Làm gì để thí sinh không mất cơ hội xét tuyển do chậm nộp lệ phí?

0
364
du-kien-tang-hoc-phi-nhieu-nganh-o-cac-truong-dai-hoc-2

Đối với các thí sinh chưa nộp lệ phí xét tuyển, Bộ GD-ĐT nói sẽ có phương án tạo điều kiện cho thí sinh, song đến nay vẫn chưa cho biết ‘phương án’ đó là gì. Trong khi đó chuyên gia đề nghị cho thí sinh đóng tiền cho trường theo cơ chế thu hộ.

Làm gì để thí sinh không mất cơ hội xét tuyển do chậm nộp lệ phí? - Ảnh 1.

Thí sinh và phụ huynh đăng ký xét tuyển các phương thức xét tuyển sớm tại một trường đại học ở TP.HCM – Ảnh: NGỌC BÍCH

Theo Bộ GD-ĐT, kết thúc thời gian thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến, số nguyện vọng đã thực hiện thủ tục thanh toán trực tuyến đạt 97% tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học. Tuy nhiên, con số cụ thể bao nhiêu thí sinh đã nộp và chưa nộp lệ phí xét tuyển đến nay vẫn chưa được tiết lộ.

Mặc dù 17h ngày 31-8 là hạn cuối thanh toán trực tuyến, nhưng hệ thống đã kéo dài thời gian mở cho thí sinh thanh toán lệ phí đến 17h ngày 4-9. Đối với những thí sinh chưa thực hiện thanh toán trực tuyến, trước ngày kết thúc, bộ đã gửi đồng loạt tin nhắn để nhắc nhở thực hiện, vậy mà hiện vẫn còn hàng ngàn thí sinh chưa đóng lệ phí nên sẽ tiếp tục cho phép nộp bổ sung.

Theo nhận định của Bộ GD-ĐT, năm đầu tiên thí sinh còn bỡ ngỡ với phương thức thanh toán trực tuyến. Do đó, đối với các thí sinh chưa nộp lệ phí xét tuyển, bộ sẽ có phương án tạo điều kiện cho thí sinh tiếp tục hoàn thành trách nhiệm về lệ phí tuyển sinh theo quy định, không để thí sinh mất cơ hội xét tuyển. Nhưng hiện bộ vẫn chưa cho biết “phương án” đó thế nào, thí sinh sẽ nộp lệ phí ra sao, trong khi quy trình tổ chức xét tuyển đã bắt đầu từ ngày 4-9.

Điều đáng nói đây không phải là lần đầu bộ “quay xe” để “cứu” thí sinh trong mùa tuyển sinh năm nay. Trước đó, có đến 325.000 thí sinh không nhập nguyện vọng xét tuyển lên hệ thống, đồng nghĩa với việc các thí sinh này mất quyền đăng ký xét tuyển đại học đợt 1 năm 2022.

Cũng theo bộ, khi đó vẫn còn những thí sinh nhầm lẫn, sai sót trong quá trình đăng ký nguyện vọng xét tuyển, nên bộ mở lại hệ thống thêm 1,5 ngày (sau khi hết hạn) cho phép thí sinh chưa đăng ký nguyện vọng được tiếp tục đăng ký và chỉnh sửa. Sau đó, đã có thêm gần 4.000 thí sinh đăng ký, 75.000 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.

Liên quan đến giải pháp hỗ trợ thí sinh chưa nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến, nhiều chuyên gia đã kiến nghị Bộ cần xem xét để xét tuyển cho tất cả thí sinh có đăng ký nguyện vọng. Sau khi đã xét tuyển xong thì thí sinh đóng tiền cho trường đã trúng tuyển theo cơ chế thu hộ. Chỉ có cách này mới không ảnh hưởng nhiều đến công tác xét tuyển, lọc ảo các trường đang thực hiện và việc làm này không phát sinh thêm kinh phí mà lại không thiệt thòi cho thí sinh.

Theo Báo Tuổi Trẻ