Tiền đâu mà rong chơi lắm thế!

0
2947

Không được ba mẹ đài thọ, không thể ngồi chờ trúng số, “những kẻ thích rong chơi” phải cật lực kiếm tiền, ngay cả trên đường đi.

Tích lũy để lên đường

Để bắt đầu một hành trình xê dịch (có thể nói là rất liều lĩnh, cô đơn, mạo hiểm), bạn phải mất hàng tháng, có khi nhiều chục năm trời, để chuẩn bị từ vật chất đến tinh thần.

 

Các “con nghiện xê dịch” đều làm việc rất cật lực để sẵn sàng nguồn tiền trang trải cho việc đi lại, ăn uống. Không nhất thiết phải là số tiền đến 7-8 số 0, dĩ nhiên nhiều vẫn tốt hơn, nhưng ít nhất phải là một khoản đủ để nuôi sống bản thân trong giai đoạn đầu.

Mai Hương từng vừa làm việc toàn thời gian, vừa cộng tác cho báo, vừa bán quần áo online để tích lũy vài chục triệu trước ngày lên đường.

Nhiếp ảnh gia Tâm Bùi (blogger du lịch, được biết đến với các bộ ảnh “Gà trống”, “Gà Mái”, “Daydreamers”, vừa phát hành sách ảnh “Bụi đường tuổi trẻ” ghi lại các cung đường qua Myanmar, Trung Quốc, Tây Tạng và Ấn Độ) không ngại chia sẻ: “Tôi đã phải chuẩn bị rất lâu, hơn 6 năm làm việc trong lĩnh vực truyền thông, quảng cáo”.

“Tôi chủ động lên kế hoạch những chuyến đi, làm hồ sơ xin tài trợ, gõ cửa các nhãn hàng tìm hỗ trợ dù phần trăm cơ hội rất mong manh”.

Khéo léo tiết kiệm tiền ăn ở

Xê dịch khác với du lịch nghỉ dưỡng. Thay vì ở khách sạn có buffet/hồ bơi/bar trên tầng cao nhất, chụp ảnh check-in, ở vài ngày rồi về, bạn phải tính toán để chi tiêu tiết kiệm nhất, đi được nhiều nơi nhất, gặp được nhiều người nhất, va đập với nhiều vấn đề nhất.

Xê dịch là ăn bờ ngủ bụi, sống với người dân từng vùng miền để hiểu phong tục tập quán của họ, nhờ đó mà tiết kiệm được hằng hà sa số các khoản chi.

“Phượt” ra ngoài biên giới Việt Nam thì cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, lên các trang du lịch bụi nổi tiếng (couchsurfing, hospitalityclub…) để đăng ký ở nhờ nhà dân bản xứ, hay làm việc từ thiện để đổi lấy chỗ ăn ở miễn phí (helpx, wwoof).

“Người nước ngoài rất tốt bụng, tốt đến không ngờ, nhất là người Nhật. Mình chưa gặp bất trắc nặng nề nào từ lòng người trong suốt hành trình. Điều đó càng khiến mình có thêm động lực đi và đi xa hơn”, Rosie Nguyễn (tác giả cuốn sách “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu”, “Ta ba lô trên đất Á”, đã từng du lịch bụi đến hơn 20 quốc gia) chia sẻ.

Vừa đi vừa kiếm tiền

“Con nghiện xê dịch” không phải là những kẻ “khờ dại”, “điên rồ”, không quan tâm đến ngày mai ra sao, ở đâu và làm gì. Họ vừa sống tự do nhất mà cũng đối mặt với nhiều nỗi lo nhất, ngao du nhiều nhất nhưng cũng chịu nhiều áp lực nhất.

Không chỉ đơn thuần đi, thưởng ngoạn rồi về, họ phải vừa đi vừa kiếm tiền qua các công việc freelance.

Tâm Bùi chụp ảnh, kiếm tiền và đi; Mai Hương viết báo, kiếm tiền và đi; Rosie Nguyễn viết sách, kiếm tiền và đi; Sói Rukami nhận đơn đặt hàng làm đồ da với yêu cầu chuyển tiền trước – nhận hàng sau và đi.

Họ còn làm việc cho các tổ chức phi chính phủ, dạy tiếng Anh, phục vụ bàn…, làm một cách nghiêm túc và chuyên tâm.

Một số công việc giúp bạn kiếm tiền trên đường du lịch:

1/ Viết blog: Vừa đi vừa viết bài, chụp ảnh và gửi đăng báo, hoặc tự tạo blog cá nhân (wordpress, facebook…).

2/ Sáng tác tản văn, tiểu thuyết: Khi đạt trình độ viết lách cao hơn, hãy thử chuyển hướng sang làm nhà văn và gửi bản thảo cho nhà xuất bản.

3/ Freelancer: Nhiều công việc có thể làm online, hãy thử tìm 1-3 việc bạn có thể làm trên đường đi.

4/ Bán tem, tiền cổ hay đồ lưu niệm các nước: Sưu tầm các món đồ này khi bạn đi du lịch, tranh thủ bán hàng online hoặc đem về nước bán lại cho các cửa hàng, dân chơi.

5/ Công việc tạm thời như dạy tiếng Anh, trợ giảng cho trẻ em nghèo, bồi bàn trong quán cà phê, nhà hàng để “kiếm tạm cơm qua ngày”.

6/ Làm việc cho các tổ chức phi chính phủ: Nếu may mắn có được công việc này, bạn có thể vừa xê dịch, vừa làm từ thiện, vừa học hỏi được rất nhiều kiến thức và kỹ năng.

theo tuổi trẻ