Ôn thi môn vật lý: Một số phương pháp hệ thống hóa kiến thức

0
1548

Hệ thống hóa kiến thức một cách thông minh sẽ giúp thí sinh nắm vững nội dung, biết áp dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng hiệu quả để có kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia.

Kỳ thi THPT quốc gia 2019 đổi mới với một số phần bổ sung quan trọng với việc thêm một số kiến thức vật lý lớp 10 vào đề thi. Như vậy, kiến thức vật lý của 3 năm THPT sẽ được kiểm tra đánh giá qua nội dung của đề thi.

Hệ thống hóa kiến thức một cách thông minh sẽ giúp thí sinh nắm vững nội dung, biết áp dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng hiệu quả cộng thêm một chút may mắn các thí sinh có thể có kết quả cao trong kỳ thi quan trọng này.

1. Hệ thống hóa kiến thức lý thuyết

Có khá nhiều kiểu hệ thống hóa kiến thức, theo từng chương, theo từng lớp học, theo từng phần, theo từng chủ đề…

Tuy nhiên tối ưu vẫn là theo từng chuỗi mắt xích kiến thức.

Để hệ thống hóa được theo kiểu này đòi hỏi thí sinh phải nắm vững các mối liên hệ giữa các chuỗi kiến thức liên kết nhau.

Ví dụ:

– Hệ thống kiến thức phần dao động điều hòa kết hợp với việc hệ thống kiến thức phần động học và động lực học phần cơ lớp 10, với việc hệ thống kiến thức phần dao động sóng điện từ.

– Hệ thống kiến thức phần sóng cơ học kết hợp với việc hệ thống kiến thức phần dao động điều hòa, với việc hệ thống kiến thức phần sóng ánh sáng.

– Hệ thống kiến thức phần dòng điện xoay chiều kết hợp với phần dòng điện không đổi + từ trường + cảm ứng điện từ.

– Hệ thống kiến thức phần quang lượng tử + vật lý hạt nhân…

Các chuỗi mắt xích này nối nhau bằng các khái niệm cơ bản, các hình thức luận tương tự, các định luật đồng dạng…

Ví dụ:

– Định luật Coulomb và Định luật vạn vật hấp dẫn có hình thức luận tương tự.

– Dao động điện từ và dao động cơ có các đại lượng tương tự…

Kỹ thuật hệ thống hóa

Tất cả chỉ gói gọn trong hai từ “so sánh”.

Đặt các đơn vị kiến thức cạnh nhau, xem xét toàn diện, tìm ra cái khác nhau và cái giống nhau trong mọi thành phần, từ khái niệm cơ bản cho đến phạm vi ứng dụng.

Ví dụ:

Nhìn vào các nội dung trong bảng các thí sinh sẽ dễ dàng nhận ra đâu là điểm giống nhau, đâu là điểm khác nhau…

Hay như:

Việc học sẽ học theo hàng ngang, ta sẽ học định nghĩa của cả ba, tính chất của cả ba…

Các thí sinh học theo kỹ thuật này sẽ có khá nhiều các bảng to, nhỏ khác nhau, nhưng yên tâm, sẽ rất dễ nhớ, dễ áp dụng hơn các kiểu ôn truyền thống khác, đặc biệt là tránh được các bẫy về lý thuyết mà nội dung đề thi thường ra.

2. Hệ thống hóa các kiến thức toán

Việc hệ thống hóa kiến thức cần nhiều thời gian hơn và đòi hỏi các thí sinh phải rất chú ý trong quá trình học, kỹ thuật chính vẫn là so sánh. Việc đặt hai bài toán cạnh nhau rất quan trọng, nhìn chung thấy chúng có vẻ giống nhau, nhưng “bẫy” đặt ra khác nhau.

Nếu làm riêng rẽ từng phần, cùng lắm thí sinh chỉ biết giải câu đó do nhớ dạng giải, nhưng khi làm các câu biến thể từ câu đó thí sinh sẽ mất rất nhiều thời gian để giải. Khi đặt được các câu gần nhau sẽ giúp cho thí sinh hệ thống hóa và nắm bắt được ý chính nằm ở đâu.

Ví dụ như hai câu điện xoay chiều này:

1. Mạch gồm cuộn dây thuần cảm, điện trở thuần, tụ có C biến thiên, mắc nối tiếp theo đúng thứ tự. L = 0,318 H; R = 100 Ω. Điện áp đặt vào hai đầu đoạn mạch có biểu thức u = 200√2cos100 πt (V). Để điện áp hiệu dụng hai đầu đoạn R và C nối tiếp đạt max thì C và điện áp max đó nhận giá trị là:

A. 0,394.10-4 F; 648 V.

B. 0,0985.10-4 F; 162 V.

C. 0,197.10-4 F; 324 V.

D. khác

2. Mạch gồm cuộn dây thuần cảm có L biến thiên, điện trở thuần, tụ, mắc nối tiếp theo đúng thứ tự. C = 1,59.10-5 F; R = 100 Ω. Điện áp đặt vào hai đầu đoạn mạch có biểu thức u = 200√2cos100 πt V. Để điện áp hiệu dụng hai đầu đoạn L và R nối tiếp đạt max thì L và điện áp max đó nhận giá trị là

A. 1,538 H; 966 V.

B. 0,769 H; 483 V.

C. 0,385 H; 241 V.

D. khác.

Khi đặt cạnh nhau sẽ thấy yếu tố nào cần khảo sát, sự giống nhau, các kiến thức liên quan, sự khác nhau, cách đặt câu hỏi. Nếu khảo sát toàn diện từ các giá trị, đồ thị theo thời gian, giản đồ vectơ, pha… thí sinh sẽ hiểu sâu và không cần làm nhiều hơn các câu trắc nghiệm dạng này.

Việc thiết lập các bảng công thức đối chiếu ở đây cũng là việc nên làm. Có những công thức tương tự nằm giữa các phần trong chương, hay giữa các chương với nhau, hoặc giữa các cấp lớp với nhau.

3. Giải bài toán trắc nghiệm theo hướng đơn giản hóa

Việc giải bài toán theo kỹ thuật đơn giản hóa, suy luận trực tiếp là một lời khuyên khi giải quyết các bài toán phức tạp. Cách giải theo kiểu này có thể sẽ không được chấp nhận nếu giải theo kiểu tự luận chặt chẽ, thậm chí có thể bị lên án, nhưng khi giải trắc nghiệm nó là một kỹ thuật nên dùng.

Ví dụ một bài thi đại học cũ:

Điện năng từ một trạm phát điện được đưa đến một khu tái định cư bằng đường dây truyền tải một pha. Cho biết, nếu điện áp tại đầu truyền đi tăng từ U lên 2U thì số hộ dân được trạm cung cấp đủ điện năng tăng từ 120 lên 144.

Cho rằng tính đến hao phí trên đường dây, công suất tiêu thụ điện của các hộ dân đều như nhau, công suất của trạm phát không đổi và hệ số công suất trong các trường hợp đều bằng nhau. Nếu điện áp truyền đi là 4U thì trạm phát này cung cấp đủ điện năng cho

A. 168 hộ dân.

B. 150 hộ dân.

C. 504 hộ dân.

D. 192 hộ dân

Ta cứ viết P + ΔP = 120 và P + ΔP/4 = 144 khi giải ra ta có ΔP = 38, vậy nhà máy điện tối đa chỉ cung cấp điện cho 158 hộ dân thôi nên đáp án là B.

ĐOÀN HỒNG HÀ (tổ phó Tổ vật lý Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)