Hơn 2000 thí sinh dự thi Đánh giá năng lực vào trường ĐH Sư phạm Hà Nội

0
449

Ngày 07/5/2022, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức kỳ thi Đánh giá năng lực. Mục đích của kỳ thi nhằm gia tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh.

Hơn 2000 thí sinh dự thi Đánh giá năng lực vào trường ĐH Sư phạm Hà Nội - 1
Địa điểm tổ chức thi Đánh giá năng lực của trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Được biết, bên cạnh các phương thức tuyển sinh đại học đã áp dụng từ những năm học trước như: xét tuyển thẳng; sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và tổ chức thi các môn năng khiếu để xét tuyển vào các ngành có xét tuyển môn thi năng khiếu; ưu tiên cộng điểm; xét tuyển thẳng đối với thí sinh viết bài luận đạt kết quả tốt, năm 2022, Trường ĐHSP Hà Nội bổ sung phương thức tuyển sinh mới (phương thức 5): xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực kết hợp với kết quả học THPT.

Kì thi này được tổ chức với mục tiêu đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, gia tăng thêm cơ hội trúng tuyển vào ĐHSP Hà Nội và nhằm phân loại tốt hơn năng lực của các thí sinh để tuyển chọn được tân sinh viên phù hợp với từng ngành đào tạo.

Theo đó, thí sinh lựa chọn và thực hiện một hoặc một số bài thi (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí) sử dụng kết quả thi để đăng kí xét tuyển vào các ngành đào tạo của Trường.

Cùng với bài thi viết để đánh giá năng lực, thí sinh phải đáp ứng các điều kiện về hạnh kiểm tất cả các học kỳ ở bậc THPT từ loại khá trở lên và điểm trung bình chung của 5 học kỳ (học kỳ 1,2 lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12) từ 6.5 trở lên (không có học kỳ nào dưới 6.5).

Theo thông tin từ nhà trường, kỳ thi Đánh giá năng lực đợt này có 2983 thí sinh đăng ký dự thi. Số thí sinh đủ điều kiện dự thi là 2367.

Theo đó, thí sinh dự thi tại hai điểm thi: Điểm thi số 01 (Nhà D1+D2+D3+D4) và Điểm thi số 02 (Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành), kỳ thi được diễn ra chặt chẽ, nghiêm túc và đúng quy chế.

Tại điểm thi, các thí sinh đã có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định để làm thủ tục dự thi và tuân thủ tốt các quy định tại phòng thi và quy chế thi. Trường đã tổ chức thi 8 môn (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí) với cấu trúc, ma trận các đề thi sao cho các bài thi đánh giá được các năng lực đặc thù để tuyển sinh vào ngành hoặc nhóm ngành đào tạo cụ thể của Trường.

Hơn 2000 thí sinh dự thi Đánh giá năng lực vào trường ĐH Sư phạm Hà Nội - 2
Các thí sinh làm bài tại phòng thi.

Các thí sinh làm bài thi trực tiếp trên giấy với thời gian mỗi môn từ 60 đến 90 phút. Đề thi có kết hợp trắc nghiệm và tự luận với tỉ lệ điểm phù hợp tùy theo môn thi, bao gồm các câu hỏi kiểm tra khả năng lập luận, năng lực phân tích, đánh giá và sáng tạo.

Theo đó, mỗi ngành học sẽ xét tuyển dựa theo kết quả thi đánh giá năng lực 02 môn (đã nhân hệ số và cộng điểm ưu tiên, nếu có).

Các ngành có thi năng khiếu sẽ xét theo tổng điểm thi năng khiếu kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực (đã nhân hệ số và cộng điểm ưu tiên, nếu có).

Trường đã tổ chức thi cả 08 môn trong một ngày để giảm thiểu chi phí lưu trú, sinh hoạt của học sinh ngoài Hà Nội.

Hơn 2000 thí sinh dự thi Đánh giá năng lực vào trường ĐH Sư phạm Hà Nội - 3
Các sinh viên tình nguyện của nhà trường hướng dẫn cho các thí sinh vào phòng thi.

Nhà trường quy định, thí sinh được đăng ký tối đa 02 nguyện vọng (02 tổ hợp để vào cùng 01 ngành hoặc vào 02 ngành khác nhau). Đối với thí sinh có 02 nguyện vọng xét tuyển theo phương thức 5, Trường xét nguyện vọng 1 trước, nếu nguyện vọng thứ nhất không trúng tuyển, nguyện vọng 2 được xét tuyển như nguyện vọng thứ nhất.

Kết quả xét tuyển theo phương thức 5: xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực kết hợp với kết quả học THPT sẽ được công bố sớm, dự kiến vào ngày 31/5/2022. Vì thế nếu chưa trúng tuyển theo phương thức này, các thí sinh vẫn còn cơ hội đăng ký bốn phương thức tuyển sinh truyền thống của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Theo Báo Dân Trí