lại đều sai.

Ví dụ: Cuộc khởi nghĩa Yên Bái (2-1930) do tổ chức nào dưới đây lãnh đạo?

A. Đảng Thanh Niên.

B. Đảng Lập Hiến.

C. Việt Nam Quốc dân Đảng.

D. Việt Nam nghĩa đoàn.

– Dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh lựa chọn câu trả lời đúng nhất: Trong 4 phương án lựa chọn (A, B, C, D) có thể có nhiều phương án đúng, nhưng chỉ có một phương án đúng nhất, đầy đủ nhất, quan trọng nhất, quyết định nhất.

Ví dụ: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954) giành thắng lợi do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là

A. có sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, với đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo.

B. toàn dân đoàn kết dũng cảm chiến đấu.

C. tình đoàn kết chiến đấu giữa Việt Nam, Lào và Campuchia

D. sự đồng tình, ủng hộ của Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa và của nhân dân tiến bộ trên thế giới.

–  Dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh phải sắp xếp đúng trật tự các sự kiện lịch sử.

Ví dụ: Cho các sự kiện:

1. Nguyễn Ái Quốc gửi bản yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị Vec-xai.

2. Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.

3. Nguyễn Ái Quốc sáng lập báo “Người cùng khổ”.

4. Nguyễn Ái Quốc đọc bản sơ thảo Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-nin.

Hãy sắp xếp các sự kiện trên theo trình tự thời gian.

A. 2 – 3 – 1 – 4.

B. 1 – 4 – 3 – 2.

C. 2 – 4 – 1 – 3.

D. 1 – 3 – 2 – 4.

– Dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh lựa chọn ý phủ định.

Ví dụ: Ý nào dưới đây không phải là mục đích của ta khi mở chiến dịch Biên giới thu – đông năm 1950?

A. Khai thông biên giới mở đường liên lạc với thế giới dân chủ.

B. Tiêu diệt bộ phận quan trọng sinh lực địch.

C. Mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc.

D. Buộc Pháp thay đổi chiến lược từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh lâu dài” với ta.

Trong quá trình tập dợt cho học sinh làm quen với hình thức thi trắc nghiệm môn lịch sử, một số lỗi các em thường mắc phải là: vội vàng, đọc không kĩ câu hỏi dẫn đến chọn sai phương án trả lời; chọn phương án trả lời đúng nhưng tô vào phiếu trả lời sai…

Do vậy, khi làm bài thi trắc nghiệm, học sinh cần tận dụng hết quĩ thời gian cho bài làm; đọc kĩ câu hỏi để lựa chọn phương án trả lời đúng nhất; cần kiểm tra lại phần tô trong phiếu trả lời đã đúng với lựa chọn của mình chưa và sửa lại cho đúng.

NGUYỄN HỮU ĐẠT (Tổ trưởng tổ lịch sử, Trường THPT Võ Thị Sáu, TP.HCM)

TTO