3 ngộ nhận khiến sinh viên Công nghệ thông tin dễ thất bại khi đi làm

0
1828

Một trong những ngộ nhận sai lầm của sinh viên ngành CNTT hiện nay là ảo tưởng, cho rằng giỏi kiến thức trên sách vở là đủ và trông chờ vào doanh nghiệp đào tạo lại chuyên môn.

Ngộ nhận 1: Chỉ cần học kiến thức trên trường đại học là đủ

Đa số nhà tuyển dụng được hỏi đều cho rằng vấn đề lớn nhất của sinh viên CNTT mới ra trường là sự ngộ nhận về năng lực bản thân, về bằng cấp và thái độ tiếp cận công việc. Thậm chí nhiều sinh viên còn quá xa lạ với thực tế công việc, thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng xử lý vấn đề nhưng lại không chịu lăn xả, học việc.

Đó là lý do tại sao có đến 72% sinh viên ngành CNTT ra trường không có kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm và 80% lập trình viên phải đào tạo lại (theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông).

Đặc thù của CNTT là không thể chỉ dạy lý thuyết suông, sinh viên cần được thực hành một cách đều đặn, thậm chí là “cầm tay chỉ việc”. Doanh nghiệp cần người làm được việc chứ không phải những “cử nhân đầu rỗng”.

Ngộ nhận 2: Cứ đi làm rồi sẽ được doanh nghiệp đào tạo lại chuyên môn

Được đào tạo lại chuyên môn khi trúng tuyển là ngộ nhận phổ biến của sinh viên công nghệ. Nên nhớ, doanh nghiệp không phải là trường học, cũng không phải tổ chức từ thiện. Tại sao bạn không chủ động cho tương lai của chính mình mà lại trông đợi điều đó ở doanh nghiệp?

– Bởi chưa chắc bạn đã được tuyển dụng: Tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp với kiến thức chưa vững và thiếu kinh nghiệm xử lý vấn đề thì doanh nghiệp sẽ mất thời gian và công sức đào tạo lại. Do vậy, nếu không có kỹ năng thực hành và chuyên môn, chưa chắc bạn đã lọt được vào mắt xanh của các nhà tuyển dụng.

– Chưa chắc bạn đã được đào tạo đúng hướng mà bạn mong muốn: Doanh nghiệp sẽ dạy bạn vừa đủ để làm được việc họ đang cần, chứ chưa chắc đã dạy bạn đủ sâu để hiểu rõ bản chất công việc. Như thế, bạn sẽ chỉ biêt dùng công nghệ chứ không thực sự hiểu về công nghệ. Ví dụ, bạn trúng tuyển vị trí lập trình viên Java và được đào tạo sâu về ngôn ngữ này. Tuy nhiên, Java hoàn toàn có thể không phải là sở trường và hướng đi bạn đã dự định. Hoặc như bạn muốn trở thành chuyên gia về cơ sở dữ liệu nhưng doanh nghiệp lại đào tạo Tester kiểm thử phần mềm, vì họ đang thiếu nhân sự ở vị trí đó.

– Những ràng buộc “không dễ chịu” khi được doanh nghiệp đào tạo lại chuyên môn: Với những chương trình mà doanh nghiệp đào tạo cho bạn, dù là cấp độ cơ bản hay nâng cao, dù đào tạo nội bộ hay chương trình liên kết, bạn đều có thể bị ràng buộc về cam kết số năm làm việc tại doanh nghiệp hay số tiền phải hoàn lại cho chi phí đào tạo khi nghỉ việc.

Các bạn trẻ cần tránh những ngộ nhận sai lầm để giúp bản thân học đúng hướng và đảm bảo cơ hội việc làm. Thay vì trông chờ vào doanh nghiệp đào tạo lại chuyên môn, hãy chủ động tìm cho mình một cơ sở đào tạo CNTT theo hướng thực hành để không lo thất nghiệp sau khi ra trường.

Ngộ nhận 3: Sinh viên CNTT không cần học Tiếng Anh hay kỹ năng mềm

Tiếng Anh và kỹ năng mềm là hành trang không thể thiếu của sinh viên IT để hội nhập. Thực tiễn cho thấy một chuyên viên IT cần có những kỹ năng cơ bản là kỹ năng giao tiếp; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng giải quyết vấn đề; kỹ năng chủ động trong công việc.

Còn Tiếng Anh thì đương nhiên rồi. Bởi các tài liệu lập trình chất lượng hay công cụ hỗ trợ đều bằng Tiếng Anh. Chưa kể đây là công cụ hỗ trợ làm việc on-site ở nước ngoài hay các công ty xuyên quốc gia cực kỳ tốt. Nếu bạn có CV với dòng chữ TOIEC: 800, IELTS: 8.0 thì không một công ty nào có thể từ chối được bạn.