Sáng ngày 24/6, hơn 500.000 thí sinh trên cả nước vào làm bài thi tổ hợp Khoa học xã hội. Theo nhận định của nhiều giáo viên, đề Sử “khó nhằn” phân hoá tốt thí sinh, còn Địa lý, Giáo dục công dân đề thi dễ, gần gũi với thực tế trong cuộc sống.
Nhận xét về môn Địa lý, thầy Trần Đình Dương, gioá viên dạy môn Địa Lý, Trường THPT Can Lộc (Hà Tĩnh) cho biết: Đề khó hơn năm ngoái nhưng vừa tầm và phân loại tốt thí sinh. Đề thi đúng cấu trúc và khung các đề thi minh họa và thử nghiệm mà Bộ GD-ĐT công bố trước đây.
“Đề thi môn Địa lý năm nay vừa phải, vừa sức với học sinh, bám sát kỹ năng và có sức phân hoá rõ. Nếu học sinh biết kết hợp Atlat, nắm vững lý thuyết và sử dụng phương pháp loại trừ tốt có thể đạt 9-10 điểm. Tôi nghĩ khung điểm chiếm tỉ lệ cao là 5 – 6 điểm và sẽ có rất nhiều học sinh đạt điểm 10 tuyệt đối. Với đề thi này, thí sinh rất khó bị điểm liệt”,”, thầy Dương nhận định.
Nhận xét về môn Lịch Sử, Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng: Với đề thi theo hình thức mới là trắc nghiệm như năm nay thì ưu điểm rõ nhất là triệt tiêu việc học tủ của học sinh khi đề thi xuyên suốt toàn bộ những kiến thức cơ bản của lớp 12.
Đề thi có khoảng 5 – 7 câu tương đối khó và chính số câu này có thể đáp ứng yêu cầu phân loại xét tuyển vào đại học cho những em có học lực khá và giỏi. Với đề thi này, việc được điểm 10 tuyệt đối là rất khó và hiếm, thậm chí ngay cả đối với chính các giáo viên. Bởi có những câu đòi hỏi phải nhớ kiến thức về số liệu hay vấn đề cụ thể, chứ không chỉ tư duy. “Mức điểm 5 – 6 nhiều thí sinh sẽ đạt được và phổ biến. Để làm được từ 8 – 10 điểm thì thí sinh ngoài có nền tảng kiến thức vững chắc còn phải có khả năng tư duy cao”, thầy Hiếu nói.
Cô Bùi Thị Minh Hương, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân Trường THPT Can Lộc (Hà Tĩnh) cho rằng: Là năm đầu tiên thi Giáo dục công dân nhưng đề thi khá gần gũi và áp dụng nhiều trong đời sống, bám sát chương trình SGK phổ thông. Đề thì lần này dễ hơn so với 3 đề thi thử trước đó nên không gây khó khăn cho thí sinh.
“Mỗi mã đề đều xuất hiện khá nhiều câu hỏi thú vị, hóc búa để phân loại thí sinh đạt điểm 9-10. Đề có nhiều tình huống thực tiễn, phát huy điểm mạnh của hình thức thi trắc nghiệm. Nhiều vấn đề liên quan đến thực hành pháp luật được vận dụng sáng tạo như câu 117 (mã đề 303) nói về hôn nhân gia đình, câu 110 (mã đề 303) nói về xã hội; hay các vấn đề về an toàn giao thông, quyền bí mật cá nhân, thư tín, tự do ngôn luận; bầu cử-ứng cử”, cô Hương nhấn mạnh.
Tiền Phong