Hơn 100 tổ hợp có không đến 10 thí sinh chọn

0
1174

Dù năm nay có hàng trăm tổ hợp được các trường đưa vào xét tuyển nhưng thí sinh đăng ký nguyện vọng vẫn tập trung vào 5 tổ hợp truyền thống, hơn 100 tổ hợp chỉ có dưới 10 thí sinh chọn.

Thí sinh không mặn mà với các tổ hợp mới
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT), dựa trên 9 môn thi và một số môn thi năng khiếu, số tổ hợp được sử dụng để xét tuyển có thể lên đến hơn 400 tổ hợp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thí sinh không mặn mà với các tổ hợp mới. Trong 2 năm gần đây, 5 tổ hợp truyền thống thường chiếm tới khoảng 90% tổng số nguyện vọng đăng ký dự tuyển của thí sinh.
Thông tin trên được chia sẻ trong buổi gặp gỡ giữa đại diện Bộ GD-ĐT với báo chí sáng nay, 27.4, về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, tuyển sinh đại học và các trường cao đẳng, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên chính quy năm 2018.
Bà Phụng cho biết, sau lộ trình 3 năm các trường được tự chủ xác định tổ hợp tuyển sinh, năm 2018 không còn quy định bắt buộc để chỉ tiêu tối thiểu để xét tuyển cho các tổ hợp truyền thống nữa.
Nhưng qua con số thống kê đăng ký xét tuyển năm 2018 cho thấy, về cơ bản các trường và thí sinh vẫn sử dụng tổ hợp truyền thống để xét tuyển. Tương tự như năm 2017, năm nay tổ hợp có lượng thí sinh chọn đăng ký nhiều nhất là: A00 (toán, lý, hóa), D01 (toán, văn, tiếng Anh), A01 (toán, lý, Anh văn), B00 (toán, hóa, sinh), C00 (văn, sử, địa). Năm 2018, năm tổ hợp này chiếm gần 90%, năm 2017 là gần 92%.
Bà Phụng nói: ”Quy chế tuyển sinh cho phép các trường được bổ sung thêm các tổ hợp bài thi/môn thi mới để xét tuyển và quy định “các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo”. Về lý thuyết, có 9 môn thi và một số môn thi năng khiếu có thể thiết kế tới hơn 400 tổ hợp.
Tuy nhiên, kết quả thống kê cho thấy, số thí sinh đăng ký xét tuyển chọn các tổ hợp mới được bổ sung rất ít: có hơn 100 tổ hợp chỉ có dưới 10 thí sinh chọn và có hàng 100 tổ hợp không có trường hoặc thí sinh nào chọn.
Trường phải giải trình được khi đưa tổ hợp “lạ”
Theo bà Phụng, luật Giáo dục đại học quy định các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.
Quy chế tuyển sinh cũng đã quy định rõ việc thêm các tổ hợp bài thi/môn thi mới để xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc “sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất 1 trong 2 bài thi toán, ngữ văn để xét tuyển. Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành”.
Thực tế, khi các môn thi THPT quốc gia tăng lên để đảm bảo học sinh học đều các môn, có 2 bài thi tổ hợp gồm 6 môn thi… thì số lượng tổ hợp tuyển sinh tất yếu tăng lên, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu tuyển sinh theo ngành. Tuy nhiên, để gắn với yêu cầu của ngành đào tạo thì tổ hợp tuyển sinh phải có 1 hoặc 2 môn thi được coi là môn kiến thức nền tảng, môn tiên quyết để có thể vào học chương trình đào tạo.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng trao đổi tại cuộc gặp với báo chí sáng 27.4 
Quy trình xác định tổ hợp tại các trường thường phải do hội đồng khoa học đào tạo hoặc hội đồng tuyển sinh tham mưu… Và nhà trường phải giải trình được tính liên quan, tính hợp lý, tính cần thiết của tổ hợp đó đối với ngành đào tạo.
Căn cứ tình hình thực tế trong công tác tuyển sinh, ngay từ đầu năm 2018, Bộ GD-ĐT đã thường xuyên giám sát, nhắc nhở các trường có thông báo xét tuyển tổ hợp các môn thi chưa phù hợp với ngành đào tạo và yêu cầu thực hiện đúng quy định, ví dụ tuyển sinh ngành ngôn ngữ nước ngoài nhưng không tuyển sinh tổ hợp có ngoại ngữ, các ngành kỹ thuật tuyển sinh khối C,… Sau khi có ý kiến nhắc nhở của Bộ GD-ĐT, nhiều trường đã khẩn trương điều chỉnh như Trường đại học Công nghệ Đồng Nai, Trường đại học Đông Đô…
Thời gian tới, đối với các trường tuyển sinh những tổ hợp chưa gắn với yêu cầu của ngành đào tạo, Bộ GD-ĐT sẽ tham vấn chuyên gia, trao đổi và yêu cầu nhà trường giải trình những nội dung trên.
Bà Phụng cảnh báo: ”Nếu không có căn cứ thuyết phục, chúng tôi có thể lựa chọn những trường có dấu hiệu tiêu cực này để giám sát chặt chẽ quá trình tuyển sinh của trường; kiểm tra, thanh tra về các điều kiện đảm bảo chất lượng, việc thực hiện các quy định về tuyển sinh, đào tạo, việc đảm bảo chuẩn đầu ra và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp… Những trường chất lượng thấp sẽ bị cảnh báo; nếu có vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định, thậm chí đến dừng tuyển sinh và công khai cho xã hội biết để phòng ngừa chung”.
Theo Thanhnien