Hơn 340.000 thí sinh dự thi bài tổ hợp Khoa học tự nhiên

0
3247

Bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên gồm 3 môn thành phần là Vật lý, Hóa học và Sinh học, mỗi môn làm trong 50 phút.

 

Sáng 26/6, 341.570 thí sinh bước vào ngày thi thứ hai với bài Khoa học tự nhiên (Vật lý – Hóa học – Sinh học) vào buổi sáng và Ngoại ngữ buổi chiều. Sở dĩ lượng thí sinh giảm chỉ 1/3 so với ngày đầu vì Khoa học tự nhiên cùng với Khoa học xã hội là hai môn tự chọn, sĩ tử chỉ phải chọn một trong hai.

Với hình thức thi trắc nghiệm khách quan, 24 thí sinh trong một phòng thi sẽ có 24 mã đề. Mỗi môn thi thành phần có thời gian làm bài 50 phút.

Một thay đổi trong cách tổ chức thi bài tổ hợp năm 2018 là thời gian nghỉ giữa các môn thành phần rút ngắn xuống còn 10 phút, thay vì 20 phút như năm trước. Mỗi phòng thi chỉ được phát một túi đựng phiếu trả lời trắc nghiệm với số lượng bằng số thí sinh trong phòng.

Ông Nam Nhật Minh, Phó phòng Quản lý thi tuyển sinh và công nhận văn bằng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, quy định trên nhằm tránh việc lợi dụng số phiếu thừa để làm sai. “Trường hợp thấy phiếu rách, nhàu muốn đổi, sẽ phải làm biên bản trả lại phiếu rách đó để được nhận phiếu dự phòng”, ông Minh nói.

Theo quy chế, khi kết thúc mỗi bài thi thành phần, giám thị sẽ thu lại toàn bộ giấy nháp, tài liệu, vật dụng có ghi thông tin về bài thi tổ hợp, nhằm tránh trường hợp thí sinh sử dụng thời gian của môn thi thành phần sau để giải nốt đề môn trước. Tất cả vật dụng thí sinh mang vào phòng thi, từ bút, thước… đều bị giám thị kiểm tra, để chắc chắn không có dữ liệu bài thi được ghi trên đó.

Về đề thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, TS Sái Công Hồng – Cục phó Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục) trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 29/4 cho biết, năm nay đề sẽ có thêm câu hỏi về thí nghiệm nhằm tác động ngược trở lại việc dạy học của nhà trường, giúp thúc đẩy dạy học thực hành nhiều hơn. “Câu hỏi khó ở các môn thành phần của bài Khoa học tự nhiên sẽ đề cập bản chất hiện tượng chứ không phải về tính toán”, ông Hồng nói.

Cấu trúc của đề thi THPT quốc gia gồm 60% kiến thức cơ bản, 40% nâng cao để phân loại học sinh. Các câu hỏi trong đề được phân làm 4 cấp độ dễ, trung bình, khó và rất khó, sắp xếp tuần tự từ trên xuống dưới. Cục phó Hồng khuyên thí sinh học chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa để lấy được nhiều điểm nhất trong phần câu hỏi cơ bản, tránh sai sót.

Đề thi THPT quốc gia lần này có thêm 20% nội dung thuộc chương trình lớp 11, không khoanh vùng kiến thức nào sẽ xuất hiện trong đề.

Trước đó trong ngày 25/6, hơn 900.000 thí sinh đã hoàn tất hai môn thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia là Ngữ văn và Toán. Đề thi cả hai môn đều được đánh giá là khó hơn năm trước và có tính phân loại cao. Ở môn Toán thi trắc nghiệm, nhiều em phải “nhờ vào vận may” khi đánh bừa đáp án.

Theo vnexpress