Đừng để thời gian và công sức đọc sách của mình trở nên lãng phí!
Chúng ta đều biết rằng, sách là một công cụ học tập có chi phí thấp nhưng đem lại lợi nhuận rất cao. Hiểu được tầm quan trọng của việc đọc và cũng thường xuyên dành thời gian đọc sách mỗi ngày, nhưng tại sao có người đạt hiệu quả rất tốt, có người lại như “công dã tràng”?
01.
Có lẽ, những ai quan tâm, có hứng thú với lĩnh vực điện ảnh đều biết về huyền thoại võ thuật của Trung Quốc, Lý Tiểu Long. Là một võ sư bậc thầy, thậm chí truyền thông Mỹ còn phong tặng ông là một trong những người tạo nên cách mạng trong thế giới võ thuật nhưng bản thân Lý Tiểu Long vẫn có những nỗi sợ. Ông cho rằng: “Tôi không sợ những kẻ tập một lần 10.000 cú đá, tôi chỉ sợ những kẻ tập 10.000 lần một cú đá.”
Tại sao lại là 10.000 lần cho một cú đá? Vì đó là việc lặp đi lặp lại, liên tục không ngừng một hành động để biến nó thành một loại phản xạ có điều kiện, qua đó lưu trữ vào Bộ nhớ Tiến trình của não bộ. Nhờ có hành này, mỗi khi gặp tình huống, phản xạ sẽ đưa ra hành động nhanh nhất, đạt kết quả tốt nhất mà không cần mất thời gian suy nghĩ.
Vì con người là tập hợp của các thói quen. Khi ta xây dựng cho mình một thói quen xuất sắc thông qua việc không ngừng lặp lại, nó sẽ trở thành hành động bản năng. Tính kiên trì sẽ tạo ra sự chuyên nghiệp ngay từ trong tư duy bản năng.
Quá trình chuẩn bị là một giai đoạn tuyệt đối không thể bỏ qua. Ví dụ như khi tập bơi, bạn sẽ phải học những động tác và thao tác chuẩn mực đến từng centimet trước, sau đó mới được khuyến khích tự do. Hay như khi học nhảy dù, bạn phải mất ít nhất 6 tháng trời để không ngừng ghi nhớ lý thuyết rồi thực hành những lý thuyết đó liên tục trước khi được đặt chân tới cánh cửa trực thăng.
Đây là những nhân tố chiếm đến 70% vai trò, quyết định kết quả cuối cùng của hành động có thể diễn ra thành công hay không.
Việc đọc sách cũng tương tự như vậy.
Mỗi ngày, chúng ta tiếp nhận rất nhiều thông tin khác nhau, qua trò chuyện trao đổi, qua sách vở báo chí. Nhưng đại đa số thời điểm, chúng ta đều quên ngay chỉ sau một thời gian nghe và đọc về nó, không nhớ được gì, cũng không học được gì.
Ngược lại, nếu chúng ta không ngừng lặp đi lặp lại chỉ một thông tin bổ ích duy nhất, kết quả rất có thể sẽ thay đổi hoàn toàn.
02.
Vào đời nhà Minh tại Trung Quốc, có một vị tiên sinh nổi danh tên là Trương Phổ. Thuở nhỏ tư chất không tốt, tuy ông luôn chăm chỉ hiếu học, nhưng chỉ vừa đọc xong lại dễ quên ngay. Trương Phổ vô cùng buồn rầu nhưng ông chưa bao giờ chịu từ bỏ dễ dàng. Vì thế, Trương tiên sinh lúc đó đã nghĩ ra một phương pháp phù hợp cho chính mình.
Đó là: Mỗi khi đọc một bài văn mới, ông sẽ chép lại ra giấy, vừa chép vừa học thuộc lòng, sau khi chép xong thì đọc to một lần nữa rồi đem đi đốt ngay chứ không lưu giữ. Đốt xong lại tiếp tục chép lại từ đầu. Cứ liên tục lặp đi lặp lại 7 lần liền.
Phương pháp học này cực kỳ vất vả, mọi người vừa nghe tới đã lắc đầu bỏ qua, bản thân Trương tiên sinh cũng chịu không ít khổ. Bàn tay cầm bút của ông dày lên những vết chai dày, vừa tới mùa đông liền nứt nẻ chảy máu, đau đớn không thôi. Nhưng ông chưa từng dừng lại dù chỉ một ngày.
Sau nhiều năm ròng kiên trì áp dụng phương pháp học khắc nghiệt tự đề ra, Trương Phổ cuối cùng cũng đạt được thành tựu, trở thành văn hào có tiếng trong vùng Tô Châu, Trung Quốc thời bấy giờ.
Phương pháp đọc “Thất Lục Thư Phòng” (Tạm hiểu: Sao chép 7 lần) cũng bắt đầu được lưu truyền từ đây.
Nhà phê bình văn học Tỷ Chương của Trung Quốc từng nói:
“Đối với những người đọc sách vì nhu cầu nghề nghiệp, không thể đọc một cách tùy tiện được. Phải đọc có mục tiêu, có lý tưởng, như vậy mới đạt thành kết quả. Bản thân tôi thường xuyên đọc xuyên suốt về một chủ đề nhất định trong một thời gian dài để tích lũy hiểu biết về nó.
Ví dụ, khi tôi cộng tác về lĩnh vực kịch – điện ảnh, tôi sẽ mua tất cả các cuốn sách về kịch và phim ở Trung Quốc cũng như nước ngoài. Hay khi tôi phải viết về tiểu sử của Lương Khải Siêu, tôi sẽ đọc tất cả các thông tin về Lương Khải Siêu mình có thể tiếp xúc. ”
Trên thực tế, học tập tri thức, nâng cao trải nghiệm, vận dụng thực tế hay đơn thuần phục vụ mục đích giải trí thì cũng phải làm với một mục tiêu cụ thể. Nên nhớ rằng, phương pháp thực hiện sẽ quyết định chất lượng đem lại. Muốn cải thiện chất lượng đọc, hãy làm một độc giả chất lượng.
03.
Suzuka Kawazawa là một tác giả Nhật Bản. Công việc chính của anh là bác sĩ, phải thường xuyên ngồi trực khám ở bệnh viện. Ngoài thời gian công tác này ra, mỗi năm, anh sẽ viết thêm 3 cuốn sách, mỗi tháng sẽ tới rạp chiếu phim xem 10 bộ phim trở lên, mỗi năm lại lên kế hoạch thực hiện hai chuyến du lịch đường dài.
Ngoài thời gian bận rộn ấy, anh vẫn có thể sắp xếp để đọc từ 20 đến 30 cuốn sách mỗi tháng. Quan trọng hơn là, mỗi cuốn sách đã đọc, anh đều có thể nắm được nội dung cốt lõi và ghi nhớ rất lâu.
Tự lựa chọn những tri thức và phương pháp tiếp thu khiến cho chúng ta hạn chế tình trạng tự biến mình thành một độc giả thụ động, khiến chất lượng đọc đi xuống. Phải có ý thức tích cực, vạch ra những mục tiêu, kế hoạch rõ ràng, chúng ta mới gặt hái được nhiều ích lợi hơn cho những nỗ lực đã bỏ ra.
Cuốn “Nên đọc một quyển sách như thế nào?” đã gợi ý, trong quá trình đọc sách, người đọc nên làm sáng tỏ được 4 vấn đề quan trọng dưới đây:
Thứ nhất là, tổng thể cuốn sách đề cập tới nội dung gì?
Thứ hai là, thông điệp của tác giả muốn nói và phương thức tác giả đưa ra thông điệp đó là gì?
Thứ ba là, những nội dung được đề cập có chính xác theo từng phần hoặc theo tổng thể hay không?
Thứ tư là, nội dung cuốn sách có liên quan gì tới bản thân hay không?
Trả lời hết những câu hỏi này, bạn cũng có thể trở thành một độc giả chủ động và nâng cao chất lượng kiến thức mà mình tiếp thu.
Theo Kenh14