Hướng đi nào cho học sinh 2004 từ điểm chuẩn đại học gây sốc năm nay?

0
441

Kỳ thi tốt nghiệp không còn mục tiêu “2 trong 1”

Hướng đi nào cho học sinh 2004 từ điểm chuẩn đại học gây sốc năm nay? - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Kỳ thi tốt nghiệp không còn mục tiêu “2 trong 1”

Thống kê điểm chuẩn năm 2021 cho thấy đa số các trường đại học tiếp tục nâng mức điểm đầu vào so với hai năm trước. Nhiều ngành tăng từ 2 – 4 điểm, cá biệt một số ngành tăng đến 9 điểm.

Bất chấp những khó khăn trong hoạt động dạy và học do ảnh hưởng của Covid-19, điểm chuẩn của nhiều trường năm 2021 đã đạt tới mức kỉ lục trong lịch sử, vượt qua cả kỉ lục điểm chuẩn các năm trước đó từng ghi nhận, khi đạt 30 điểm không đỗ đại học.

Lí giải về điều này, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên Hóa học tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và hiệu lực của Luật Giáo dục sửa đổi, từ năm 2020, kỳ thi THPT quốc gia đã được đổi tên thành kỳ thi Tốt nghiệp THPT. Tính chất, mục tiêu của hai kỳ thi hoàn toàn khác nhau dẫn tới sự phân hóa của đề thi và kết quả đạt của thí sinh cũng khác nhau.

Kỳ thi THPT quốc gia trước đây có tính chất “2 trong 1”, kết quả vừa dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ xét tuyển ĐH-CĐ nên tính chất phân hóa của đề thi tốt hơn, có nhiều câu hỏi mang tính thách thức để phân loại các nhóm học sinh trung bình – khá – giỏi.

Tuy nhiên khi chuyển đổi thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi quay trở về tập trung một mục tiêu duy nhất là làm căn cứ xét tốt nghiệp. Theo đó, đề thi có giới hạn và phạm vi kiến thức hẹp hơn, tính chất phân hóa không quá nặng.

Điều đáng tiếc là mặc dù kỳ thi đã bỏ đi tính chất “2 trong 1” nhưng thực tế các trường ĐH-CĐ vẫn chưa thể có được giải pháp thay thế khác đủ tin cậy.

Mặc dù đã đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh, tăng tỷ lệ tuyển sinh bằng các phương thức tuyển thẳng như: giải thưởng HSG, xét tuyển học bạ, xét tuyển kết hợp với các chứng chỉ quốc tế, quy đổi điểm chứng chỉ quốc tế thành điểm thi…. nhưng kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn là căn cứ chủ yếu để các trường ĐH-CĐ sử dụng trong xét tuyển, nhất là khi các kỳ thi riêng rất khó tổ chức do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 thường diễn ra vào đúng mùa thi.

Hướng đi nào cho học sinh 2004 từ điểm chuẩn đại học gây sốc năm nay? - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Thầy Vũ Khắc Ngọc.

Đa dạng hóa con đường vào đại học

Thầy Ngọc cho rằng, Trong tình thế hiện nay, chắc chắn xu hướng đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh vẫn sẽ còn được nhiều trường đại học lựa chọn để chủ động nguồn tuyển trước các biến động.

Do đó, lý tưởng nhất là các em học sinh 2004 cũng phải đa dạng hóa các con đường để vào đại học. Sau khi đã tìm hiểu và lựa chọn được một số trường và nhóm ngành mình quan tâm rồi thì cần phải cân nhắc xem trong số các phương thức tuyển sinh đó có những phương thức nào phù hợp nhất và mang lại lợi thế lớn nhất cho bản thân để lựa chọn, tốt nhất là nên dự phòng đồng thời 2-3 phương thức xét tuyển, miễn sao không quá mâu thuẫn nhau và không tạo ra sự quá tải trong quá trình học và ôn thi.

Với những bạn có năng khiếu đặc biệt ở một số môn học nhất định, có thể tính tới việc tham gia vào các kỳ thi HSG ngay từ năm lớp 10 và 11 để đạt giải. Hiện nay rất nhiều trường đại học, kể cả trường top đầu đã tuyển thẳng hoặc cộng điểm quy đổi tương ứng với giải thưởng cho học sinh đạt giải thưởng HSG từ cấp tỉnh/thành phố trở lên.

Với những bạn có năng khiếu ở môn ngoại ngữ, có quá trình học ngoại ngữ được tích lũy lâu dài thì nên hoàn thành việc thi chứng chỉ quốc tế trong năm lớp 11 hoặc trước kỳ I của lớp 12.

Bên cạnh đó, để chủ động cho việc xét tuyển bằng học bạ hoặc đáp ứng các điều kiện xét tuyển bằng học bạ, ngay từ năm lớp 10, các em cần duy trì đều đặn việc học thật tốt, ưu tiên các môn học trong khối thi chính dùng để xét tuyển đại học nhưng cũng phải đảm bảo hoàn thành các yêu cầu tối thiểu ở các môn học còn lại.

Trong trường hợp sử dụng các kết quả thi để xét tuyển, hãy nhớ rằng dù là kỳ thi tốt nghiệp THPT hay kỳ thi đánh giá năng lực riêng của các trường đại học thì nền móng quan trọng nhất vẫn phải là dựa trên học thật, hiểu thật và có năng lực thật.

“Thay vì sa đà vào việc học các công thức tính nhanh, các mẹo tắt, hãy dành thời gian để học thật chắc, nắm thật vững kiến thức từ bản chất. Như vậy, các em sẽ dễ dàng thích ứng với cấu trúc của nhiều kì thi khác nhau, và có được số điểm tối đa với năng lực của mình.

Khi đã hình thành được năng lực tốt rồi thì trước kỳ thi diễn ra một thời gian ngắn, chỉ cần các em luyện tập với một số đề thi mẫu để làm quen với cách thức là có thể chuyển hóa năng lực thành kết quả” – thầy Ngọc nhấn mạnh.

Phải xác định cụ thể mục tiêu học tập

TS. Nguyễn Thành Nam – giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự chia sẻ, trước tiên phải sớm xác định được các ngành học, trường đại học mà bạn muốn thi vào, từ đó xác định được rõ các phương thức tuyển sinh mà bạn sẽ tham gia, cuối cùng là phải xác định cụ thể mục tiêu học tập (điểm thi, điểm tổng kết, …) mà bạn phải đạt được.

Với các bạn có sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT thì cần phải tập trung học tập rất nghiêm túc và chăm chỉ, học chắc, học đều các môn trong suốt những năm học THPT. Nên hoàn thành sớm chương trình học cơ bản để chuyển sang giai đoạn ôn luyện tổng thể và nâng cao.

Với các bạn sử dụng kết quả học bạ thì ngoài việc tập trung cho các môn ưu tiên, cần dành thời gian để học đều cả những môn còn lại, không nên học quá lệch vào một số môn dẫn đến kết quả học bạ không tốt.

Cần hết sức lưu ý là tùy theo diễn biến của dịch bệnh có thể có những thay đổi rất đột ngột trong công tác tuyển sinh của các đại học. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt thì các kỳ thi riêng sẽ được đẩy mạnh, khi đó phần trăm chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả  tốt nghiệp THPT sẽ giảm mạnh để nhường chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng kết quả các kỳ thi riêng.

Theo TS Nam, các em học sinh cần thường xuyên theo dõi để cập nhật thông tin từ các đại học và ngành học mà bạn dự định thi vào. Cần cập nhật sớm nhất những thay đổi về số chỉ tiêu đầu vào và phương thức xét tuyển để điều chỉnh việc học tập và ôn thi của bản thân cho phù hợp.