Ôn thi các môn khoa học tự nhiên hiệu quả

0
10880

Để chọn đáp án đúng cho các câu hỏi trắc nghiệm trong bài thi khoa học tự nhiên kỳ thi THPT quốc gia, cần phải có sự chuẩn bị bài bản về lý thuyết và các dạng bài tập.

Môn vật lý
Để có thể ôn thi một cách hiệu quả nhất, theo giáo viên Nguyễn Thị Ngọc Dung, Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), học sinh (HS) cần lưu ý những vấn đề sau: Phải nắm được nội dung trọng tâm. Phần cơ bản là những câu hỏi ở mức độ dễ và trung bình, dàn trải toàn bộ chương trình vật lý như là những định nghĩa, khái niệm về dao động điều hòa, vận tốc, gia tốc, chu kỳ, tần số, sóng cơ, sóng âm, bước sóng, sóng điện từ, ánh sáng đơn sắc, hiện tượng quang điện, độ phóng xạ, năng lượng liên kết… Phần tính toán đơn giản, chủ yếu là áp dụng các công thức như tính biên độ dao động, chu kỳ, tần số, năng lượng, bước sóng, các giá trị hiệu dụng của điện xoay chiều, khoảng vân giao thoa, công thoát và giới hạn quang điện, năng lượng liên kết hạt nhân… Kiến thức 11 như công của lực điện, cảm ứng từ, từ thông…
Mức độ vận dụng vừa dành cho HS trung bình và khá tập trung chủ yếu ở các dạng toán tìm thời gian, vận tốc, khoảng cách vật, sóng âm, giao thoa sóng, sóng dừng, công suất điện, biểu thức u, i của điện xoay chiều, tán sắc ánh sáng, giao thoa ánh sáng, tìm động năng vận tốc electron quang điện, số photon thu phát, năng lượng thu tỏa trong phản ứng hạt nhân, số hạt phóng xạ… Kiến thức 11 như lực điện tổng hợp, định luật ohm mạch kín, thấu kính… Mức độ vận dụng cao dành cho HS giỏi chủ yếu là vật lý 12 liên quan đến phần dao động cơ, sóng cơ, điện xoay chiều, giao thoa nhiều bức xạ đơn sắc, giao thoa ánh sáng trắng, tỷ số hạt trong phóng xạ…
Từ những kiến thức trên, HS cần biết hệ thống thông qua các sơ đồ tư duy (sơ đồ thời gian trong dao động điều hòa), biểu bảng so sánh (con lắc lò xo và con lắc đơn; dao động cơ và dao động điện từ, giao thoa sóng nước và sóng ánh sáng…).
Phải nắm thật vững lý thuyết trong sách giáo khoa, các bài tập đơn giản phải làm thật chính xác, không được chủ quan, hạn chế những sai sót đáng tiếc.
Môn hóa học
Theo thạc sĩ Phạm Thành Hải, giáo viên Trường THPT Hai Bà Trưng (Q.Tân Bình, TP.HCM), HS chuẩn bị 3 quyển vở: Vở lý thuyết sẽ hệ thống hóa kiến thức, vẽ sơ đồ tư duy và tổng hợp lý thuyết. Vở bài tập sẽ ghi lại phương pháp giải của từng dạng toán và các bài giải mẫu. Vở ghi chú để ghi lại một số lỗi mắc phải và các bài tập khó.
Về lý thuyết, tốt nhất là nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa lớp 11 và 12 theo cách: Học đến đâu hệ thống lại kiến thức đến đó, vẽ sơ đồ tư duy để tiện cho quá trình ôn tập lại sau này và dễ ghi nhớ kiến thức một cách khoa học.
Nên xây dựng các dạng bài tập của chương. Khi giải một dạng bài cần phải viết được phương trình phản ứng và phương pháp để giải dạng toán này. Để giải quyết được phần bài tập nhanh, cần nắm chắc kiến thức và sử dụng tốt các phương pháp tính toán như: trung bình, quy đổi, bảo toàn khối lượng, nguyên tố, mol electron, điện tích.
Môn sinh học
Theo giáo viên Bùi Thị Thanh Thu, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Q.1, TP.HCM), khi ôn luyện bài tập chú ý dạng bài nhân đôi ADN: Bài tập liên quan đến số liên kết hidro bị phá vỡ, số liên kết hidro được hình thành; số đoạn mồi, đơn vị tái bản. Dạng bài tập về phiên mã, dịch mã: Số phân tử nước được giải phóng khi hình thành liên kết peptit; tính số tARN, bài toán liên quan đến số lượng, tốc độ, khoảng cách khi ribosome dịch chuyển trong dịch mã. Bài tập phần nguyên phân, giảm phân: Giảm tải bài tập về cho hình vẽ và yêu cầu nhận biết quá trình nguyên phân, giảm phân; không có bài tập riêng biệt về hai quá trình này như tính số tế bào tạo ra, số NST tự do môi trường cung cấp cho quá trình nguyên phân, giảm phân, số cromatit, tâm động… Tương tác gien: Loại bỏ dạng bài tập tương tác át chế. Hoán vị gien: Bỏ dạng trao đổi chéo tại 2 điểm, trao đổi chéo kép.
HS cần nắm chắc cấu trúc của từng chương, từng bài bằng cách xây dựng các dàn bài. Sau đó đi chi tiết vào từng phần, liên hệ phần kiến thức đang ôn với các bài liên quan qua từng chuyên đề.
Theo thanh nien